Chắc chắn không ít người đã cảm thấy lo lắng khi xem cách Malaysia nhập cuộc tại sân Mỹ Đình. Cái lo lắng ấy chắc còn lớn hơn trong lòng những người hâm mộ ở Hà Nội vốn dĩ vô tình được chứng kiến đoàn CĐV Malaysia đông đảo diễu hành ở phố Hàng Điếu chiều ngày 16/11.
Malaysia là đối thủ kỵ giơ với Việt Nam. Họ có thể lực, thể hình và chơi kỷ luật rất cao. Và khi cả hai đội khai trận, có lúc Việt Nam chỉ cầm bóng được khoảng 30% thời gian, nỗi lo hiện hình lớn hơn thành ám ảnh.
Nhưng phải thừa nhận cái duyên của Công Phượng đã cứu thoát tuyển Việt Nam rất đúng lúc. Có thể pha xử lý của Anh Đức là tình huống bóng hỏng và cơ hội đến với Việt Nam là may mắn. Nhưng không ai có thể phủ nhận được chất lượng kỹ thuật cá nhân, độ tinh tế của Công Phượng khi gặp thời cơ tốt.
Cú vẩy má ngoài nhanh gọn của ngôi sao trẻ được đàn anh Thành Lương gọi là “cầu thủ mà bất kỳ HLV nào cũng muốn có” đã mở nút thắt tâm lý cho cả khán giả lẫn cho các đồng đội của anh trên sân. Thế trận bắt đầu có lợi cho Việt Nam từ đó.
Ông Park lại đúng
Thực tế, chúng ta vẫn chưa có nhiều đường tấn công có mảng miếng, có bài rõ rệt. Nhưng đừng vì chuyện chưa có mảng miếng ấy mà cho rằng cuộc đối đầu với Malaysia không phải một trận cầu thành công về ý đồ chiến thuật.
Tiền đạo Công Phượng tỏa sáng ở trận thứ hai liên tiếp tại AFF Cup 2018. Ảnh: Thuận Thắng. |
Thực chất, lại một lần nữa HLV Park Hang-seo đoán đúng. Trước đó rất nhiều cựu cầu thủ và chuyên gia đoán rằng Malaysia sẽ chơi đội hình thấp, nhưng thực tế đối thủ lại đá dâng cao, lộ rõ ý đồ muốn có bàn thắng trước. Và Park Hang-seo đã “bắt bài” quá tốt để đối phó rất kịp thời.
Vẫn sử dụng cặp tiền vệ trung tâm không một ai thuần chất phòng ngự là Quang Hải và Xuân Trường, ông Park Hang-seo nắm rõ điểm yếu của Việt Nam sẽ nằm ở trung tuyến. Và việc Malaysia làm chủ được khu vực đó, rồi triển khai bóng tốt hơn là kết quả tất yếu của tương quan ấy.
Nhưng Việt Nam chơi thấp, kéo toàn bộ đội hình thành khối nhiều tầng chắn trước bóng để bảo vệ tốt phần sân nhà. Có thể nhận ra rất rõ khi không có bóng, tuyển Việt Nam chơi với đội hình 5-4-1 đúng nghĩa và điều đó gây khó khăn cho Malaysia rất nhiều.
Thêm vào đó, HLV Park Hang-seo phân công nhiệm vụ cho Đình Trọng rất rõ ràng là mỗi khi cặp Xuân Trường - Quang Hải cần hỗ trợ, chính Đình Trọng sẽ chủ động dâng lên tạo thành một tiền vệ trung tâm thứ 3.
Tất nhiên, kế hoạch ấy được thành công cũng nhờ một phần Malaysia tổ chức tấn công không sắc bén. Và khi Việt Nam có bàn nhờ cái duyên của Công Phượng, về tâm lý, chúng ta trở thành người làm chủ cuộc chơi dù rằng ta không cầm bóng nhiều hơn Malaysia.
Chủ trương lùi đội hình khi mất bóng để bổ khuyết cho điểm yếu phòng ngự của trung tâm hàng tiền vệ và sau đó tổ chức phản công nhanh là nước cờ rất tinh quái của Park Hang-seo.
Rút kinh nghiệm khi đối đầu Thái Lan
Và khi chúng ta có bàn thắng, việc Malaysia sa vào bẫy phản công ấy lại càng dễ dàng hơn và bàn thắng thứ hai chính là kết quả mà cái bẫy này mang lại. Hai đường chuyền trực diện mà trong đó cú chọc khe thông minh của Văn Đức để Anh Đức thoát xuống ghi bàn thể hiện rõ bài phản công nhanh và sắc bén mà Park Hang-seo đã hướng tới.
Rõ ràng, trước đòi hỏi của người hâm mộ, thậm chí là giới chuyên môn, về việc phải chơi cống hiến hơn trước những đối thủ ở khu vực chứ không phải phòng ngự phản công như đã từng chơi ở vòng chung kết U23 châu Á hay Asiad, việc ông Park vẫn kiên định với lựa chọn chơi chặt chẽ và phản công nhanh khi có cơ hội của mình là điểm cộng của ông.
Lão tướng Anh Đức ăn mừng bàn thắng ấn định chiến thắng 2-0 cho ĐT Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Chúng ta cần một HLV mang lại chiến thắng chứ không phải một “mậu dịch viên” chỉ biết làm đẹp lòng công chúng.
Có một tín hiệu mà chúng ta phải nhìn vào với sự lạc quan là khi HLV Park Hang-seo đưa Hùng Dũng vào sân và đẩy Quang Hải lên trên hàng công. Đó cũng là lúc Malaysia không còn làm chủ được trung tuyến nữa và đường vào khung thành của chúng ta cũng bị bịt kín hơn.
Rất có thể, ông Park còn giấu bài để khi cần và gặp đúng đối thủ, ông sẽ trả lại Quang Hải về hàng công như anh vẫn đã từng.
Nhưng nói gì thì nói, cũng phải rút ra bài học ở những điểm chúng ta chưa làm được. Malaysia, với Talaha và Rashid khá thường xuyên lùi về tuyến đệm giữa hàng công và hàng tiền vệ (between the lines), đã có những lúc gây khó khăn cho hàng thủ Việt Nam, đặc biệt là ở 70 phút đầu tiên của trận đấu.
Hãy nhớ, ở bán kết Asiad 2018 vừa rồi, cũng chính khu vực này (khoảng 20 - 30 m trước mặt thành) là khu vực mà chúng ta để dẫn đến những tình huống thua bàn cay đắng.
Và chúng ta cần phải xem đó là một kinh nghiệm tham chiếu bởi nếu gặp những đối thủ như Thái Lan, chắc chắn những khó khăn kia sẽ không chỉ dừng ở thách thức.
Đơn giản, khả năng dứt điểm và dàn xếp tấn công của Thái Lan tốt hơn Malaysia rất nhiều. Đó mới đối thủ chính mà chúng ta cần nhắm tới, nếu muốn lần thứ hai vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi.
11 cầu thủ đá chính của ĐT Việt Nam ở trận gặp Malaysia. Đồ họa: Minh Phúc. |