Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấm rượu bia sau 22h - bài toán trong tay nhà chức trách

Tác hại của việc lạm dụng rượu bia không thể kể xiết: tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm... Ngăn chặn, hạn chế sự lạm dụng này là trách nhiệm của toàn xã hội.

Nhưng tại sao lại cấm bán rượu bia sau 22h, nói chung là cấm bán về khuya? Có lẽ vì theo kinh nghiệm, la cà hàng quán uống rượu lúc khuya lơ khuya lắc trong đa số trường hợp là những người có vấn đề về nhân cách hoặc về tâm lý, tình cảm. Đây là những nguồn ứng xử cực đoan: có rượu vào, năng lực tiêu cực đó có thể bị kích thích mạnh và dễ bộc lộ.

Dẫu sao nếu biết rằng mình có thể bị xử phạt nặng thì người ngông cuồng hoặc bị kích động đến mấy cũng phải, theo bản năng sống, biết cân nhắc về sự đánh đổi trước khi hành động. Uống rượu vào rồi gây tai họa để chắc chắn sau đó phải ngồi tù nhiều tháng, nhiều năm, mất nhiều tiền, có khi đến tán gia bại sản thì uống làm gì?

Rõ hơn, hệ thống luật pháp chặt chẽ, rõ ràng, nghiêm khắc và được thực thi một cách nghiêm chỉnh mới là biện pháp hữu hiệu chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia, chứ không chỉ đơn giản là cấm mua, bán ở khoảng thời gian nào đó trong ngày.

Cần xử lý nghiêm những người lái xe lạm dụng bia rượu. Trong ảnh: một tài xế ký vào biên bản xử phạt do có nồng độ cồn trong máu.
Cần xử lý nghiêm những người lái xe lạm dụng bia rượu. Trong ảnh: một tài xế ký vào biên bản xử phạt do có nồng độ cồn trong máu.

Ở Việt Nam hiện nay chưa có truyền thống thượng tôn luật pháp dựa trên ý thức tự giác của công dân. Trong khi đó, các chuẩn mực giao tiếp trong cuộc sống dân sự ngoài phạm vi điều chỉnh của luật pháp ở Việt Nam còn nghèo nàn, cho thấy xã hội đang ở một trình độ phát triển thấp.

Cho đến bây giờ người Việt vẫn chưa có thói quen xếp hàng khi có nhiều người cùng muốn làm một việc ở cùng một nơi; chưa biết đi ra, đi vào thang máy đúng trật tự; chưa biết giữ âm lượng hợp lý khi nói chuyện với nhau ở nơi công cộng; chưa biết nói xin lỗi khi vô tình chạm vào người khác... Trong một xã hội còn xô bồ như thế, luật pháp có được soạn thảo thật hoàn chỉnh về nội dung cũng khó được tôn trọng một cách phổ biến trên căn bản tự nguyện.

Bởi vậy, nhà chức trách cần chủ động, tích cực, mẫn cán trong việc tập cho người dân dần quen sống trong khuôn khổ. Bộ máy kiểm soát, trấn áp phải mạnh, tinh thông, nhạy bén, đồng thời phải liêm khiết và có thái độ dứt khoát, kiên định khi thi hành phận sự. Và như vậy, rốt cuộc yếu tố quan trọng nhất của lời giải đối với bài toán hạn chế tác hại của rượu bia, nói chung là bài toán xây dựng xã hội có trật tự và văn minh, lại nằm gọn trong tay nhà chức trách.

Trung Quốc: Bán rượu phải canh chừng cảnh sát

Dù chưa thành luật cấp quốc gia nhưng một số thành phố ở Trung Quốc đã ban hành quy định riêng cấm bán rượu bia vào ban đêm (từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau), với lý do bảo đảm an ninh trật tự địa phương, chống tội phạm và giữ yên giấc ngủ cho người dân. Thế nhưng, những quy định này còn gặp khá nhiều phản ứng trái chiều.

Đầu tháng 5/2014, chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam ban hành quy định cấm “các hàng quán bán đồ ăn vặt” ở một số khu chợ đêm hoặc khu buôn bán sầm uất của thành phố này bán rượu bia. Bất chấp sự giám sát chặt chẽ của lực lượng quản lý thị trường và cảnh sát địa phương, quy định cấm này đã trải qua gần ba tháng thực thi nhưng dường như chưa có hiệu lực đối với tiểu thương lẫn người tiêu dùng ở Hải Khẩu.

Bởi lẽ thói quen tiêu dùng của người dân ở địa phương này là uống một chai bia hoặc một ít rượu đặc sản địa phương khi thưởng thức các món ăn vặt ở các khu ẩm thực của thành phố này.

Bằng chứng là từ khi có quy định trên, các hàng quán trong khu Nam Hải Khẩu không còn trưng bày công khai các loại thức uống có cồn trong gian hàng của mình, nhưng thực khách khi yêu cầu thì thỉnh thoảng vẫn được phục vụ. Một tiểu thương ở khu chợ đêm Hải Khẩu nói rằng: “Cấm chúng tôi bán thức uống có cồn giống như yêu cầu chúng tôi đóng cửa quán”.

Còn ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, các con đường được mệnh danh là “nền kinh tế đêm” với các ngành nghề kinh doanh ăn uống của thành phố này, trong thời gian gần đây hầu như lúc nào cũng có các lực lượng cảnh sát, quản lý thị trường, dân quân đi tuần để phạt những cửa hàng bán rượu vào ban đêm.

Quy định “cấm bán rượu vào ban đêm” được ban hành từ cuối tháng 6/2014 cho rằng Trung Quốc đang vào mùa hè, thời tiết nóng nên ban đêm lưu lượng người đổ ra đường rất đông, cấm bán rượu bia là nhằm đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội. Quy định trên còn kêu gọi người dân nếu thấy nơi nào bán rượu thì báo cho cảnh sát để họ đến dẹp và phạt.

Ông Lô Lộc Dương, chủ một cửa hàng trên đường Hưng Thuận, cho biết cửa tiệm của ông chủ yếu mở cửa bán vào ban đêm nhưng từ khi có quy định trên, ông gần như không thể bán hàng. “Nhiều khi có khách đến mua tôi không dám bán vì ngại bị phạt, có khách không biết quy định đã mắng tôi té tát” - báo Buổi Sáng Hoa Thương dẫn lời ông Lô cho biết.

http://tuoitre.vn/Ban-doc/620209/bai-toan-trong-tay-nha-chuc-trach.html

Theo Nguyễn Ngọc Điện/Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm