Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cái chết làm rung chuyển Iran

Cái chết của hai cô gái trong quá trình tham gia biểu tình chống chính phủ đã gây rúng động Iran, khiến bất ổn xã hội tại đất nước này tiếp tục leo thang.

bieu tinh o Iran anh 1

Khi tình trạng bất ổn lan rộng khắp Iran, với nhiều phụ nữ trẻ đốt khăn trùm đầu, hai cô gái đã rời nhà để tham gia biểu tình, theo New York Times.

Đó là lần cuối cùng người thân nhìn thấy họ còn sống. Một gia đình liên tục tìm kiếm con gái của họ trong 10 ngày, đăng những lời kêu gọi đầy tuyệt vọng trên mạng xã hội. Gia đình còn lại thì phát hiện con gái họ đã qua đời vài giờ sau khi mất tích.

Hai cô gái đều cùng ở độ tuổi 16 - Nika Shakarami và Sarina Esmailzadeh - đã trở thành biểu tượng mới của cuộc biểu tình gây chấn động Iran trong một tháng qua. Đây là đợt bất ổn dân sự lớn và kéo dài nhất xảy ra ở nước này kể từ năm 2009.

Biểu tượng khiến cả nước sôi sục

Hình ảnh của họ xuất hiện trên áp phích và nhiều bức tường ở các thành phố trên khắp Iran, và tên của họ cũng xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình.

Nhiều phụ nữ đã tham gia nhiều cuộc biểu tình nổ ra gần một tháng trước ở Iran, bất chấp các cuộc đàn áp nhằm của lực lượng an ninh nước này.

Tổ chức Nhân quyền Iran có trụ sở tại Na Uy cho biết số dân thường thiệt mạng trong giai đoạn bất ổn này rơi vào khoảng ít nhất 201, Reuters đưa tin ngày 13/10.

bieu tinh o Iran anh 2

Sarina Esmailzadeh đã mất tích sau khi tham gia một cuộc biểu tình ở Karaj vào cuối tháng 9. Ảnh: Radio Zamaneh.

Các nhà chức trách cho biết khoảng 20 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng. Iran đã cáo buộc kẻ thù của họ, bao gồm cả Mỹ, đang kích động tình hình bất ổn.

Gia đình của hai cô gái và các nhóm hoạt động cáo buộc lực lượng an ninh Iran gây ra cái chết của họ. Điều đó xảy ra sau khi Nika và Sarina tham gia biểu tình vào cuối tháng 9. Trong khi đó, chính quyền Iran cho biết hai cô đã tự tử.

Nika và Sarina từng có cuộc sống vui vẻ, khi thường ca hát, nhảy múa và vui chơi cùng bạn bè, theo video họ chia sẻ. Sau cái chết, gương mặt của họ đã trở thành biểu tượng cho một cuộc biểu tình làm rung chuyển đất nước.

Việc những người trẻ tuổi như Nika và Sarina là trung tâm các cuộc biểu tình đã đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với giới cầm quyền Iran. Những người trẻ như họ có hiểu biết về công nghệ, và có hệ tư tưởng chính trị, tôn giáo khác biệt so với thế hệ trước.

Các nhà chức trách đã cố gắng trấn áp bằng nhiều biện pháp, bao gồm chặn một số nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như Instagram.

bieu tinh o Iran anh 3

Một bức ảnh của Nika trên mạng xã hội. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, những biện pháp này đã không mang lại hiệu quả. Các cuộc biểu tình đã lan rộng từ các đường phố đến khuôn viên trường học. Các nữ sinh trung học trên khắp Iran đã cởi bỏ khăn trùm đầu và có nhiều hành động phản đối chính quyền, theo những đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội.

Trước đó, Mahsa Amini, 22 tuổi, đã thiệt mạng hồi đầu tháng 9 sau khi bị cảnh sát đạo đức bắt giữ. Điều đó đã thổi bùng làn sóng biểu tình ở nước này.

Amini nhập viện và qua đời ngày 16/9, theo AFP. Cô đã bị bắt vì tội không tuân thủ đúng luật hijab, quy định phụ nữ phải trùm đầu.

Cảnh sát bác bỏ thông tin cho rằng Amini bị ngược đãi. Thay vào đó, họ tuyên bố cái chết của cô là do đau tim. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã cam kết điều tra vụ việc, AP đưa tin.

Số phận nghiệt ngã

Bốn ngày sau cái chết của Amini, Nika ra khỏi nhà để tham gia biểu tình trên đường phố Tehran. Nika sống với dì và làm việc bán thời gian tại một quán cà phê. Cô từng mơ ước được ra nước ngoài sau khi học trung học và yêu thích ca hát.

Nika mất tích vào đêm 20/9 ở một đại lộ trung tâm Tehran, nơi lực lượng an ninh đụng độ với người biểu tình. Mẹ cô cho biết cuộc điện thoại cuối cùng của Nika là vào trước lúc nửa đêm.

Gia đình đã tìm kiếm Nika trong các trung tâm giam giữ nhưng không thành công. Dì của cô, Atash Shakarami, đã đăng ảnh của Nika trên trang Instagram để được trợ giúp trong việc tìm kiếm cô.

Mười ngày sau, gia đình cô nhận được cuộc gọi từ chính quyền: Họ có thể đến nhận thi thể Nika ở một nhà xác tại trung tâm thành phố Tehran.

bieu tinh o Iran anh 4

Một chiếc môtô cảnh sát bốc cháy trong cuộc biểu tình sau cái chết của Mahsa Amini. Ảnh: Reuters.

Bà Nassrin Shakarami, mẹ của Nika, cho biết bà muốn công khai câu chuyện của con gái mình và bản thân đang sống trong “điều kiện khó khăn”. Theo lời bà, họ bị gây áp lực để phải im lặng về nguyên nhân cái chết của Nika.

Sau phản ứng dữ dội của dư luận, truyền hình nhà nước Iran đã chiếu đoạn video quay cảnh một phụ nữ trẻ mà họ khẳng định Nika đã bước vào một tòa nhà, và họ khẳng định cô đã nhảy xuống tự tử. Tuy nhiên, mẹ của cô cho rằng người phụ nữ trong video không phải là con gái bà.

Hai ngày sau khi Nika biến mất, Sarina Esmailzadeh tham gia biểu tình ở Karaj, một thành phố vệ tinh phía tây Tehran, nhiều nguồn tin cho biết.

Sarina học tại một trường chuyên ở Karaj. Bên cạnh đó, cô có một kênh YouTube chia sẻ về cuộc sống hàng ngày của một thiếu niên điển hình.

"Chúng ta cần niềm vui và sự vui vẻ, cần tinh thần tốt, cảm xúc tốt và năng lượng tốt. Nhưng để có tất cả những điều này, bạn cần phải có tự do”, Sarina nói trong một đoạn video.

Tại cuộc biểu tình, lực lượng an ninh đã bắt giữ Sarina và sử dụng bạo lực với cô, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế và Nhân quyền Iran. Cô đã được đưa đến bệnh viện, nhưng các bác sĩ trong phòng cấp cứu gần như không thể làm gì. Cô đã chảy máu đến chết.

Mẹ của Sarina nhận được điện thoại từ chính quyền vào khoảng nửa đêm để đến bệnh viện và xác định danh tính của con gái bà, theo các nguồn tin thân cận. Cha của Sarina mất khi cô còn nhỏ. Cô hiện sống với mẹ và anh trai. Tại bệnh viện, họ không được phép gặp Sarina.

Tại lễ tang ngày hôm sau, lực lượng an ninh đã đưa thi thể của Sarina, được quấn trong một tấm vải trắng, và cho phép người mẹ nhìn thoáng qua khuôn mặt con mình lần cuối. Tuy nhiên, bà đã nhận ra một vết thương trên trán của cô.

Cái chết nghiệt ngã của Sarina hoàn toàn trái ngược với cuộc sống vui tươi của cô.

“Còn gì tuyệt vời hơn khi được tự do. Kỳ thi đã hoàn thành, cảm giác thật tuyệt vời, tạm biệt”, Sarina cho biết trong một video sau khi kết thúc kỳ thi.

Nghị sĩ cắt tóc giữa Nghị viện châu Âu

Một thành viên người Thụy Điển của Nghị viện châu Âu bày tỏ ủng hộ đối với phụ nữ Iran bằng việc cắt tóc ngay trong bài phát biểu trước cơ quan này.

Người phụ nữ Iran bị bắt vì đi ăn mà không trùm khăn

Sự việc một người phụ nữ Iran bị bắt giữ vì đi ăn mà không đeo khăn trùm đầu tiếp tục gây phẫn nộ trên mạng xã hội nước này sau cái chết của Mahsa Amini.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm