Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấm Hoa hậu Việt chụp nude: 'Chỉ là chặt ngọn'

Những người đẹp như Tú Anh hay Diễm Hương không bận tâm đến quy định cấm hoa hậu, người mẫu chụp ảnh nude. Ngược lại, người mẫu Ngọc Tình và các nhiếp ảnh gia khá trăn trở.

Thông tư số 01/2016 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới ban hành, đang tạo nên những luồng ý kiến trái chiều trong giới nghệ sĩ. Một số người đồng tình rằng hoa hậu, á hậu nên hướng đến hình ảnh đẹp, trong sáng...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lại có ý kiến nhận định ranh giới giữa nghệ thuật - phản cảm rất mong manh. Do đó Bộ nên có quy định rõ ràng, cụ thể về việc cấm những trường hợp nào. 

Nhiều người đẹp nói không với ảnh nude

Á hậu Tú Anh cho biết với riêng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, từ những ngày đầu đến bây giờ, chưa có hoa hậu hoặc á hậu nào xuất hiện ảnh quá phản cảm trên mạng. 

"Bản thân các người đẹp bước ra từ cuộc thi này luôn hướng đến hình ảnh trong sáng và gần gũi, chứ không đi theo hướng sexy, táo bạo. Về phong cách ăn mặc, tôi luôn quan niệm gợi cảm nhưng không được đi quá giới hạn". 

Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 khẳng định: "Nếu không có điều luật, tôi cũng không chụp ảnh nude". 

Cam hoa hau Viet chup anh nude anh 1
Hoa hậu Diễm Hương và  á hậu Tú Anh khẳng định không chụp nude. 

Khi được hỏi về ranh giới giữa ảnh nghệ thuật và phản cảm, người đẹp 9X cho rằng rất khó xác định: "Ảnh nude không xấu, nhưng để tạo ra nghệ thuật thì vô cùng khó. Chính vì thế, các người đẹp có ý định chụp nên cân nhắc kỹ, tránh bị khán giả hiểu lầm". 

Đồng quan điểm với Tú Anh, Diễm Hương cho biết với cương vị hoa hậu, chắc chắn cô không chụp ảnh nude. Ở vai trò một bà mẹ càng không thể. Vì thế, quy định về cấm chụp ảnh “không có trang phục” không ảnh hưởng đến cô. 

"Nhiều người cho rằng mình đẹp và có quyền khoe, nhưng đã là người nổi tiếng thì phải thận trọng về mặt hình ảnh. Trong trường hợp, chụp ảnh có mục đích tốt đẹp, nằm trong chiến dịch từ thiện thì tôi sẽ không ý kiến gì” - bà mẹ một con phát biểu.

Trước quan điểm cấm chụp nude là xâm phạm quyền cá nhân của á hậu Hoàng My, hoa hậu cho biết cô không muốn bình luận về ý kiến của người khác.

Cấm thế nào và được hở bao nhiêu

Theo Hoa hậu Thế giới người Việt, việc quản lý chất lượng về hình ảnh là vấn đề tốt, nhưng phải xem xét kỹ hơn mục đích chụp, chất lượng hình ảnh thế nào.

Vẫn có nhiều tranh khỏa thân là tuyệt tác nghệ thuật, nhưng lại có những người xuyên tạc, hoặc coi chụp nghệ thuật là đồi trụy.

"Tôi nghĩ nên có một ban kiểm duyệt về chuyên môn. Luật đưa ra là để áp dụng đối với người dân, vậy thì cũng nên theo đúng nguyện vọng của người dân", Diễm Hương nói.

"Nếu người nào đó chụp ảnh nude với mục đích xấu và thoải mái truyền bá trên phương tiện đại chúng, làm ảnh hưởng đến người xem là việc trái hoàn toàn nghệ thuật nude”, người đẹp giải thích.

Trong khi đó, Ngọc Tình - người từng gây tranh cãi với bộ ảnh khoe trọn cơ thể - thật thà tâm sự khi luật cấm chụp ảnh nude công bố, anh rất ngạc nhiên, thậm chí bần thần mất mấy ngày.

Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2010 cho biết, anh không muốn nói nhiều về vấn đề này vì đây là quyết định đã được Bộ Văn hóa ban hành.

“Tôi sẵn sàng làm đúng những gì mà Bộ đề ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ quy định nên nêu rõ là cấm như thế nào và được phép hở bao nhiêu phần trăm”, anh nói.

Cam hoa hau Viet chup anh nude anh 2
Người mẫu Ngọc Tình trên sàn diễn thời trang. 

Ngọc Tình bày tỏ anh theo nghề hơn 6 năm nên biết có nhiều dạng nude - có thể là nghệ thuật, hay vì mục đích kêu gọi bảo vệ môi trường, từ thiện, hoạt động xã hội... Bên cạnh đó, một số người chụp nude nhằm mục đích khoe thân, tìm kiếm sự chú ý.

Theo Ngọc Tình, nghệ thuật hay dung tục là tùy theo mỗi người. Anh mong Bộ đưa ra những quy định rõ ràng hơn, trường hợp nào nên cấm và trường hợp nào được phép.

Như vậy, các người mẫu cũng như giới nhiếp ảnh mới có thể sáng tạo và tạo nên cái nhìn về nghệ thuật trong sáng.

Giới nhiếp ảnh: 'Gốc không cưa được, chặt ngọn để làm gì?'

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên và Dương Quốc Định - những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chụp nude - đều đồng tình, quy định cấm chỉ là cách giải quyết "phần ngọn" của một vấn đề. 

Từ Nhật, tác giả "Xuân thì" bộc bạch: "Càng ngăn cấm, mọi người càng tò mò. Thế nào cũng có những trường hợp như Ngọc Quyên, Ngọc Tình, Mai Hải Anh..."

"Theo tôi, hãy để mọi chuyện diễn ra tự nhiên, đi ngược lại là không tốt. Ví dụ, Nhật Bản là đất nước quản lý khá nghiêm khắc nhưng vẫn có những khu đèn đỏ. Ai vào rừng thì cứ vào, ai đến vườn hoa thì cứ đến".

Thái Phiên nói thêm: "Gốc không chặt được thì chặt ngọn có tác dụng gì? Nude vẫn là dòng chảy ngầm, vẫn có các diễn đàn. Nếu cấm nude nghệ thuật, nude phản cảm sẽ xuất hiện, đẩy người nghệ sĩ và cơ quan quản lý xa nhau". 

Cam hoa hau Viet chup anh nude anh 3
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên. Ảnh: NVCC

Cùng  chung quan điểm, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định nhận định: "Theo tôi, cấm hay không cấm thì nghệ thuật nude vẫn tồn tại. Với người có ý thức, dù không cấm, họ cũng không làm những điều phản cảm".

"Tôi nghĩ rằng quy định của Bộ cần phải rõ ràng để tránh ảnh hưởng đến người làm nghệ thuật chân chính, không nên dùng từ chung chung".

Ông Dương Quốc Định cho rằng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề nhiếp ảnh, mà nó liên quan đến ý thức cộng đồng. Thế giới không cấm nude nhưng họ có luật rõ ràng. Còn tại Việt Nam, mọi giá trị đang bị đánh đồng.

Cơ quan quản lý nên ra luật phạt những người dùng hình ảnh phản cảm, gợi dục. Ông bổ sung thêm: "Cấm không phải cách giải quyết triệt để. Chính vì thế, tôi nghĩ cơ quan quản lý cần đi tìm cái gốc, chứ không chỉ giải quyết phần ngọn".

Cả hai nhiếp ảnh gia đều chung suy nghĩ: xác định một bức ảnh là nghệ thuật hay phản cảm không dễ dàng. Bởi thực tế, ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục rất mong manh. Bản thân bức hình không có lỗi.

Phản cảm hay dung tục xuất phát từ người tạo ra ảnh. Một số người đẹp thiếu ý thức, tung ra những bức ảnh chưa đúng tầm nghệ thuật, hoặc sử dụng ảnh hở hang làm chiêu trò câu like, đánh bóng tên tuổi... Đó không phải nghệ thuật.

Thông tư 01/2016 mới ban hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 15 và 79 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

"Các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện gồm: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông." – mục 1a, điều 3 của thông tư quy định.

Bên cạnh đó, thông tư cũng chỉ rõ giới hoạt động biểu diễn nghệ thuật không được có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.

Minh Tâm - Minh Đức

Bạn có thể quan tâm