Theo điều tra của phóng viên, 2 cơ sở cai nghiện “chui” tại TP.HCM được nhiều người nghiện truyền tai nhau là cơ sở của “bác sĩ” Nguyễn Thị Tiến (49 tuổi) ở hẻm 172 cư xá đường sắt, phường 1, quận 3) và cơ sở của “bác sĩ” Nguyễn Thị Ái (61 tuổi) tại số 2 đường 102, Cao Lỗ, phường 4, quận 8).
Hai cơ sở này có điểm chung là không có bảng hiệu, cửa luôn khóa và chỉ nhận điều trị cho người nghiện do mối quen giới thiệu.
Bà Nguyễn Thị Tiến tại cơ sở cai nghiện ma túy trái phép. |
“Bao trọn gói”
Khoảng 10h ngày 24/12, chúng tôi đến cơ sở cai nghiện của “bác sĩ” Ái để được tư vấn và đăng ký cai nghiện. Tại đây, ông Thảo (người gác cửa) nhìn dò xét qua khe cửa một lúc rồi dẫn chúng tôi vào trong khóa cửa lại.
Dò hỏi tình hình sức khỏe của chúng tôi một lúc, ông Thảo bấm điện thoại nói gọi cho “bác sĩ” Ái. Năm phút sau, bà Ái chạy xe tới kiểm tra thân nhiệt, cổ tay chúng tôi rồi hỏi: “Con chích bao lâu rồi, ngày xài bao nhiêu, sáng giờ có chơi cữ nào không?”.
Vừa nói bà ta vừa sờ lên cổ chúng tôi rồi phán: “Thân nhiệt đang nóng, chắc nó đang lên cơn thèm thuốc. Phải chích cho nó một mũi để nó qua cơn”...
Theo bà Ái, người nghiện được cơ sở điều trị cắt cơn sau 7-10 ngày với giá “bao trọn gói” là 7 triệu đồng (tại cơ sở) và 8 triệu đồng (tại nhà). Nếu điều trị tại cơ sở, người nghiện sẽ được “khuyến mãi” thêm 5 bình nước biển.
Với người cai nghiện tại nhà, cơ sở sẽ cử “bác sĩ” xuống trực để truyền nước, chích thuốc cắt cơn. Bà Ái còn nói sau khi điều trị cắt cơn thành công bà sẽ bán cho người nghiện một loại thuốc để uống hậu cai (thuốc Naltrexone) giá 40.000 đồng/viên.
“Uống cái đó vào không thèm nhớ đến ma túy, nó có công dụng như hàng rào ngăn cách tái nghiện. Khi uống thuốc, chỉ cần ai hít thuốc rồi thổi khói ra, người nghiện hít vào rất khó chịu, ói ngay. Cai ở đây tối đa 10 ngày là xong...”.
Thấy khách hàng không an tâm, bà Ái nói tiếp: “Ở đây cô vừa tiêm vừa chích, vừa truyền dịch, cô làm đủ kiểu, miễn sao nó hết là được. Cô làm không vật vã, đảm bảo chất lượng 100%”.
Ðể khách tin, bà Ái dẫn chúng tôi lên lầu 1 và lầu 2 xem quy trình điều trị cắt cơn cho người nghiện. Chỉ vào một nhóm năm thanh niên tụ tập ở bàn ăn trên lầu, bà Ái nói: “Ðấy, người nghiện đang cai ở cơ sở của cô đấy”.
Tại khu vực điều trị, chúng tôi chỉ thấy giường được kê trong phòng chật chội, không có thiết bị y tế phục vụ cho việc điều trị. Vào một phòng ở lầu 2, bà Ái chỉ tay vào một thanh niên đang ngồi truyền nước trên giường nói: “Người này nghiện điều trị sắp ra rồi nên đang truyền nước biển”.
Ở phòng kế bên, một người nghiện khác đang nằm trên giường. Bà Ái khẳng định do uy tín nên cơ sở luôn có một lượng người nghiện đến cai nhất định, chủ yếu là khách quen.
Nhân viên tư vấn cộng đồng nhận... cai nghiện
Sáng 25/12, trong vai người nghiện, chúng tôi tìm đến cơ sở cai nghiện của “bác sĩ” Tiến nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo ở cư xá đường sắt (phường 1, quận 3). Cơ sở cai nghiện này cũng là nơi sinh sống của gia đình bà Tiến. Ở phía trước và trên lầu bà Tiến thiết kế nhiều phòng cách ly bằng cửa kéo, trang bị giường, nệm phục vụ việc cai nghiện.
“Ở đây cô làm sạch sẽ trong vòng 7 ngày giá 8 triệu đồng, sau bảy ngày cô test mà nó lên hết vạch (test ma túy) thì cô cho uống thuốc hậu cai. Ai có điều kiện thì gắn con chip giá 68,2 triệu đồng. Nghĩa là mình đưa vào trong máu và nó sẽ tan vào máu chạy lên não làm giảm sự thèm thuồng chất ma túy”, bà Tiến tư vấn.
Một người nghiện đang điều trị tại cơ sở trái phép của bà Nguyễn Thị Ái. |
Theo bà Tiến, thuốc hậu cai 100.000 đồng/viên và ngày nào cũng phải uống, uống đến khi nào chán thì thôi (?).
Khi tiếp xúc với chúng tôi, bà Tiến liên tục thúc đi tiểu để bà test hàm lượng ma túy. Bà còn quảng cáo: “Hồi xưa lên cơn thường dùng thuốc ngủ chứ bây giờ cô không cần dùng thuốc ngủ mà cô xử lý trước bằng một loại thuốc “thần dược” giá 2 triệu đồng/chai...
Ở đây, cô dùng thuốc tốt nên không sợ vật vã, cơ sở như một gia đình nên người nhà không cần thiết phải đến chăm sóc. Ðiều trị bảy ngày chưa khỏi thì cô điều trị đến lúc nào khỏi thì thôi, tối đa là 10 ngày”.
Bà Tiến còn “nổ” hiện ở cơ sở của bà có ba bác sĩ điều trị và bà đang xây dựng một trung tâm cai nghiện tại huyện Củ Chi. Sau khi tư vấn cho chúng tôi, bà Tiến lôi hợp đồng ra, tự kê đơn thuốc và phác đồ điều trị cho người nghiện.
Khi tư vấn cho người nghiện bà Tiến “nổ” như vậy, nhưng làm việc với phóng viên bà Tiến thừa nhận: “Tôi từ dưới quê An Giang mới lên đây à. Trước đây tôi có làm bên cai nghiện, tôi cũng mới làm tư vấn cộng đồng được khoảng hai năm nay và chỉ có chức năng là tư vấn”.
Khi chúng tôi chất vấn: “Bà nói từng làm cai nghiện, vậy cai nghiện ở đâu?”, bà Tiến chỉ nói: “Nói chung tôi có làm bên cai nghiện vậy thôi, chứ không làm ở bệnh viện, trung tâm nào cả”.
Chúng tôi hỏi sao bà chỉ là nhân viên tư vấn lại nhận cai nghiện, kê đơn thuốc, ra giá cai nghiện... Bà Tiến chối: “Tôi nói là nói vậy thôi, cai ở chỗ khác chứ làm sao cai ở đây được. Mình mà nói cai chỗ khác thì người nghiện họ bỏ về hết chứ người ta đâu chịu. Tôi nói nhận cai nghiện ở nhà cũng vì để người nghiện yên tâm, chứ sự thật trước sau gì tôi cũng dắt người nghiện đi chỗ khác cai à”.
“Tư vấn giùm bác sĩ thôi!”
Tương tự bà Tiến, bà Nguyễn Thị Ái thừa nhận cơ sở cai nghiện của bà hoạt động không phép từ nhiều năm nay. Nơi lập cơ sở cai nghiện thực chất chỉ là chỗ ở chứ không chuyên về cai nghiện. Bản thân bà Ái cũng không phải là bác sĩ và không hề có trình độ, chuyên môn gì trong việc cai nghiện.
“Tôi ở dưới quê lên thôi. Mấy năm trước tôi có hùn hạp với bác sĩ Thành, bác sĩ Mai Thanh Long mở cơ sở cai nghiện này. Sau này bác sĩ Thành không làm nữa nên giờ chỉ còn bác sĩ Long làm chính thôi”, bà Ái nói.
Theo bà Ái, sở dĩ bà tư vấn, điều trị cho người nghiện là vì trước đây có làm chung với mấy “bác sĩ” nên biết, giờ tư vấn giùm mấy “bác sĩ” đó vì “bác sĩ” bận đi học. Bà Ái cũng thừa nhận do “bác sĩ” Long bận đi học nên bà cùng hai người con (một người tốt nghiệp trung cấp dược, một người đang học đại học - PV) thường xuyên quản lý giúp.
Bà Ái tiết lộ: “Bản tính người nghiện rất hung dữ nhưng do bác sĩ Long cho uống thuốc ngủ nên người nghiện ít quậy phá”. Theo bà Ái, trong số 7 triệu đồng bà nhận “bao trọn gói” điều trị cho người nghiện trừ chi phí thuốc men, ăn uống, điện nước... thì “bác sĩ” Long đút túi khoảng 2 triệu đồng.
Ngày 27/12, ông Mai Thanh Long (người quản lý chính cơ sở cai nghiện) thừa nhận cơ sở cai nghiện của ông hoạt động sai quy định vì chưa đảm bảo chuyên môn, chưa có giấy phép.
“Trước đây tôi có thực tập 6 tháng ở khoa thần kinh một bệnh viện tại TP.HCM, hiện tại tôi không công tác ở bệnh viện nào cả mà đang học năm thứ 4 chuyên ngành tâm thần”, ông Long nói.
Theo ông Long, căn nhà nơi ông lập cơ sở cai nghiện được ông thuê 10 triệu đồng/tháng để nhận giúp người nghiện điều trị tại nhà, một tháng có khoảng 4-5 người điều trị.
Tràn lan tư vấn cai nghiện qua mạng
Ngày 4/1/2015, theo thông tin quảng cáo trên mạng, chúng tôi liên hệ với ông C.V.T. (ngụ Sơn La). Dù quảng cáo là điều trị cắt cơn trong vòng 10 ngày nhưng khi tư vấn ông T. lại nói: “Không phải 10 ngày đâu mà là một tháng, 10 ngày đầu gia đình phải tự quản. Uống thuốc này vào thì không thèm, không vật vã tí nào mà như người bình thường”.
Theo ông T., “thần dược” cai nghiện là thuốc gia truyền được ông tự bào chế từ thân cây, lá rừng. Chi phí điều trị từ 30-50 triệu đồng/người.
Còn ông H. (Thái Nguyên) lại nhận tư vấn, kê đơn thuốc điều trị qua mạng, chuyển tiền qua tài khoản và chuyển thuốc qua đường bưu điện. “Phương pháp của tôi là hỗ trợ trực tuyến, tôi sẽ hỗ trợ về phương pháp, phác đồ điều trị. Hình thức đăng ký gửi tiền qua tài khoản, tôi sẽ gửi thuốc đến nhà theo đường bưu điện, uống thuốc theo đơn tôi đã kê sẵn”, ông H. nói.
Tại TP.HCM, khi chúng tôi liên hệ thì những địa chỉ quảng cáo bán thuốc cai nghiện trên mạng đều không đồng ý gặp mặt tại cơ sở mà chỉ nói: “Đăng ký số lượng, đọc địa chỉ, gửi tiền qua tài khoản sẽ cho người mang tận nơi”.
Rất nguy hiểm cho người nghiện
Ông P.V.T. (40 tuổi, người nghiện ma túy từng đi cai nghiện “chui”) cho biết: “Thực chất khi lên cơn thèm thuốc, chủ cơ sở điều trị chỉ chích thuốc ngủ để người nghiện ngủ li bì ngày này qua ngày khác. Vì vậy sau thời gian điều trị, người nghiện lại tiếp tục xoáy vào vòng nghiện ngập”.
TS.BS Lê Trường Giang - chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM khẳng định về mặt nguyên tắc, người nhận điều trị cắt cơn cho người nghiện (gọi là điều trị giải độc) phải có kiến thức, trình độ, bằng cấp, phải được huấn luyện chuyên về cai nghiện. Người nhận điều trị không có những yếu tố trên thì sẽ rất nguy hiểm cho người nghiện.
Mặt khác, thuốc sử dụng trong cai nghiện là thuốc hướng thần nên đòi hỏi người nhận cai nghiện phải có trình độ chuyên môn cao.
Bác sĩ Giang khuyến cáo điều trị cai nghiện (cắt cơn) đòi hỏi quá trình phục hồi phía sau rất dài, người nghiện nên vào những cơ quan cai nghiện hợp pháp để đảm bảo an toàn, hiệu quả và nên sử dụng những giải pháp đã được thế giới công nhận như cai nghiện bằng methadone.