Sali Hafez và các nhà hoạt động từ nhóm Depositors’ Outcry bước vào chi nhánh ngân hàng Blom và xông vào văn phòng của người quản lý. Họ yêu cầu nhân viên ngân hàng phải giao 12.000 USD và số tiền tương đương khoảng 1.000 USD bằng đồng bảng Lebanon, Guardian đưa tin hôm 14/9.
Trả lời đài truyền hình Al Jadeed, cô Hafez cho hay cô cần tiền để chi trả điều trị ung thư cho em gái.
Cô cho biết đã nhiều lần đến ngân hàng hỏi tiền và được trả lời rằng cô chỉ có thể nhận 200 USD mỗi tháng bằng đồng bảng Lebanon. Cô Hafez cho biết khẩu súng lục đồ chơi là của cháu trai cô.
“Tôi đã cầu xin giám đốc chi nhánh trước đây để có thể rút số tiền của mình. Tôi nói với ông ấy rằng em gái tôi sắp chết, không còn nhiều thời gian nữa. Tôi đã không còn gì để mất", cô nói.
Cửa kính phía trước ngân hàng ở thủ đô Beirut, Lebanon bị đập vỡ khi Sali Hafez và các nhà hoạt động xông vào trong để đòi tiền tiết kiệm. Ảnh: AFP. |
Cô Hafez cho biết cô có tổng cộng 20.000 USD tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Người phụ nữ đã bán nhiều đồ cá nhân và từng cân nhắc việc bán thận để có tiền điều trị ung thư cho em gái.
Nadine Nakhal, một khách hàng tại ngân hàng Blom, cho hay những người đột nhập “đổ xăng khắp nơi trong ngân hàng, rút bật lửa và đe dọa sẽ châm lửa”. Cô cho biết có một phụ nữ cầm súng lục đe dọa bắn người quản lý nếu không nhận được tiền.
Cô Hafez cho biết không có ý định làm hại ai. “Tôi không đột nhập vào ngân hàng để giết ai hay phóng hỏa nơi này. Tôi ở đây để giành lấy các quyền của mình", cô nói.
Vụ việc xảy ra vài tuần sau khi một tài xế giao đồ ăn đột nhập vào một chi nhánh ngân hàng khác ở Beirut và bắt 10 người làm con tin trong 7 giờ. Người này cũng đòi lấy lại hàng chục nghìn USD tiền tiết kiệm bị giữ trong ngân hàng.
Các ngân hàng của Lebanon đã áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc rút ngoại tệ kể từ năm 2019, thắt chặt việc rút tiền tiết kiệm của hàng triệu người.
Khoảng 3/4 dân số Lebanon rơi vào cảnh nghèo đói khi nền kinh tế của quốc gia Địa Trung Hải này tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Cho đến nay, Lebanon vẫn không đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về chương trình phục hồi để giúp nước này vượt qua khó khăn.