Cầm đồ sim VIP: 1 vốn 3 lời
Nếu khách cầm sim đẹp không quay lại lấy, chủ tiệm cầm đồ có thể lời to bởi số tiền bỏ ra ban đầu chỉ bằng 1/3 giá trị món đồ được cầm cố.
Vốn ít nhưng lãi nhiều
Các món đồ có giá trị nếu quy đổi được ra thành tiền thì đồng nghĩa với việc có thể mang đi cầm cố. Sim VIP cũng như vậy. Những sim số dạng này thường có mức giá khá cao nhưng do chủ nhân không muốn bán đứt, vì vậy mang tới tiệm cầm đồ là một trong những lựa chọn đầu tiên.
Anh Thanh, chủ tiệm cầm đồ khá quy mô trên đường Láng, Hà Nội cho biết mặc dù mới đưa sim đẹp vào danh sách các mặt hàng được cầm cố từ đầu năm 2012 nhưng tính cho đến nay lợi nhuận cũng tương đối hấp dẫn. Chủ tiệm này kể, cầm đồ sim thường rất lãi, bởi khi nhận cầm, giá của sim đã bị hạ xuống chỉ còn khoảng 1/3 so với giá trị thực. Ví dụ một sim nếu bán đứt được khoảng 20 triệu thì đa phần các tiệm chỉ nhận cầm tầm 7 triệu hoặc tới 8 triệu. Mức lãi tính trên từng triệu một cũng giống như với các món đồ khác, vào khoảng 2.000 đồng đến 5.000 đồng mỗi ngày tùy nơi, 10 ngày khách phải trả lãi một lần.
Cầm sim đẹp đang là dịch vụ "yêu thích" của nhiều hàng cầm đồ. |
Thông thường khi chủ sim đến trả đủ cả gốc lẫn lãi thì số sẽ được về tay chủ cũ nhưng 10 người đi cầm thì chỉ có 2-3 người lấy lại và đây chính là khoản lời lớn nhất từ việc cầm đồ số đẹp, anh Tuấn giải thích. Chủ tiệm này cũng kể chỉ cách đây 3 tháng, có khách đến cầm sim ngũ 4 (đuôi 44444), hiện có giá gần 50 triệu đồng trên thị trường nhưng anh chỉ nhận cầm 15 triệu đồng. Sau 2 tháng liên tục trả lãi đầy đủ, đến tháng thứ 3 quá 10 ngày không thấy khách đến tiệm, anh Tuấn đã lập tức đẩy đi với giá 45 triệu đồng.
Về thủ tục cầm cố sim tại một cửa hàng trên phố Đặng Dung, Hà Nội, nếu khách tiến hành cầm phải ra nhà mạng sang tên đổi chủ cho người của cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên không giống như những nơi khác, phố "thiên đường" cầm đồ Hà Nội lại có những quy định hết sức ngặt nghèo như chỉ cầm sim 10 số tứ quý đuôi là 6666, 8888 hoặc 9999; ngũ quý thì 55555 đến 99999 được chuộng ... trong khi đó sim 11 số thường chỉ được cầm nếu là lục quý hoặc thất quý 6, 8, và 9.
Tuy nhiên tại Đặng Dung, khách cầm đồ hoàn toàn có thể cầm sim về sử dụng thay vì để lại tiệm như thông thường và mức lãi cũng khá nhẹ nhàng khi chỉ ở mức trung là 2.000 đồng mỗi ngày. Mặc dù "tạo điều kiện" cho khách cầm đồ là vậy nhưng một chủ tiệm ở đây cho biết, chỉ cần 3 ngày không trả lãi là mình sẽ ra nhà mạng thông báo hủy sim và làm lại, điều này đồng nghĩa khách sẽ khó có cơ hội chuộc lại sim của mình.
Cầm sim - Nghề nhiều rủi ro
Theo nhìn nhận của dân cầm đồ, sim là món hàng có thể mang lại lợi nhuận cao, bởi giá nhập cũng như bán đều có thể tự điều chỉnh tùy thích không theo một mức cố định nào. Tuy nhiên dân trong nghề cũng khẳng định đây chính là điểm rủi ro nhất, nếu không tính toán cẩn thận sẽ lỗ vốn như chơi.
Anh Tuấn, chủ tiệm cầm đồ ở trên cho biết, để có thể cầm sim thì người làm phải có kiến thức cũng như cập nhật thông tin liên tục từ thị trường sim số hoặc ít nhất cũng phải có quan hệ thân thiết với giới buôn sim để có thể khảo giá bất cứ lúc nào. Nhưng quan trọng nhất là những sim nhận cầm phải gần như chắc chắn sẽ đẩy đi được nếu khách không đến lấy.
Nhiều chủ tiệm cầm đồ còn tiếp thị cả trên mạng. |
Không chỉ rủi ro với người nhận cầm sim, mà ngay cả khách hàng đến cầm cũng đối diện với nhiều nguy cơ không kém. Nếu như sim đi cầm có giá trị lớn, khách hàng khác trả giá cao hơn để mua lại, điều này sẽ rất dễ dẫn đến tính trạng chủ tiệm cầm đồ "trở mặt" không trả sim cho người cầm.
Đại diện một nhà mạng cho biết, người mang sim đi cầm cố sẽ khó được giải quyết quyền lợi khi xảy ra tranh chấp, bởi lúc cầm đồ, sim đã được sang tên cho chủ tiệm, tức là sim đã thuộc về quyền sở hữu của người khác. Khi đó, việc giải quyết tranh chấp sim sẽ để cho các bên tự thương lượng.
Theo VTC News