Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái khó của 'Bố già' và 'Gái già lắm chiêu V'

Trở lại phòng chiếu sau thời gian tạm hoãn vì dịch bệnh, "Bố già" và "Gái già lắm chiêu V" phải đối đầu với loạt phim có chất lượng chế tác cao tới từ Hollywood.

Bố giàGái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả - hai trong bốn phim “bom tấn” Việt dự định chiếu trong dịp Tết vừa qua nhưng bị hủy do dịch bệnh bùng phát - đã trở lại cuộc đua sau khi rạp chiếu phim tái xuất vào đầu tháng 3.

Tuy nhiên, cuộc chơi lúc này đã không còn dễ dàng như trước, khi một loạt yếu tố khách quan và chủ quan có thể phá vỡ tham vọng lập kỷ lục doanh thu của hai bộ phim này.

phim viet doi dau phim ngoai anh 1

Gái già lắm chiêu V chính thức ra rạp từ 12/3, sau thời gian hoãn chiếu vì dịch bệnh.

Rạp chiếu chật chội trong ngày ra quân trở lại

Yếu tố khách quan đầu tiên có thể khiến hai bộ phim Việt khó thiết lập kỷ lục doanh thu là khán giả không còn kỳ nghỉ lễ kéo dài cả chục ngày và tâm lý thoải mái trong dịp Tết để ra rạp tiêu tiền. Hai lý do trên khiến khán giả, đôi khi bớt kén chọn hơn thường ngày, sẵn sàng bỏ tiền cho một bộ phim chất lượng trung bình. Cũng nhờ thế mà một tác phẩm chất lượng trung bình như Trạng Quỳnh có thể thu được cả trăm tỷ đồng, vốn là điều bất khả thi nếu phát hành vào dịp bình thường.

Trên thực tế, doanh thu của mùa chiếu phim Tết thường tăng từ 30%, thậm chí 50% so với ngày thường.

Một yếu tố khác, quan trọng không kém, là trong nửa cuối năm 2020, do dịch bệnh nên một số phim Việt được hưởng lợi thế khi không phải cạnh tranh với phim bom tấn tại các rạp chiếu. Hoặc nếu có, thì đó cũng không phải là những phim có khả năng khuynh đảo phòng vé. Đó là lý do khiến Ròm, Tiệc trăng máuChị Mười Ba: Ba ngày sinh tử có thể ung dung trụ rạp dài ngày và tận dụng được mọi nguồn thu.

Trong đợt tái xuất lần này, sau khi đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3 đã tạm lắng xuống, ngoài việc không còn lợi thế kỳ nghỉ lễ kéo dài, hai phim Việt còn phải cạnh tranh đối đầu với nhiều phim ngoại chất lượng.

Ngoài hai phim ngoại được phát từ dịp Tết và vẫn đang chứng tỏ phong độ tại phòng vé là Thần bịp: Jack chột (thu hơn 14 tỷ đồng) và phim hoạt hình Tom & Jerry: Quậy tung New York (11 tỷ đồng), đường đua đợt tái xuất lần này bỗng trở nên chật chội bất ngờ với Bố già, Gái già lắm chiêu V, bom tấn hoạt hình của hãng Disney Raya and The Last Dragon. Ngoài ra, các rạp còn có sự xuất hiện của 3 bộ phim độc lập đang là những chú ngựa ô tại mùa giải thưởng điện ảnh đầu năm nay là Minari, Promising Young WomanPalm Springs.

Chưa kể, sau đó khoảng 2 tuần, bộ phim bom tấn Godzilla vs. Kong - siêu phẩm có kinh phí gần 200 triệu USD - sẽ được tung ra vào ngày 24/3. Tác phẩm được cho là sẽ chặn đứng cơ hội thời gian trụ rạp lâu dài của hai phim Việt.

phim viet doi dau phim ngoai anh 2

Godzilla vs. Kong là một trong những "bom tấn" ngoại sẽ đối đầu phim Việt trong tháng 3.

Với sự chật chội này, chắc chắn hai bộ phim Việt không thể dễ dàng lập kỷ lục khi phải chia sẻ số suất chiếu với các bộ phim còn lại. Chưa kể, tâm lý của khán giả vẫn còn khá dè chừng, túi tiền eo hẹp do dịch bệnh kéo dài và sự cạnh tranh quyết liệt của các nền tảng giải trí trực tuyến… cũng có thể đánh trực tiếp vào "miếng bánh" thị phần của những phim Việt xuất quân lần này.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là tác phẩm Việt không có cơ hội đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, nếu chất lượng của hai phim thực sự xuất sắc.

"Bố già" và "Gái già": Cuộc chiến phim thương hiệu ở Việt Nam

Chất lượng trở thành cứu cánh duy nhất cho hai bộ phim Việt trong cuộc đối đầu trực tiếp lần này, khi cả hai đều không còn được hưởng những lợi thế như phân tích ở trên.

Trong cuộc song đấu “kèn cựa” nhau từng chút một của Bố giàGái già lắm chiêu V, có thể thấy sự tự tin và quyết liệt của hai nhà sản xuất cũng như đơn vị phát hành.

Cả hai “đụng độ” nhau từ ngày phát hành chính thức (12/3), nhưng trước đó đã quyết “thử lửa” khán giả trong các suất chiếu sớm đầu tiên vào ngày 5/3 và 3 ngày tiếp theo sau đó. Như vậy, nói hai bộ phim này phát hành chính thức từ ngày 5/3 cũng không sai.

Hai đối thủ có một vài điểm chung thú vị. Cả hai đều chọn từ “già” trong nhan đề, một tính từ vốn không được ưa chuộng trong nền giải trí Việt Nam vốn “lụy” khán giả trẻ và phục vụ cho khán giả trẻ (từ 18-25). Thế nhưng, thực ra đây chỉ là một cách chơi chữ mà thôi. Không có ai “già” thực sự theo nghĩa đen trong hai bộ phim này cả.

Tiếp theo, cả hai bộ phim đều thuộc dòng phim thương hiệu (franchise) – vốn là trào lưu nổi bật và chủ lực của điện ảnh thế giới hiện nay. Đã qua rồi thời một bộ phim thành công dựa vào sức hút của ngôi sao. Đây là thời đại mà một ngôi sao muốn thành công phải gắn chặt với dòng phim “thương hiệu”. Ví dụ điển hình nhất là Thám tử phố Tàu 3 – một trong hai phim Tết ăn khách nhất Tết 2021 ở Trung Quốc.

Bố già là phiên bản điện ảnh được sản xuất dựa vào sức hút của web-drama do Trấn Thành tung ra trong dịp Tết 2020. Phiên bản điện ảnh dù được thay đổi hoàn toàn nội dung, nhưng hình ảnh và tính cách nhân vật của "Bố già" được hóa thân bởi Trần Thành - những thứ đã làm nên “thương hiệu” của phim - vẫn được duy trì. Chất liệu cuộc sống bình dân và gần gũi được lấy cảm hứng từ những con hẻm nhỏ Sài Gòn cũng trở thành điểm sáng cho bộ phim, trong giai đoạn mà điện ảnh Việt đang chạy theo những giá trị phù phiếm và hào nhoáng bên ngoài.

Cũng là tác phẩm khai thác tối đa lợi thế của dòng phim “thương hiệu”, Gái già lắm chiêu V đối lập hoàn toàn với Bố già về chất liệu. Loạt phim này đánh vào lối sống xa hoa, có phần trưởng giả của một bộ phận nhà giàu trong xã hội Việt Nam hiện đại. Thậm chí, lắm lúc tình tiết được đẩy lên đến mức… phi thực để thu hút sự chú ý của khán giả.

Bộ phim, ngoài việc được bảo chứng bởi dàn sao kỳ cựu như Lê Khanh, Hồng Vân, Hoàng Dũng, tiếp tục lăng xê sức hút của ngôi sao trẻ Kaity Nguyễn và phát hiện một gương mặt nam chính mới (Khương Lê).

Rõ ràng, nếu nhìn vào hai "chú ngựa chiến" này, không khó nhận thấy cả hai đều có lợi thế và thị phần riêng trong cuộc chinh phục đường đua. Nhưng nếu không đủ sức mạnh khi xuất trận, chuyện ngã ngựa hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi sự phân hóa đang diễn ra một cách quyết liệt tại phòng vé gần đây. Khán giả đang có xu hướng chỉ chọn một bộ phim tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt mà bỏ qua bộ phim còn lại.

Chưa kể, hiệu ứng truyền miệng hoàn toàn có thể đến từ các bộ phim Hollywood cùng gia nhập cuộc đua lần này.

Không dễ xơi với những phim chất lượng cao của Hollywood

Như đã nói ở trên, đường đua lần này có sự góp mặt của khá nhiều “ngựa chiến” đến từ Hollywood. Trong khi Tom & Jerry: Quậy tung New York - bộ phim hoạt hình/live-action của Warner Bros - vẫn đang chứng tỏ sức hút, tiếp tục có đến 4 bộ phim chất lượng khác sẵn sàng xuất quân để đối đầu trực tiếp với hai phim Việt.

Phim hoạt hình Raya and The Last Dragon (khởi chiếu từ 5/3) là bom tấn của Walt Disney, lấy cảm hứng từ một câu chuyện về loài rồng xuất xứ từ một quốc gia Đông Nam Á hư cấu. Đây là bộ phim được đầu tư kinh phí lớn, nhắm vào thị trường Đông Nam Á hơn 600 triệu dân mà Hollywood chưa chú ý đúng mức.

phim viet doi dau phim ngoai anh 3

Raya and The Last Dragon là tác phẩm nhằm "lấy lòng" thị trường Đông Nam Á.

Bộ phim từng được dự định phát hành vào dịp lễ tháng 11 năm ngoái nhưng do dịch bệnh nên trì hoãn đến ngày 5/3 năm nay với chiến dịch phát hành rộng khắp. Để “lấy lòng” khán giả Đông Nam Á – một thị trường tiềm năng với dân số trẻ và nhu cầu đến rạp cao, nhà Chuột đã huy động một dàn sao đến từ Đông Nam Á và Đông Á để lồng tiếng cho bộ phim, trong đó có những tên tuổi như Kelly Marie Tran (Trần Loan, gốc Việt – lồng tiếng cho nhân vật chính Raya), Awkwafina, Gemma Chan, Daniel Dae Kim, Sandra Oh, Benedict Wong…

Qui Nguyen, một nhà sản xuất và biên kịch người Mỹ gốc Việt, cũng tham gia vào quá trình đồng viết kịch bản và sản xuất phim. Ca khúc chủ đề Lead The Way của phim được thể hiện bởi Jhené Aiko, một ca sĩ gốc Nhật Bản nổi tiếng.

Trong khi đó, dù không thuộc dòng phim bom tấn có thể khuấy đảo phòng vé, ba phim được nhiều đề cử tại các giải thưởng điện ảnh đầu năm 2021 (đặc biệt là Quả cầu Vàng vừa diễn ra và Oscar sắp tới) Minari, Promising Young WomanPalm Springs vẫn có thể trở thành những chú ngựa ô tại phòng vé. Quan trọng hơn là tính giải trí hoặc giá trị nhân văn của 3 bộ phim này có thể tạo ra hiệu ứng truyền miệng và tạo ra những cơn sốt trong cộng đồng những người yêu điện ảnh thực sự.

Palm Springs (5/3) là một phim hài/giả tưởng rất thông minh và hấp dẫn về chủ đề “time-loop” (vòng lặp thời gian).

Minari (12/3), bộ phim vừa giành giải Phim nước ngoài hay nhất tại giải Quả cầu Vàng, là tác phẩm cảm động về một gia đình người Hàn nhập cư trên đất Mỹ thập niên 1980, nhưng rất gần gũi với khán giả Việt Nam. Bộ phim của đạo diễn Mỹ gốc Hàn Lee Isaac Chung và dàn diễn viên tên tuổi người Hàn như Steve Yeun, Youn Yuh-jung… có thể tạo ra một cơn sốt như Parasite đã từng thành công.

Và cuối cùng là Promising Young Woman (12/3), bộ phim khai thác trào lưu #MeToo với một góc nhìn đầy mới mẻ và sáng tạo cùng màn diễn xuất đột phá của Carey Mulligan có thể chinh phục được một lượng khán giả nữ…

Mới mở cửa trở lại, phòng vé Việt Nam trở nên sôi động và chật chội khác thường. Đây vừa là rủi ro, đồng thời cũng là tín hiệu tích cực để định vị lại thị trường và thị hiếu của khán giả sau thời kỳ rạp chiếu phim đóng băng vì dịch bệnh.

phim viet doi dau phim ngoai anh 4

Minari vừa được vinh danh là Phim nước ngoài hay nhất tại giải Quả cầu Vàng 2021.

‘Kiều @’ và sự ngán ngẩm từ nội dung cho tới cảnh nóng

Lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, bộ phim “Kiều @” gây ngao ngán khi mang đến phần kịch bản thảm họa và kỹ thuật one-shot tệ hại.

Lê Hồng Lâm

Bạn có thể quan tâm