Thông tư số 01/2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa được thông qua với nội dung cấm những người đẹp đạt danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp chụp ảnh nude, ghi hình cá nhân không có trang phục và phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.
Nếu bỏ qua các yếu tố về văn hóa, tôn giáo thì việc chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật của các hoa hậu, á hậu ở những cuộc thi sắc đẹp quốc tế hoàn toàn là quyền dân sự, tự do cá nhân.
Từ sự khác biệt giữa các quốc gia
Trừ những quốc gia Trung Đông và Việt Nam, việc tổ chức, điều hành các cuộc thi sắc đẹp đều không bị quản lý hay có luật quy định về cách thức tổ chức. Các nước đều xem đó là những hoạt động văn hóa - giải trí tư nhân như một chương trình nghệ thuật.
Cũng như người chiến thắng ở mỗi cuộc thi cũng chỉ được xem là nhân viên của tổ chức đã trao vương miện cho cô ta, chịu sự quản lý bởi luật lệ riêng của ban tổ chức. Họ không xem hoa hậu là "bộ mặt quốc gia" như ở các nước châu Á.
Bức hình khỏa thân của cựu hoa hậu Pháp 2004 - Laetitia Bléger . Ảnh: Playboy |
Nhưng cũng tùy vào quy định riêng biệt của từng cuộc thi, từng quốc gia khác nhau, những quy tắc ứng xử về đạo đức, hành vi của những hoa hậu, á hậu khi còn dưới quyền quản lý của các tổ chức hoa hậu được đưa ra khá linh hoạt.
Ai cũng phải công nhận một điều rằng chụp ảnh khỏa thân đúng cách không phải là dung tục, đó là một trường phái nghệ thuật. Ngay đến các những bức vẽ liên quan đến chủ đề tôn giáo, thần thoại trong thời kỳ Cổ đại hay Phục hưng ở châu Âu đều không cấm kỵ khỏa thân, vốn dĩ cơ thể con người đã là một tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa.
Tuy nhiên, một số hành động để lộ một phần cơ thể hoặc chụp ảnh với tư thế cũng không mấy gì quá nhạy cảm cũng khiến một số cô bị mất vương miện hoặc tước quyền tham gia cuộc thi.
Nổi tiếng nhất có lẽ là cuộc thi Hoa hậu Pháp (Miss France) dưới thời của "người đàn bà đội nón vành" - Geneviève de Fontenay. Chỉ cần lấy 2 ví dụ gần nhất để thấy được sự nghiêm khắc đến mức vô lý này.
Cựu hoa hậu Pháp 2004 Laetitia Bléger, sau khi đã đại diện nước này ở Hoa hậu Hoàn vũ cùng năm đã trao lại vương miện cho người kế nhiệm nhưng vẫn bị "treo danh hiệu" 6 tháng vì chụp hình trên tạp chí Playboy và dùng tay che ngực vào giữa năm 2005.
Không được may mắn như thế, hoa hậu Pháp 2008 - Valérie Bègue bị cấm đi thi quốc tế vì những bức ảnh "phản cảm". Và có rất nhiều thí sinh bị tước danh hiệu hoa hậu ở cấp tỉnh/thành nếu như bị phát hiện chụp ảnh "mát mẻ", chưa cần tới ngưỡng khỏa thân là đã mất quyền tham dự vòng chung kết toàn quốc. Tai tiếng nhất có lẽ là vụ của hoa hậu Paris 2010 - Kelly Bochenko.
Một cường quốc hoa hậu mới nổi, ngay cạnh Việt Nam là Philippines được xem là quốc gia Á châu có tư duy cởi mở và suy nghĩ thoáng nhất cũng gặp một số trường hợp thậm chí còn "lãng xẹt" hơn ở Pháp, nhất là tại cuộc thi lâu đời và nổi tiếng Binibining Pilipinas.
Kim Ross Delos Santos, thí sinh cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Philippines (Binibining Pilipinas) 2016 đã bị loại vì chụp ảnh bị cho là phản cảm. Ảnh: GMA News |
Chỉ cách đây vài tuần tại chính cuộc thi này, ứng cử viên sáng giá có nhiều người hâm mộ - Kim Ross delos Santos - bị gạch tên vì chụp ảnh chụp cùng một người mẫu nam khỏa thân trong quá khứ.
Và thí sinh Janelle Olafson cũng bị loại vì chụp ảnh dùng tay che ngực cho một chiến dịch phòng chống ung thư vú khiến nhiều người khó hiểu với quyết định này.
Đến sự khác biệt giữa các tổ chức hoa hậu hàng đầu quốc tế
Ngược lại, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) lại khuyến khích các hoa hậu, á hậu chụp ảnh khỏa thân và tổ chức còn lên tiếng bảo vệ cho các người đẹp của mình.
Vài cô xuất hiện trên tạp chí người lớn với những bức ảnh vượt ra ngoài "khỏa thân nghệ thuật" nhưng vẫn được phép dự thi như Sofia Rudieva (Nga, 2009) và thậm chí đoạt luôn ngôi á hậu 2 như Priscila Machado (Brazil, 2011).
Các Hoa hậu Hoàn vũ như Zuleyka Rivera (2006), Riyo Mori (2007), Dayana Mendoza (2008)... đều thực hiện ít nhất một bộ ảnh khỏa thân cho các tạp chí hoặc giới thiệu sản phẩm trong thời gian đương nhiệm.
Các cựu hoa hậu đã hết nhiệm kỳ như Alicia Machado (1996), Jennifer Hawkins (2004), Natalie Glebova (2005)... đều đã chụp cho các tạp chí người lớn.
Hoa hậu Thế giới (Miss World) hay Hoa hậu Quốc tế (Miss International) lại cực kỳ khắc khe trong việc giữ gìn hình ảnh thí sinh trong sạch nên không bao giờ chấp nhận cho thí sinh có ảnh khỏa thân tham gia.
Tại Hoa hậu Thế giới 1979, hoa hậu Venezuela - Tatiana Capote đã bị đuổi về nước chỉ ngay trước đêm chung kết trao giải khi cô để lộ một bên ngực với bộ đồ tắm hết sức táo bạo, đầy nguy hiểm trong phần thi sơ khảo trước đó, mặc kệ vô tình hay cố ý.
Thông tư 01/2016 mới ban hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 15 và 79 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
"Các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện gồm: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông." – mục 1a, điều 3 của thông tư quy định.
Bên cạnh đó, thông tư cũng chỉ rõ giới hoạt động biểu diễn nghệ thuật không được có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Quy định này được áp dụng đối với cả nghệ sĩ trong nước lẫn nghệ sĩ nước ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở trong nước. Thông tư này điều chỉnh cả hoa hậu, người mẫu đoạt giải trong các cuộc thi nước ngoài chứ không chỉ trong các cuộc thi ở Việt Nam”.