Hơn 2 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, Unilever cùng các nhãn hàng của mình đã đóng góp nhiều giá trị bền vững trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống người dân.
Cải thiện sức khỏe, điều kiện sống cho hơn 20 triệu người; giảm một nửa tác động đến môi trường cho đến năm 2030 và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam là 3 trụ cột chính trong kế hoạch phát triển bền vững của Unilever. Đây cũng là hệ thống “kiềng ba chân” giúp doanh nghiệp FDI top đầu Việt Nam này luôn vững vàng, kiên định, đồng hành cùng quốc gia hình chữ S suốt 25 năm qua.
Trong giai đoạn 10 năm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững, Unilever hiểu được rằng sự phát triển của con người phải gắn chặt đến thiên nhiên, môi trường, đây cũng chính là “xương sống” của doanh nghiệp. Trước khi bước sang kỷ nguyên mới, hiện thực hóa mục tiêu giảm một nửa tác động đến môi trường vào năm 2030, tập đoàn FDI này đã có thể tự hào khi nhìn lại những thành quả đạt được trong nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy trách nhiệm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo và giảm 43% lượng nước. Toàn bộ hệ thống nhà máy Unilever tại Việt Nam không có rác thải độc hại phải chôn lấp và đã trung hòa được lượng carbon phát sinh.
Song song, tất cả bao bì của công ty đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy nhanh giảm tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, công ty kỳ vọng có thể thu gom, tái chế bao bì nhiều hơn số lượng sản xuất ra. Thực tế, 70% bao bì bao gồm 35% nhựa PCR công ty sử dụng cho quá trình sản xuất đều có thể tái chế - điều không phải bất kỳ “ông lớn” nào cũng có thể làm được, nếu không đặt nhiều tâm huyết. Trong giai đoạn tiếp theo, công ty sẽ cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh với 1/3 cắt giảm tuyệt đối và phần còn lại được thay thế bằng nhựa tái chế PCR.
Trong những nỗ lực bảo vệ màu xanh Trái Đất, Unilever Việt Nam luôn đề cao việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đây là xu hướng phát triển bền vững, hướng đến 2 mục tiêu: Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Với tầm nhìn cùng hướng đi rõ ràng trong 25 năm phát triển tại Việt Nam, Unilever đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng bắt tay thực hiện sáng kiến “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa”.
Theo đó, Unilever Việt Nam huy động các doanh nghiệp chung chí hướng cùng phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện 4 nội dung chính: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ, giải pháp tái chế rác thải nhựa; tăng cường đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Chia sẻ về thỏa thuận hợp tác này, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever - nhấn mạnh khát vọng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa tại Việt Nam: “Đây là lần đầu tiên chúng ta thiết lập được một nhóm làm việc tâm huyết để triển khai mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa một cách thực tế và hiệu quả. Sự đồng thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác một lần nữa khẳng định hướng tiếp cận đúng đắn của Unilever: Nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam!”
Một trong những hoạt động nổi bật của hành trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn có thể kể đến là phân loại rác tại nguồn. Năm 2020, Unilever Việt Nam và Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã thực hiện chương trình hợp tác dài hạn về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn ở thủ đô. Khởi động từ tháng 8/2020 tại quận Hoàn Kiếm, đến nay, chương trình đã hướng dẫn hơn 41.400 hộ gia đình phân loại rác thải đúng cách với 342 tấn nhựa đã được thu gom, xử lý. Chương trình nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền và người dân địa phương, đồng thời nhân rộng mô hình này sang nhiều nơi khác.
“Trước đây, mình có thói quen uống hết nước, hay ăn xong là vứt luôn chai, hộp đựng nhựa vào thùng rác. Nhưng bây giờ, mình dần tập thói quen giữ lại chai lọ, hộp nhựa để tái sử dụng cho những việc khác, như đựng nước lọc, đựng đồ đạc, hay thậm chí để trồng cây. Mình thấy đồ nhựa ở Việt Nam có vòng đời quá ngắn, nếu ai cũng có ý thức tái sử dụng, chúng sẽ ‘sống thọ’ hơn nhiều”, Hoàng Trung Nam (quận Ba Đình) chia sẻ trong những ngày tham gia chương trình phân loại rác thải nguồn của Unilever ở thủ đô.
Một “cuộc đời mới” cho nhựa ra đời đồng nghĩa với việc “màu xanh bền vững” của môi trường sẽ được tiếp diễn.
Những cái tên như OMO, P/S, Clear, Vim, Lifebuoy, Sunsilk, Sunlight... có lẽ không còn xa lạ với nhiều thế hệ người Việt trong hơn 2 thập kỷ qua. Unilever Việt Nam ước tính mỗi ngày, có khoảng 35 triệu sản phẩm của công ty được sử dụng bởi người tiêu dùng trên toàn quốc.
Cùng với việc mang đến cho mọi gia đình Việt Nam những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu đáp ứng mọi nhu cầu về vệ sinh, sức khỏe, làm đẹp, Unilever còn chú trọng các chương trình cộng đồng ý nghĩa, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó, trẻ em và phụ nữ là hai đối tượng được quan tâm đặc biệt.
Tổng kết 10 năm triển khai kế hoạch phát triển bền vững, Unilever Việt Nam đã giúp cải thiện sức khỏe, điều kiện sống cho hơn 25 triệu người Việt thông qua các chương trình ý nghĩa hợp tác triển khai cùng các đối tác như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội phụ nữ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Nổi bật trong số đó là các chương trình “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn” giúp nâng cao nhận thức về thói quen rửa tay với xà phòng phòng chống dịch bệnh; chương trình “P/S Bảo vệ nụ cười Việt Nam” giáo dục sức khỏe răng miệng, tặng sản phẩm và khám chữa răng miễn phí cho trẻ em trên khắp cả nước, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.
Cùng với đó, chương trình “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn” hay “Trường học xanh sạch khỏe” đã giúp nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh trường học toàn diện, xây dựng sân chơi OMO an toàn cho trẻ em, lắp đặt thiết bị lọc nước uống trường học an toàn Pureit…
Bên cạnh hỗ trợ thế hệ tương lai, Unilever Việt Nam còn đặc biệt quan tâm đến các đối tượng phụ nữ yếu thế, nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hỗ trợ kinh doanh và giáo dục sức khỏe, hướng đến mục tiêu góp phần cải thiện cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam.
Thông qua chương trình hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Unilever đã triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về vệ sinh, dinh dưỡng cho 3,7 triệu phụ nữ tại nhiều vùng nông thôn. Quỹ tài chính vi mô do Unilever tài trợ và Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý đã giúp gần 48.000 hộ gia đình vay vốn, với tổng giá trị vốn quay vòng lên đến 350 tỷ đồng trong gần 15 năm qua.
Chương trình đã mở ra cơ hội để nhiều phụ nữ trên dải đất hình chữ S có thể khẳng định năng lực, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng sống của gia đình. Gần đây nhất, trong năm 2020, cùng sự đồng hành của nhãn hàng Sunlight, Unilever đã triển khai chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, giúp truyền cảm hứng, đào tạo, tập huấn kiến thức kỹ năng khởi nghiệp cho 2.000 phụ nữ và tài trợ hàng tỷ đồng cho các ý tưởng khởi sự kinh doanh xuất sắc.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến các chương trình hỗ trợ cộng đồng, Unilever đều cho thấy nỗ lực thể hiện trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân. Công ty cũng sẽ khẳng định mạnh mẽ hơn về tầm nhìn trở thành một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Bình luận