Ngày 8/10, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác nhận CLB Hà Nội sẽ không được tham dự các giải đấu do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức trong năm 2020 do vi phạm Quy chế cấp phép CLB bóng đá chuyên nghiệp.
Đây là đòn đau với đội vô địch V.League trong 2 năm liền và vừa vào tới chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Đây có lẽ cũng là lời cảnh tỉnh, động lực để bóng đá Việt Nam tiến xa hơn trên con đường lên chuyên nghiệp.
Án phạt dành cho CLB Hà Nội là đòn đau. |
Quy chế chuyên nghiệp ra đời để bóng đá tốt đẹp hơn
CLB Hà Nội không được dự các cúp châu Á do không cử đội trẻ tham dự giải U15 quốc gia 2019. Đây là yêu cầu bắt buộc trong Quy chế cấp phép CLB bóng đá chuyên nghiệp đối với các đội bóng muốn dự giải châu Á.
Bản quy chế của AFC dài 62 trang, với 5 loại tiêu chí quan trọng gồm: Tiêu chí thể thao, Tiêu chí cơ sở vật chất, Tiêu chí nhân sự và hành chính, Tiêu chí pháp lý, Tiêu chí tài chính. Các tiêu chí này được quy định cụ thể, đòi hỏi cao, là nền tảng cho hoạt động của các CLB chuyên nghiệp. Mỗi quy định được AFC đặt ra đều ẩn chứa phía sau khát vọng về thứ bóng đá tốt đẹp hơn cho cả các CLB, cầu thủ và nhất là người hâm mộ.
Quy chế của AFC có những yêu cầu khắt khe về nền tảng tài chính, chất lượng sân bãi, số lượng các đội trẻ, hoạt động truyền thông báo chí, hoạt động phục vụ người hâm mộ. Bộ quy chế này cụ thể đến mức yêu cầu các khán đài phải có mái che thế nào, số ghế cứng bao nhiêu, mặt cỏ, khu kỹ thuật, phòng thay đồ, phòng vệ sinh phải đáp ứng như nào.
AFC thông qua các liên đoàn bóng đá địa phương, thay mặt họ giám sát việc thực hiện các tiêu chí này. Cơ quan quyền lực nhất bóng đá châu Á coi đây là tiêu chuẩn bắt buộc để dự AFC Champions League và AFC Cup, 2 giải đấu lớn nhất châu lục.
Người hâm mộ Việt Nam có thể tiếc nuối vì án phạt của AFC. Tuy nhiên, Quy chế chuyên nghiệp rõ ràng là hướng đi đúng, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn của bóng đá Việt Nam và châu Á.
Trách nhiệm nếu có phải thuộc về CLB Hà Nội và VFF, những đơn vị đã trực tiếp và gián tiếp không tuân thủ đúng quy chế của AFC.
Trước án phạt, CLB Hà Nội đã trải qua mùa giải rất tốt ở mặt trận châu Á. |
Phía sau án phạt là nền bóng đá bán chuyên nghiệp
V.League luôn tự hào vì đã lên chuyên gần 2 thập niên. Tuy nhiên, sự cố của CLB Hà Nội lần này một lần nữa khẳng định giải đấu số một Việt Nam vẫn còn chưa “chuyên”.
CLB Hà Nội không phải cái tên Việt Nam đầu tiên trong lịch sử vắng mặt tại các cúp châu Á vì không đáp ứng được quy chế. Trước Hà Nội, nhà vô địch V.League 2017 Quảng Nam mất suất đá Champions League châu Á 2018 cho Thanh Hóa. Trước đó nữa, nhà vô địch cúp quốc gia 2014 Hải Phòng không được dự AFC Cup 2015.
AFC rất mạnh tay với các đội bóng ở Đông Nam Á. Bhayangkara (Indonesia) hay Albirex Niigata Singapore (Singapore) là những đội khác trong khu vực từng không được dự cúp châu Á. AFC cam kết và kiên quyết giữ đúng cam kết của mình. Nếu VFF hay Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng kiên định như AFC, mọi thứ có thể đã khác.
Hội thảo VFF hôm 8/10 cho biết mới có 8/14 đội V.League đạt chuẩn Quy chế cấp phép CLB bóng đá chuyên nghiệp của AFC.
Quy chế này được ban hành năm 2014. Từ đó tới nay, 6 mùa giải đã đi qua. Gần một nửa số đội V.League vẫn chưa thực hiện được quy chế.
Việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cấp phép theo quy định của VFF và AFC không dễ dàng, do các yêu cầu thực hiện tiêu chí tương đối cao so với mặt bằng chung của các CLB bóng đá Việt Nam.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú
SLNA là ví dụ. Đội bóng xứ Nghệ cam kết nâng cấp hệ thống dàn đèn sân Vinh từ 382 lux lên 900 lux tiêu chuẩn (đơn vị đo độ sáng) hồi năm 2016. Sau 3 năm, họ vẫn chưa làm được điều đó. Riêng hạng mục ánh sáng, mùa 2019 vẫn chứng kiến 6 CLB không đạt điều kiện thi đấu. 5 đội còn lại là HAGL, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Nam.
Ở hạng mục đào tạo trẻ, hiếm CLB V.League nào dự đủ các giải đấu như yêu cầu. HAGL, CLB Hà Nội đều từng nộp phạt vì vắng mặt ở các giải trẻ. Mức phạt cho mỗi lần vắng mặt ở các giải U là 200 triệu đồng với các CLB V.League, 100 triệu đồng cho đội hạng Nhất. Nếu không chơi cả 6 giải U trong hệ thống bóng trẻ Việt Nam, mỗi CLB chỉ bị phạt 1,2 tỷ đồng.
Bỏ khoảng 2 tỷ để nuôi một lứa cầu thủ trẻ và nộp phạt 200 triệu nếu không có họ, nhiều CLB đã chọn cách 2.
Vấn đề là có độ chênh nhất định trong các mức phạt của AFC và VFF. Với AFC, họ không ngần ngại cấm thi đấu các CLB vi phạm, còn VFF thì không làm như vậy.
Đoàn công tác của VFF kiểm tra việc thực hiện Quy chế cấp phép chuyên nghiệp tại Nghệ An năm 2015. Ảnh: VFF. |
CLB Hà Nội có lỗi trực tiếp, nhưng VFF và VPF rõ ràng phải liên đới trách nhiệm. Sự thiếu quyết liệt của họ trong quản lý, cấp phép chuyên nghiệp suốt 6 năm qua là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới án phạt này. Mỗi năm, VFF đều cử các đoàn kiểm tra xuống từng CLB. Họ nhận ra thiếu sót của các đội bóng nhưng không xử lý được dứt điểm. Mỗi năm, V.League đều có các đội bóng “không đạt chuẩn” tham dự giải. Khi chuyện đó cứ lặp đi lặp lại, án phạt dành cho CLB Hà Nội là điều tất yếu.
2 năm qua, U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam liên tục làm nên kỳ tích ở đấu trường châu lục. Tuy nhiên, nỗ lực của họ dường như là chưa đủ khi các CLB Việt Nam và giải quốc nội chưa thực sự chuyển mình. Trên bảng xếp hạng các CLB châu Á công bố tháng 7/2019, tuyển Việt Nam đạt 1.229 điểm FIFA, nằm trong nhóm 16 đội hàng đầu châu Á, nhưng các CLB chỉ giành được 15.000 điểm, thua xa Malaysia, Singapore hay Ấn Độ.
Những điều đó khiến giấc mơ trở lại vòng bảng AFC Champions League với bóng đá Việt Nam vẫn mãi chỉ là Limited Champions League.
Nhiều đội bóng ở V.League không có nổi một dàn đèn đủ điều kiện thi đấu. |
Hệ quả từ án phạt của AFC rất rõ ràng. CLB Hà Nội hay nhất trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam thu nhỏ sẽ vắng mặt tại cúp châu Á mùa tới. Trước đó, họ đã chơi hay tại AFC Cup mùa này, tiến tới bán kết liên khu vực và chỉ vắng mặt tại chung kết toàn châu Á vì luật bàn thắng sân khách. Trên hành trình đó, họ đã cho thấy sức mạnh vượt trội ở Đông Nam Á, đủ thực lực để đọ sức tại châu Á.
Cùng với tiến bộ của Bình Dương, các CLB Việt Nam lẽ ra có thể tích lũy thêm điểm số, tìm đường trở lại vòng bảng AFC Champions League. Đây là giải đấu cao nhất của châu Á ở cấp CLB, nơi Chanathip Songkrasin của Thái Lan đã tìm ra cơ hội tới Nhật Bản.
Án phạt của AFC sẽ kéo lùi đà tiến bộ của bóng đá Việt Nam cấp CLB, khiến Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh mất đi cơ hội lớn trong sự nghiệp.
Trong ngắn hạn, đây là tổn thất lớn. Tuy nhiên, án phạt này có thể tạo ra những thay đổi tích cực. Tiền lệ của CLB Hà Nội sẽ buộc các đại diện Việt Nam, VFF, VPF phải tôn trọng và tuân thủ quy chế hơn.