Sáng 17/12, trong hội thảo "Pháp lý cho condotel", ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch khẳng định một số sự án condotel đang có sự biến tướng từ một sản phẩm tài chính phái sinh, giống như chứng khoán.
Trước thực trạng tính đến cuối năm 2018, tổng số cơ sở lưu trí du lịch trên cả nước đạt 15.625 cơ sở, trong đó cơ sở có chất lượng từ 3* trở lên chỉ có 965 cơ sở, tương đương 6%, ông Lương Hoài Nam đánh giá condotel hay căn hộ du lịch là phân thị cơ sở lưu trú cần thiết cho sự phát triển của ngành du lịch.
Lãi suất cam kết khiến condotel biến tướng
Tuy nhiên, với thái cách tiếp cận condotel như một sản phẩm tài chính phái sinh, người mua chỉ quan tâm đến mức lãi suất cam kết mà chủ đầu tư đưa ra mà quên đi những vấn đề cần phải trả lời trước khi đầu tư vào một sản phẩm bất động sản.
"Với mức lợi nhuận cao kết lên đến 12% thì dù bán một dự án trên mặt trăng hay trên sao hỏa, người ta vẫn sẽ mua. Thậm chí, khi đó họ còn không quan tâm đến giá cả nữa bởi giá càng cao thì khoản lợi nhuận thu được từ mức lãi suất 12% của họ càng lớn. Đây là thái độ đối với chứng khoán chứ không phải bất động sản", ông Nam khẳng định.
Theo ông, để đánh giá giá trị của một sản phẩm bất động sản du lịch trước khi đầu tư, khách hàng phải trả lời được 4 vấn đề liên quan đến tiềm năng vị trí dự án, chất lượng của chủ đầu tư, giá thành sản phẩm, đơn vị vận hành dự án đó với công năng là cơ sở du lịch.
Đà Nẵng và Nha Trang đã từng phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp sai mục đích cho chủ sở hữu căn hộ du lịch condotel. Ảnh: T.L |
Tuy nhiên, ông cho rằng việc người mua lãng quên tất cả những câu hỏi đó trước mức lợi nhuận cam kết cao là biểu hiện biến tướng của sản phẩm condotel, loại hình đáng lẽ cần phải có có một cái nhìn nghiêm túc về nó.
Chính vì vậy, ông Nam khẳng định: "Nếu không có cam kết lãi suất, không có ai đứng ra đảm bảo cổ tức hàng năm nữa, mặc nhiên giá condotel sẽ trở về giá thị trường như bản thân nó vốn có."
Bảo vệ an toàn người dân hay bất chấp cấp sổ đỏ?
Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam nhận định, chỉ khi sự việc của Cocobay Đà Nẵng xảy ra, người ta mới đi tìm kiếm cơ sở pháp lý cho condotel. Tuy nhiên, hiện tại không có cơ sở pháp lý của khái niệm condotel trong các Luật bất động sản, xây dựng, nhà ở, đất đai mà chỉ có ở Luật du lịch. Nhưng Luật du lịch cũng chỉ có hai loại hình bất động sản du lịch là căn hộ du lịch và biệt thự du lịch, trong đó condotel là căn hộ du lịch.
Ông Nam cho rằng trước đó, các chủ đầu tư đã có quyền phát triển và bán dự án, người mua có quyền mua sản phẩm condotel với quan điểm là được phép làm những gì luật pháp không cấm thì đến giờ, họ cũng phải chấp nhận rằng không thể đòi hỏi những thứ mà luật pháp chưa có.
"Chúng tôi cũng đã kiến nghị Thủ tướng dựa vào hệ thống pháp luật hiện hành hiện nay chứ không cần sửa đổi luật. Từ đó, cấp cho chủ sở hữu một giấy chứng nhận sở hữu dựa theo thời hạn của dự án. Cần ban hành một loại sổ cho loại hình này theo đúng tên là căn hộ du lịch và thời hạn quy định của nó", ông cho biết thêm.
Đồng ý với quan điểm này, ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng đất được giao cho doanh nghiệp phát triển dự án condotel là đất sản xuất kinh doanh dịch vụ, không thể cấp giấy chứng nhận với mục đích sử dụng khác.
"Đất được giao có mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ, chính vì vậy giấy chứng nhận cũng phải tương tự chứ không thể là đất ở lâu dài. Nếu chủ đầu tư cấp đúng giấy chứng nhận như đúng giấy phép và hồ sơ đã phê duyệt thì không có gì là khó khăn cả", ông nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định quan điểm chắc chắn không có chuyện sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các dự án condotel từ đất sản xuất kinh doanh dịch vụ sang rất ở.
"Yêu cầu của chúng ta là bảo vệ sự an toàn về tính mạng cho người dân chứ không phải bất chấp cấp sổ đỏ cho các nhà đầu tư thứ cấp", ông Mai Văn Phấn nêu quan điểm.