Chiều 25/4, Giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long tuyên bố “cấm cửa” Trấn Thành tại sóng địa phương. Theo đó, vị trí huấn luyện viên của Trấn Thành tại game show Tuyệt đỉnh song ca nhí buộc phải thay người.
Một trong những lý do được vị giám đốc này đưa ra là muốn siết chặt nội dung đài, nói không với hài nhảm, dung tục.
Quyết định này ngay lập tức gây bão dư luận. Nhiều người đồng tình vì thời gian qua Trấn Thành vướng vào hàng loạt tai tiếng, từ “phá nát” tác phẩm cải lương kinh điển, gây cười dễ dãi trên truyền hình đến phát ngôn bừa bãi trên truyền thông.
Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng Trấn Thành chỉ là “con tốt thế mạng”. Dù phủ sóng nhiều kênh truyền hình, anh cũng chỉ là một cá nhân. Trấn Thành không thể quyết định được chất lượng chung của các sản phẩm hài, càng không thể được coi là “đầu mối” để "diệt cỏ thì phải diệt tận gốc".
Những năm gần đây, hài kịch trên truyền hình lạm dụng tối đa việc giả gái. Ảnh: Đông Tây. |
Hài nhảm bị thả nổi từ bao giờ?
Hài nhảm bị thả nổi từ khi truyền hình thực tế “đổ bộ” vào Việt Nam. Và Trấn Thành cũng đơn giản chỉ là một cá nhân trong một thị trường hài đang "xuống dốc không phanh" về chất lượng.
Theo phân tích của PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái thì truyền hình thực tế với format đặc sệt nước ngoài biến nhiều nghệ sĩ thành những người “tự nhiên chủ nghĩa”.
“Họ diễn hài nhanh như chảo chớp với lối buông tuồng, phóng túng, không cần kịch bản, không cần nội dung. Tình trạng thích gì nói ấy, thích gì làm ấy, mặc kệ hàng triệu khán giả đang xem truyền hình trở nên phổ biến”.
Hài kịch Việt Nam từng có một thời kỳ hoàng kim. Khán giả xếp hàng để mua vé. Ở đó, có một thế hệ nghệ sĩ như Thành Lộc, Hữu Châu. Họ cẩn trọng đến từng câu chữ, với lối diễn hài dân dã nhưng không dễ dãi. Dễ khóc dễ cười nhưng không phải “trò lố màn ảnh”.
Nhưng sự xuất hiện của truyền hình thực tế đã làm “đảo điên” làng hài. Khán giả không mất tiền mua vé. Họ được thỏa thích xem miễn phí tại nhà. Nhưng, mặc lòng, những kịch bản tinh túy, sâu sắc, “cười ra nước mắt” của hài kịch sân khấu dần mất đi.
Thay vào đó, là những câu chuyện đời tư, những màn giả gái, gây cười cơ học bằng răng vẩu, nói ngọng. Thậm chí, khi hết trò, diễn viên, thí sinh hài còn sẵn sàng nói bậy, văng tục trên sóng truyền hình.
Một nghệ sĩ gạo cội phải thốt lên “Xem thế giới động vật còn hơn xem game show hiện nay”. Còn một diễn viên trẻ yêu nghề thì bình luận “Đó không phải là diễn hài, đó là giỡn mặt khán giả”.
Công bằng mà nói, ngoài những tiết mục nhảm nhí, Trấn Thành cũng có nhiều tác phẩm hay, khiến khán giả "cười ra nước mắt". |
Nhà đài, đơn vị sản xuất có vô can?
Nghệ sĩ là chủ thế sáng tạo, “người đứng mũi chịu sào” trước dư luận. Khen – chê, tranh luận trái chiều trên mạng xã hội cùng thường chỉ xoay quanh người đang ngồi trên ghế nóng. Và lẽ thường, không phải ai cũng hiểu rằng, đôi khi, nghệ sĩ cũng chỉ là nạn nhân và công cụ.
Rating (đơn vị đo lường sự quan tâm của khán giả) thì nhà đài hưởng. Lợi nhuận thì đơn vị sản xuất nắm. Nghệ sĩ không được quyết định quá nhiều dù ai cũng biết sự nổi tiếng của họ là một trong những yếu tố đảm bảo cho rating.
Thành công hay thất bại, nhiều người xem hay không ai buồn ngó tới, phụ thuộc rất nhiều vào sức hấp dẫn của những người xuất hiện trong chương trình.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Trấn Thành trở thành cái tên được nhiều đơn vị sản xuất săn đón. Không ai có thể phủ nhận sự thông minh, tài ứng biến, hoạt ngôn của Trấn Thành trên sân khấu.
Bên cạnh những trò gây cười bị cho là nhảm nhí, khán giả truyền hình cũng đã không ít lần phải rơi nước mắt với cách thể hiện ăn ý của Trấn Thành với Nam Thư, Thanh Hằng, Trung Dân trong chương trình Ơn giời! cậu đây rồi.
Trấn Thành góp công làm nên thương hiệu của nhiều game show. Đó là lý do khi nam nghệ sĩ bị cấm cửa ở đài THVL, không ít người đặt câu hỏi “Liệu nhà đài có vô can?" và "Các đơn vị sản xuất có đang qua cầu rút ván?"
Hai bên cùng đồng hành với nhau qua những hợp đồng, thỏa thuận, cùng nhau hưởng lợi từ sự quan tâm của khán giả. Tại sao lại chỉ có một bên bị cấm cửa vì nhảm, còn nhà đài và đơn vị lại không bị “sờ gáy” vì để cho sự nhảm ấy tồn tại suốt một thời gian dài?
Đúng như nghệ sĩ Trung Dân bình luận với Zing.vn: "Nếu nhà đài muốn đem tới những món ăn tinh thần bổ ích cho khán giả thì cần kỹ càng hơn ở khâu kiểm duyệt. Kiểm duyệt cũng nên đồng bộ và thống nhất".
Còn một khi, chính khâu kiểm duyệt cũng từng lỏng lẻo vì thiếu nhất quán thì khác nào “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, "tự mình vỗ ngực mình".
Ngay sau khi thông tin Trấn Thành bị cấm cửa tại Đài Truyền hình Vĩnh Long được đăng tải rộng rãi trên báo chí – truyền thông, nhạc sĩ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ quan điểm: “Phát súng này không chỉ nhắm đến một người, cần phải nhắm đến một số người, một loạt chương trình.
Không chỉ vậy, phát súng này còn cần phải nhắm đến một loạt nhà đài, kênh truyền hình. Và nó chính là phát chỉ thiên nhắm đến cơ quan có chức năng trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn và phát thanh truyền hình”.
Quan điểm này được nhiều người đồng tình.
Nếu quyết liệt vì chất lượng thực sự của các chương trình văn hóa - giải trí trên truyền hình, thì Đài truyền hình Vĩnh Long không nên chỉ dừng lại ở Trấn Thành hay coi anh là “một tấm bia đỡ đạn” để phục vụ cho mục đích "nâng cao chất lượng văn hóa".
Nhưng đúng như một khán giả bình luận trên mạng xã hội: "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Thật nực cười khi người thay thế Trấn Thành trên ghế nóng Tuyệt đỉnh song ca nhí lại là Thanh Bạch".