Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái giá để Đại Dương có Kem Tràng Tiền là bao nhiêu?

10 năm sau khi Kem Tràng Tiền được cổ phần hóa với chỉ 3,2 tỷ đồng, công ty thành viên của Tập đoàn Đại Dương đã phải mua lại thương hiệu này với mức giá gấp gần 200 lần.

Theo báo cáo tài chính năm 2013 của công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH), ngày 31/12/2013, công ty này đã chính thức nắm quyền kiểm soát Kem Tràng Tiền, sau khi sở hữu 78,4% vốn của doanh nghiệp này. Thương vụ được hoàn tất khi công ty thành viên của tập đoàn Đại Dương chi 500 tỷ đồng ứng trước cho Chủ tịch Kem Tràng Tiền thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 634.700 cổ phần từ ngày 25/10/2010.

Hơn 3 năm sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng chưa thể là người một nhà, Tập đoàn Đại Dương mới chính thức thành chủ của Kem Tràng Tiền vào tháng 12/2013.

Ra đời từ năm 1959, Kem Tràng Tiền là một trong những thương hiệu ẩm thưc mạnh của thủ đô. Năm 2000, Kem Tràng Tiền được cổ phần hóa, nhưng cổ phần trong đợt IPO đó chỉ bán nội bộ công nhân viên của công ty, với tổng giá trị là 3,2 tỷ đồng. Số tiền định giá cực khiêm tốn này cũng là bởi công ty cổ phần trước 2007, thời điểm mà giá trị quyền sử dụng đất không được sử dụng để định giá doanh nghiệp.

Định giá thấp khiến khả năng bị mua đi bán lại của Kem Tràng Tiền dễ dàng hơn nhiều so với các công ty khác. Tính đến trước khi về chung nhà với tập đoàn Đại Dương, Kem Tràng Tiền đã đổi qua 4 lần HĐQT, với những thương vụ thâu tóm ngầm. Những nhà đầu tư có hứng thú với Kem Tràng Tiền không chỉ bởi lịch sử nửa thế kỷ của thương hiệu này, mà còn bởi khu đất vàng mà doanh nghiệp đang sở hữu, khoảng 1.500 m2 tại mặt đường Tràng Tiền. Theo hợp đồng chuyển nhượng vốn của OCH và ông Hà Trọng Nam, chỉ tính riêng phần OCH phải chi để nhận 78,4% cổ phần Kem Tràng Tiền cũng cho thấy, giá trị của doanh nghiệp này đã tăng gần 200 lần sau 10 năm.

Sự xuất hiện của tập đoàn Đại Dương tại Kem Tràng Tiền bắt đầu từ tháng 9/2008, là lúc ông Hà Trọng Nam, anh trai của chủ tịch OCG Hà Văn Thắm, được bầu vào ghế nóng của ông lớn ngành kem, bởi vị này nắm tới 92% cổ phần của Kem Tràng Tiền. Tháng 10/2010, hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa ông Nam và OCH được ký, thể hiện trong báo cáo tài chính của Ocean Hospitality là khoản treo thuộc mục "Phải thu dài hạn khác". Tháng 10/2013, ông Nam ngồi vào ghế HĐQT của tập đoàn Đại Dương dù không nắm giữ cổ phần của tập đoàn này, và 2 tháng sau đó, OCH chính thức hoàn thành thương vụ với Kem Tràng Tiền.

Như vậy, sau hơn 5 năm kể từ khi người nhà của Chủ tịch Ocean Group, ông Hà Văn Thắm, chen chân vào HĐQT của Kem Tràng Tiền và 3 năm sau khi thương hiệu kem hàng đầu thủ đô tồn tại vô chủ, số phận của công ty này mới được ngã ngũ. Thế nhưng, việc một công ty địa ốc mua lại hãng kem đã khiến nhiều người cho rằng, mức giá đó phần lớn chỉ để trả cho vị trí đắc địa của Kem Tràng Tiền, chứ không phải vì đây là thương hiệu nổi tiếng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu Tập đoàn Đại Dương đổ vốn vào một công ty thuộc ngành thực phẩm. Trước đó, năm 2011, thương hiệu bánh Givral - Sài Gòn cũng đã rơi vào tay OCH, với lượng vốn sở hữu lên tới 98%.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm