Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất Ơn giời, cậu đây rồi, đưa quan điểm về việc Trấn Thành bị đài truyền hình Vĩnh Long cấm sóng.
Tôi và Trấn Thành đã có thời gian cùng làm việc khi sản xuất chương trình Ơn giời, cậu đây rồi!. Dưới góc nhìn của tôi, Trấn Thành là một diễn viên tài năng. Hiếm diễn viên nào có được nền tảng diễn xuất tốt và đa dạng như Trấn Thành. Cậu ấy có thể hát, nhảy, có thể diễn bằng tiếng Anh… và có khả năng hóa thân linh hoạt hiếm thấy.
Tôi đã từng rất mong muốn mời được Trấn Thành tham gia chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm. Bản thân Trấn Thành cũng mong mỏi góp mặt trong chương trình này. Tuy nhiên, lịch diễn của Thành dày kín.
Tôi đã từng nói với cậu ấy, để tham gia Táo quân, Trấn Thành phải thu xếp ít nhất một tuần ra Hà Nội để tập đêm, tập ngày với ê-kíp, chứ không thể làm hời hợt, góp mặt cho có.
Có lẽ, một tuần ra Hà Nội tập luyện là một quãng thời gian xa xỉ của Trấn Thành giữa những lịch diễn, chạy show chồng chéo.
Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải là người chỉ đạo sản xuất cho chương trình Ơn giời, cậu đây rồi!. Người phụ trách truyền thông của chương trình này cũng khẳng định họ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc sẽ dừng hợp tác với Trấn Thành. Ảnh: VFC. |
Trấn Thành là một nạn nhân của game show
Xem Ơn giời, khán giả có thể nhận thấy rất rõ tài năng của Trấn Thành, khả năng diễn xuất linh hoạt, ứng biến nhanh nhạy của cậu ấy. Nói như vậy để thấy, Trấn Thành không nhảm "mọi nơi, mọi chỗ". Tài năng của người nghệ sĩ chỉ tỏa sáng khi được đặt đúng chỗ, và được đạo diễn khai thác đúng thế mạnh.
Khán giả đã từng chê Trấn Thành nói nhanh, nói nhiều, diễn lan man… Tố chất nghệ sỹ trong con người Trấn Thành rất lớn, chính vì thế, khi diễn Trấn Thành cần một đạo diễn giúp cậu ấy tiết chế lại và cần một kịch bản đủ hay để cậu ấy tỏa sáng.
Khi tham gia hàng loạt game show, Trấn Thành rơi vào bẫy thảm họa, bẫy nhảm, nhạt chính vì chương trình ấy không có một kịch bản đủ hay, và thậm chí không có cả một đạo diễn đủ tốt.
Khác với ngoài Bắc, thị trường giải trí phía Nam rất sôi động, sức cạnh tranh lớn. Với những chương trình ồ ạt lên sóng, một đạo diễn sân khấu có thể được thuê làm đạo diễn ca nhạc.
Và ngược lại, một đạo diễn ca nhạc có thể được thuê để làm sân khấu. Tôi được biết, nhiều game show thậm chí còn không có cả đạo diễn. Họ đẩy những nghệ sĩ hài lên sân khấu và để mặc họ muốn làm gì thì làm.
Hiện nay, nhiều đài truyền hình đang phó thác nội dung cho các đơn vị xã hội hóa "tự tung tự tác". Việc sản xuất các chương trình giải trí kiếm quảng cáo diễn ra ồ ạt, thiếu kiểm soát.
Trấn Thành là gương mặt đắt sô trên nhiều kênh sóng. |
Nhiều đơn vị sản xuất tư nhân, mà thực chất là các công ty truyền thông, lấy tiêu chí tạo ra lợi nhuận, bán quảng cáo là chính nên không coi trọng giá trị nội dung chương trình.
Họ chỉ cố gắng đưa vào kịch bản những gương mặt đẹp, ăn khách để hút quảng cáo. Tiếng cười, sự hài hước… hoàn toàn bị thả nổi. Rất ít đơn vị sản xuất để ý đến tính giáo dục, tính thẩm mỹ trong chương trình, họ chỉ toàn tâm toàn ý cho rating, cho quảng cáo và lợi nhuận.
Để có quảng cáo, họ phải săn lùng mời chào những gương mặt nghệ sĩ ăn khách bằng mọi giá. Chưa dừng lại ở đó, nhiều chương trình game show khi lên sóng còn dành khoảng 50% tiền đầu tư vào việc tạo scandal quanh những nghệ sĩ tham gia, để chương trình càng thêm hút khách.
Và Trấn Thành là một nạn nhân của game show, một nạn nhân của truyền thông. Cậu ấy đã "bán mặt" cho quá nhiều chương trình. Cậu ấy phải chịu tất cả những scandal bủa vây cũng vì sự ăn khách của show diễn.
Chắc gì Trấn Thành đã muốn mình "nhảm" đến như vậy khi lên sóng truyền hình? Khi biết nếu không thể thu xếp đủ một tuần tham gia Táo quân, Trấn Thành đã nói lời từ chối với tôi. Cậu ấy không muốn xuất hiện một cách lép vế, mờ nhạt bên cạnh dàn nghệ sĩ kỳ cựu của Táo quân - Gặp nhau cuối năm, tôi biết điều đó.
Nhưng Trấn Thành đã "bán mặt" rộng rãi cho nhiều game show truyền hình. Có thể vì cậu ấy nghĩ rằng tuổi trẻ rất ngắn, thời vàng son đỉnh cao trôi rất nhanh, cần phải tận dụng danh tiếng để kiếm tiền.
Vì thế, Trấn Thành đã đứng trên những sân khấu dễ dãi, đã cười ở những chương trình không có kịch bản, đã để mình nhảm trên những kênh sóng cần rating.
Trong khi đó, để lên sóng, vai trò của nhà đài mới mang tính quyết định. Nếu ngay từ đầu, nhà đài không để hài nhảm lên sóng, Trấn Thành làm sao có cơ hội thể hiện tố chất nhảm của mình?
Nếu nhà đài không dung túng cho đơn vị sản xuất, nếu nhà đài nghiêm khắc ngay từ khâu kịch bản, Trấn Thành hẳn đã bị gạch tên ngay, chứ không phải đợi đến lúc này.
Tôi tin rằng, nếu chương trình yêu cầu nghệ sỹ nói chung (Trấn Thành nói riêng) diễn xuất một cách đàng hoàng, họ sẽ làm một cách đàng hoàng.
Trấn Thành đang phải trả giá
Dưới góc nhìn của tôi ở vụ việc này, Trấn Thành là nạn nhân của truyền thông và còn là tội đồ của chính mình. Với tốc độ chạy sô của Thành, với những cái gật đầu qua quýt để xuất hiện trên khắp các kênh sóng, việc bị các nhà đài cấm cửa, việc bị khán giả quay lưng, là điều tất yếu sẽ xảy ra, không sớm thì muộn.
Phía VTV không đưa ra bình luận trước thông tin sau đài Vĩnh Long, VTV cũng cấm sóng Trấn Thành. |
Trấn Thành từng là gương mặt hút khách, đảm bảo rating cho mọi chương trình, nên cậu ấy được săn đón, được chào mời với những mức giá cát -xê cao ngất ngưởng.
Ở thời điểm đắt sô, Trấn Thành đã không biết cách từ chối để sự xuất hiện của mình có tính chọn lọc hơn, đắt giá hơn. Cậu ấy đã không đủ bản lĩnh để tính bước đường dài cho danh tiếng của mình.
Tôi không biết lý do thực sự của việc đài truyền hình Vĩnh Long cấm sóng Trấn Thành là gì. Có thể có nhiều uẩn khúc bên trong mà những người ngoài nhìn vào sẽ không thể thấy hết được.
Nhưng tôi có thể nhìn thấy những mâu thuẫn mà Thành phải đối diện khi ‘bán mặt’ quá nhiều cho các game show. Sự hậm hực của những nhà sản xuất bị Thành từ chối. Sự không bằng lòng của những đơn vị xã hội hóa bị Thành đưa mức giá cát -xê cao…
Có nhiều mối nguy hại tiềm ẩn, và Trấn Thành đã phải trả giá.