Gần ba tuần qua, bố của chị Jia Ruiling* đã phải cố chịu đựng cơn đau quằn quại từ căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Ông bị bệnh viện từ chối điều trị vì khu nhà nơi ông sống đang bị phong tỏa sau khi có vài ca Covid-19.
“Chúng tôi liên tục cầu xin bệnh viện tiếp nhận ông ấy”, chị Jia nói. “Có lúc đau quá, bố tôi chỉ muốn chết đi. Chúng tôi biết làm gì đây?”.
“Chỉ lo hết cách ly thì tôi cũng mù mắt”
Khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, Thượng Hải - trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc - gần như đã ngừng hoạt động vì phải phong tỏa. Phần lớn nguồn lực y tế được dành cho công tác chống dịch, khiến nhóm bệnh nhân không mắc Covid-19 như bố của Jia gặp khó khăn khi muốn được điều trị.
Ông Luo Ruixiang*, 39 tuổi, cũng có trải nghiệm tương tự. Là lao động tại Congo, ông Luo bay về nhà hồi tháng ba để mong sớm được điều trị con mắt trái bị thương.
Sau khi hạ cánh tại Thượng Hải, ông Luo đem chuyện chữa bệnh báo với bên khách sạn cách ly và hải quan nhưng hơn một tuần sau vẫn chưa được hồi âm. “Tôi chỉ lo là chờ tới khi hết cách ly thì mắt tôi mù mất”, ông nói.
Tuyệt vọng, ông Luo lên mạng xã hội cầu cứu và nhanh chóng được hỗ trợ sau khi truyền thông vào cuộc. “May mắn là đã phẫu thuật xong. Lẽ ra không phức tạp vậy đâu, nhưng người thấp cổ bé họng như tôi thì chuyện gì cũng khó”, ông nói.
Đợt bùng phát dịch Omicron tại Thượng Hải là phép thử lớn nhất từ trước tới nay đối với chính sách chống dịch “Zero Covid” của Trung Quốc. Trước mắt, thành phố này vẫn đang chật vật.
Hôm 4/4, Thượng Hải ghi nhận hơn 8.500 ca mắc không triệu chứng và 425 ca có triệu chứng trong vòng 24 tiếng trở lại. Số ca mắc này kém xa Anh và Mỹ, nhưng lại là con số lớn bậc nhất tại Trung Quốc kể từ khi nCoV lần đầu được ghi nhận tại Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Các nhà phê bình cho rằng Thượng Hải lẽ ra cần phải chuẩn bị tốt hơn. “Họ quá thành công từ năm 2020 nên đâm ra chủ quan”, chị Jia nói. Chị nói không phản đối chính phủ nhưng nỗi đau của bố khiến chị “rất tức giận”.
“Cả virus và con người đều đang thay đổi”, ông Trần Hy, chuyên gia y tế công cộng thuộc Trường Y tế công cộng Yale, nói.
“Đây là lần đầu tiên dòng phụ B.A.2 của Omicron đánh vào Thượng Hải. Tốc độ lây lan nhanh chưa từng thấy đã vượt qua tốc độ truy vết và các biện pháp y tế thông thường”, ông Trần nói. “Người dân cũng rất mệt mỏi sau hơn hai năm chấp hành các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt”.
Cảm giác bất lực bao trùm
Trong thời gian Thượng Hải tiếp tục phong tỏa, cảm giác bất lực gần như bao trùm siêu đô thị lớn nhất Trung Quốc.
Cuối tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc lưu truyền ảnh và video trẻ em bị chia tách khỏi bố mẹ tại một bệnh viện Thượng Hải, khiến nhiều người cảm thấy bất bình. “Tôi rất buồn bực. Thật vô nhân đạo”, một phụ huynh có con bị đưa đi vì nhiễm nCoV, viết trên mạng xã hội.
Giới chức y tế Thượng Hải hôm 4/4 lên tiếng bảo vệ chính sách trên. Ngô Càn Du, quan chức thuộc Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải, cho biết chính sách này là một phần thiết yếu trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa dịch.
Nhưng trước phàn nàn của người dân, Tổng thư ký chính quyền Thượng Hải Mã Xuân Lôi hôm 1/4 đã thừa nhận thành phố chống dịch kém.
“Chúng tôi chưa nhận thức đầy đủ về biến chủng Omicron lây lan nhanh, đồng thời chưa chuẩn bị toàn diện cho sự tăng đáng kể trong ca mắc”, ông Mã nói. “Chúng tôi chân thành chấp nhận phê bình và đang nỗ lực cải thiện tình hình”.
Dù vậy, một số người cho biết tình hình vẫn chưa cải thiện. Deng Zhaoyang* kể vợ và con trai 3 tuổi của anh phải đi cách ly tập trung từ ngày 29/3 nhưng chưa biết tới khi nào hai người được rời cách ly.
“Trước khi có Omicron thì còn có thể hiểu được tại sao người mắc cần cách ly tập trung”, anh nói. “Nhưng hầu hết bệnh nhân hiện nay chỉ có triệu chứng nhẹ. Liệu chính phủ có nên thay đổi chính sách hay không?”.
Tâm lý bực bội còn xuất hiện tại một số nhân viên y tế của Thượng Hải. Tuần trước, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền đoạn ghi âm cuộc gọi của một quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Thượng Hải cho biết nguồn lực y tế của thành phố đang chịu áp lực nghiêm trọng.
“Tôi đã nhiều lần đề xuất người không triệu chứng hoặc bị nhẹ chỉ cần cách ly tại nhà”, người phụ nữ này nói. “Nhưng có ai nghe tôi không?”.
Hôm 2/4, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan tới thăm Thượng Hải, nhấn mạnh “cần kiên trì với cách tiếp cận ‘Zero Covid’ linh hoạt”. Chưa đầy 24 giờ sau, hơn 2.000 bác sĩ quân y được điều động tới Thượng Hải để hỗ trợ chống dịch.
Sẽ mất nhiều tuần dập dịch
Kim Đông Nhạn, giáo sư thuộc trường khoa học y sinh, Đại học Hong Kong, cho rằng cần phải nhiều tuần nữa virus tại Thượng Hải mới được kiểm soát.
“Kể cả khi họ trả giá lớn để đạt được ‘Zero Covid’, tương lai vẫn có thể có sự cố khiến dịch bùng phát một lần nữa”, ông Kim nói. “Sống chung với dịch là lựa chọn duy nhất”.
Một phần chủ yếu trong “sống chung với virus” là việc tiêm chủng. Giới chức Trung Quốc trong những tháng gần đây bắt đầu lên tiếng công khai về vaccine mRNA, qua đó thể hiện nhà chức trách đang nghĩ tới việc dùng loại vaccine khác so với vaccine truyền thống như Sinopharm và Sinovac.
Tiến sĩ Trung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, hồi tháng 12/2021 cho rằng Trung Quốc nên học hỏi những điều tốt của các nước khác như vaccine mRNA. Chính quyền Thượng Hải tuần trước cũng nói ủng hộ nhập khẩu vaccine và thuốc điều trị Covid-19.
“Cả hai việc triển khai test nhanh và phê duyệt vaccine mRNA đều khả thi vì họ có nhiều dữ liệu để phê duyệt vaccine mRNA, cũng như có đủ năng lực sản xuất test nhanh hàng loạt”, ông Trần nói. Nhưng theo ông, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm cao tuổi tại Trung Quốc còn “đáng ngại”.
“Khung thời gian còn lại đang dần thu hẹp”, ông Trần nhận định. “Điều quan trọng lúc này là các vùng khác ở Trung Quốc cần rút kinh nghiệm và đẩy mạnh tiêm chủng trước khi địa phương bùng dịch”.
Đối với chị Jia, ý nghĩ sống chung với virus vẫn rất xa vời. Chị chỉ hy vọng bố mình có thể tới bệnh viện ung thư càng sớm càng tốt.
“Cơn đau của ông ấy đã thuyên giảm trong mấy ngày gần đây vì được tăng liều thuốc giảm đau, nhưng lâu dài không thể như này được. Ông ấy cần được gặp bác sĩ’, chị Jia nói.
Từ khi lên mạng kể lại trải nghiệm của bố, chị Jia đã được một số tờ báo hỏi han. Có lẽ vì áp lực, chính quyền quận đã gọi để thông báo họ có thể đưa bố của Jia đi khám.
“Nhưng họ muốn tôi trước tiên phải dỡ bỏ bài đăng trên mạng xã hội đã. Tôi từ chối”, chị Jia nói. “Rốt cuộc họ cũng không thể đưa bố tôi tới viện ung thư vì họ chỉ là cơ quan cấp quận. Họ không thể nào thuyết phục được cơ quan cấp thành phố”.