TV Plasma từng được xem là sản phẩm của tương lai, đủ sức thay thế vai trò thống trị của màn hình CRT cổ điển trên thị trường điện tử tiêu dùng. Tuy nhiên, dòng thiết bị này nhanh chóng tàn lụi trước sự cạnh tranh từ TV LCD, vốn sử dụng công nghệ bị đánh giá thấp hơn.
TV Plasma đã thua trong cuộc chiến với TV LCD dù có chất lượng hình ảnh vượt trội. Ảnh: Shutterstock. |
Cuối tháng 10/2014, CNN Business đăng bài viết nổi bật “Thế giới sắp hết TV Plasma”, tổng hợp lại những sự kiện xảy ra trong giai đoạn cuối cùng của dòng sản phẩm từng được xem là thế hệ TV tương lai.
Năm đó, hàng loạt ông lớn trong ngành điện tử tiêu dùng tuyên bố ngừng sản xuất TV Plasma, bao gồm Samsung và Panasonic. Hãng nghiên cứu thị trường IHS dự đoán khi các công ty bán hết lượng hàng tồn kho, thị trường Mỹ sẽ không còn chiếc TV Plasma nào trong mùa mua sắm cuối năm.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn sản xuất mặt hàng này, nhưng số lượng không lớn và họ không bán tại Mỹ, đồng thời cũng ngưng kinh doanh TV Plasma từ năm 2016.
Thế giới chia tay công nghệ màn hình Plasma, cho dù so với LCD - đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường TV tại thời điểm đó – nó mang lại chất lượng hình ảnh vượt trội hơn.
Cách thức hoạt động của TV Plasma
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của TV Plasma trên thị trường điện tử tiêu dùng, hãy nói về cách thức hoạt động của công nghệ này.
Tấm nền plasma chứa các túi khí hiếm nhỏ li ti (ô plasma), có khả năng phát sáng khi nguồn điện chạy qua. Mỗi ô tương ứng với một điểm ảnh trên màn hình.
Khi được kích thích bằng dòng điện, khí hiếm trong ô plasma bị ion hóa, phát ra tia UV không thể nhìn thấy bằng mắt thường, sau đó chiếu lên lớp phosphor, tạo ra ánh sáng. Mỗi điểm ảnh trên TV tương ứng với mỗi ô plasma, bên trong lại có 3 phần phủ phosphor khác nhau, sinh ra các màu cơ bản gồm đỏ, lục và lam. Chúng sẽ kết hợp lại để tạo ra mọi màu sắc theo yêu cầu của TV.
Hình ảnh tia UV do các khí trong ô plasma sinh ra khi bị điện ion hóa. Ảnh: Wikipedia. |
Do đó, về cơ bản TV Plasma tự phát xạ từ tấm nền mà không cần đèn chiếu. Điều này giúp nó có tỷ lệ tương phản vượt trội thông qua khả năng tắt từng pixel riêng lẻ để tạo ra màu đen sâu, mang đến chất lượng hình ảnh tốt hơn.
Bên cạnh đó, TV Plasma cũng có thời gian phản hồi nhanh, tốc độ làm tươi rất cao và góc nhìn rộng. Tất cả những ưu điểm này giúp nó chiếm ưu thế trên thị trường, đặc biệt là đối với nhóm người dùng ưu tiên chất lượng hình ảnh.
Điều gì đã xảy ra với TV Plasma
TV Plasma có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn chưa hoàn hảo. Thậm chí một số hạn chế có thể xem là “tử huyệt” đối với dòng sản phẩm này.
Trước tiên là độ sáng. Môi trường để trải nghiệm nội dung trên TV Plasma tốt nhất là không gian tối. Ngay cả những thiết bị tốt nhất cũng chỉ có độ sáng tối đa 100 nit. Để so sánh, TV LCD dùng đèn LED nền hiện đại có thể cung cấp độ sáng lên đến 1.000 nit, cao gấp 10 lần.
Tấm nền plasma cũng gặp hiện tượng lưu ảnh (vết hình ảnh trước đó vẫn còn hiển thị mờ trên màn hình). Tình trạng này có thể xảy ra tạm thời hoặc lâu dài. Khi công nghệ plasma phát triển hơn, khuyết điểm đó được khắc phục một phần.
TV Plasma có chất lượng hình ảnh vượt trội, song lại tồn tại nhiều hạn chế. Ảnh: CNN. |
Một nhược điểm khác của TV plasma là tiêu thụ điện năng và sinh nhiệt. Tấm nền cần rất nhiều năng lượng để hoạt động, do đó cần nhiều quạt bên trong để giữ cho chúng mát.
Và cuối cùng, mặc dù những chiếc TV này mỏng, nhẹ hơn TV CRT, chúng vẫn nặng và dày khá nhiều so với dòng máy dùng tấm nền LCD.
Trong giai đoạn đầu, TV Plasma vẫn là lựa chọn ưu tiên của khách hàng. Khi đó, các đối thủ TV LCD dùng đèn nền CCFL, có chung một số nhược điểm của Plasma, chẳng hạn như tiêu thụ điện nhiều và khung máy dày, trong khi chất lượng hình ảnh kém hơn.
Nhưng với sự ra đời của đèn nền LED, mọi thứ đã thay đổi. Các TV LCD có đèn nền LED (TV LED) mỏng hơn và cần ít năng lượng hơn để hoạt động. TV LED ban đầu xếp sau Plasma về chất lượng hình ảnh và góc nhìn. Tuy nhiên khi so sánh giữa ưu và nhược điểm, TV Plasma tỏ ra yếu thế hơn.
Sau đó, sự xuất hiện của TV OLED và 4K trên thị trường đã đặt dấu chấm hết cho TV Plasma. Các nhà sản xuất nhận ra phải đầu tư lớn để sản xuất TV Plasma 4K. Về mặt kinh tế, việc này không mang lại lợi nhuận. Thêm vào đó, TV OLED cung cấp hầu hết lợi thế về chất lượng hình ảnh của TV Plasma mà không có nhiều nhược điểm như công nghệ tấm nền cũ.
Đến năm 2014, các nhà sản xuất TV hầu như đã từ bỏ sản phẩm dùng tấm nền plasma, tập trung vào TV LCD có đèn nền LED và OLED. Cả 2 đã trở thành công nghệ màn hình TV chủ đạo trên thị trường tại thời điểm này.
Lựa chọn thay thế TV Plasma
TV OLED có những đặc điểm tương đồng và kế thừa những ưu điểm của TV Plasma. Tấm nền OLED cũng tự phát sáng mà không cần đèn nền, do đó, nó đạt đến tỷ lệ tương phản gần như vô hạn.
TV OLED có chất lượng hiển thị cao hơn, đồng thời khắc phục phần lớn khuyết điểm của TV Plasma. Ảnh: LG. |
TV Plasma có thể tạo ra màu đen sâu nhờ khả năng tắt các pixel riêng lẻ, tuy nhiên, tấm nền vẫn còn một chút điện tích, dẫn đến hiện tượng phát sáng. TV OLED không gặp phải tình trạng này nên màu đen hoàn hảo hơn.
Giống như TV plasma, OLED cũng cung cấp góc nhìn tuyệt vời và thời gian phản hồi nhanh. Thêm vào đó, chúng có thể sáng hơn rất nhiều và mỏng hơn đáng kể.
Đáng tiếc, hiện tượng lưu ảnh cũng là một vấn đề đối với TV OLED. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong công nghệ tấm nền OLED và các biện pháp bảo vệ tích hợp khác nhau trong TV, hiện tượng này không còn ảnh hưởng lớn đối với những người dùng.
Nhìn chung, nếu muốn nâng cấp từ TV Plasma, TV OLED là lựa chọn tốt nhất dành cho người dùng.
Một vấn đề đối với TV OLED là đắt hơn so với các TV LCD có đèn nền LED. Vì vậy, nếu bị hạn chế về ngân sách, bạn cũng có thể chọn lựa TV LCD.
Không giống như TV LCD ở thời đại plasma, các TV LCD hiện đại cung cấp tỷ lệ tương phản cao nhờ đèn nền Mini-LED và tính năng làm mờ cục bộ toàn mảng, đồng thời có thời gian phản hồi nhanh hơn.