Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết gây chấn động của cô gái Sri Lanka tại Nhật Bản

Tới Nhật Bản để thực hiện ước mơ nhưng Wishma Rathnayake đã chết một cách đau đớn. Cái chết của cô để lộ nhiều lỗ hổng về sự yếu kém trong hệ thống quản lý di trú của Nhật Bản.

Khi còn nhỏ, Wishma Rathnayake đã rất thích Oshin - bộ phim truyền hình Nhật Bản nổi tiếng những năm 1980 kể về cuộc đời của một cô gái nghèo vươn lên để trở thành chủ một chuỗi siêu thị Nhật Bản.

Rathnayake bắt đầu học tiếng Nhật với mong ước được chuyển đến Nhật Bản. Cô tốt nghiệp đại học, thuyết phục mẹ rằng cô có thể trở thành giáo viên tiếng Anh ở nước ngoài để kiếm tiền.

chet,  di tru,  nguoi nuoc ngoai,  nhap cu anh 1

Wishma Rathnayake tới Nhật Bản để thực hiện ước mơ nhưng mãi vẫn là một ước mơ dang dở. Ảnh: CNN.

Năm 2017, gia đình đã thế chấp căn nhà để Rathnayake từ Sri Lanka đến Narita, ngoại ô Tokyo, Nhật Bản, theo diện du học.

Nhưng vào ngày 6/3, cô ấy qua đời ở tuổi 33, khi đã quá hạn visa, trong một trung tâm giam giữ người nhập cư tại Nhật Bản.

Trường hợp của Rathnayake đã làm dấy lên tranh cãi về quy tắc ứng xử với người nước ngoài tại Nhật Bản, nơi có 27 người nhập cư bị giam giữ đã chết từ năm 1997.

Cái chết của cô gái Sri Lanka đã cho thấy sự thiếu minh bạch trong một hệ thống quản lý người nước ngoài yếu kém từ lâu tại Nhật Bản, theo CNN.

Giấc mơ dang dở

Rathnayake mới 29 tuổi khi đến Narita, trang Facebook của cô tràn ngập hình ảnh du lịch và những người bạn mới. Từ Sri Lanka, các em gái của cô, Wayomi và Poornima, đều thấy yên tâm với cuộc sống của chị mình.

Điều mà họ không biết là Rathnayake đã nghỉ học và bị đuổi học vào tháng 5/2018. Sau đó, cô làm việc trong một nhà máy trước khi xin tị nạn vào tháng 9/2018. Yêu cầu của cô bị từ chối vào tháng 1/2019, và từ đó cô bị coi là một người nhập cư bất hợp pháp.

chet,  di tru,  nguoi nuoc ngoai,  nhap cu anh 2

Wishma Rathnayake (giữa) cùng hai em gái Poornima Rathnayake (trái) và Wayomi Rathnayake (phải). Ảnh: CNN.

Các cuộc gọi về nhà thưa dần. Tháng 8/2020, Rathnayake tới một đồn cảnh sát ở quận Shizuoka xin giúp đỡ để thoát khỏi người bạn trai của mình.

Rathnayake nói rằng visa của cô đã hết hạn, cô muốn đến Cục Di trú Nagoya nhưng không có đủ tiền để đến đó, theo lời ông Yasunori Matsui, Giám đốc của START, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ công dân nước ngoài bị giam giữ tại Nhật Bản.

Ban đầu, Rathnayake đồng ý quay về Sri Lanka, nhưng cô đã thay đổi sau khi bị người bạn trai viết thư hăm dọa sẽ truy tìm và tấn công nếu cô có ý định đó.

Gia đình Rathnayake không ai biết điều này. Vào tháng 3, Đại sứ quán Sri Lanka ở Tokyo gọi điện thông báo về gia đình rằng Rathnayake đã chết.

Gia đình đã yêu cầu được cung cấp báo cáo và hình ảnh bằng chứng, nhưng không được hồi đáp. Tháng 5, hai người em gái của Rathnayake đến Nhật Bản để xác minh nguyên nhân cái chết.

Họ thấy thi thể Rathnayake nằm trong quan tài ở Nagoya. Trong 7 tháng bị giam giữ, cô đã sụt 20 kg, nên rất khó nhận ra. Họ muốn xem đoạn video quay lại những tuần cuối cùng của chị gái trong thời gian bị giam giữ, nhưng đã bị từ chối.

Một hệ thống bị buông lỏng

Trong vòng 3 tháng, 2 cô gái và nhóm luật sư đã cùng nhau kêu gọi, yêu cầu công bố video.

Lời kêu gọi của họ đã được những người ủng hộ và các chính trị gia ủng hộ quyền của công dân nước ngoài ở Nhật Bản hưởng ứng.

chet,  di tru,  nguoi nuoc ngoai,  nhap cu anh 3

Cuộc tuần hành phản đối luật kiểm soát nhập cư và công nhận người tị nạn diễn ra ở Tokyo hôm 16/5. Ảnh: CNN.

Vào thời điểm đó, các nhà lập pháp Nhật Bản đang thảo luận về một dự luật sửa đổi các quy định về quản lý người nhập cư bị giam giữ, gồm các điều khoản trục xuất họ sau hai lần bảo lãnh thất bại.

Mục đích của dự luật là giảm số lượng người nhập cư trong các trung tâm giam giữ, vốn đã tăng lên 1.054 người vào năm 2020, theo dữ liệu từ Cơ quan Di trú Nhật Bản.

Nhưng các nhóm nhân quyền, trong đó có nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc, cho rằng dự luật mới sẽ vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Ví dụ, điều khoản về trục xuất có thể vi phạm nguyên tắc trả lại người tị nạn cho một quốc gia mà họ có nguy cơ bị khủng bố.

Sau đó, dự luật này đã bị bãi bỏ.

Năm 2018, các nhà lập pháp đã thông qua một chính sách, tạo ra các loại thị thực mới, cho phép khoảng 340.000 lao động nước ngoài được làm các công việc tay nghề cao và các công việc lương thấp.

Mới đây, chính phủ Nhật Bản cho phép lao động nước ngoài có tay nghề cao ở lại vô thời hạn, kể từ đầu năm 2022.

Nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản còn một chặng đường dài phía trước, và cái chết của Rathnayake vẫn là "nút thắt" cần giải quyết trong vấn đề nhập cư.

Sanae Fujita, một nhà nghiên cứu tại Khoa Luật, Đại học Essex, cho rằng vấn đề nằm ở cơ quan quản lý di trú của Nhật Bản đã nắm toàn bộ quyền lực trong tay, không ai chịu trách nhiệm, không có sự tham gia của tòa án, khác với các quốc gia khác.

Fujita cho rằng cái chết của Rathnayake có thể tránh được, nếu chính phủ Nhật Bản lắng nghe thông điệp về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Người phát ngôn của Cơ quan Dịch vụ Di trú từ chối bình luận về những tuyên bố của Fujita.

Bị đối xử tệ

Vào tháng 8, một báo cáo do Cơ quan Dịch vụ Di trú Nhật Bản thực hiện, với sự tham gia của các chuyên gia y tế, cho thấy Cục Di trú Nagoya đã lơ là trong việc chăm sóc y tế cho Rathnayake.

chet,  di tru,  nguoi nuoc ngoai,  nhap cu anh 4

Gia đình Wishma Rathnayake tham dự một phiên họp của Hạ viện Nhật Bản ở Tokyo, ngày 18/5. Ảnh: CNN.

Những người đứng đầu của trung tâm đã bị khiển trách. Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản và người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Di trú đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về cái chết của cô.

Hai người em của Rathnayake đã được phép xem một đoạn video đã được chỉnh sửa, ghi lại cảnh 2 tuần bị giam giữ cuối cùng của Rathnayake. Họ chỉ được xem một nửa đoạn video.

Đoạn video khiến Poornima Rathnayake thấy ghê sợ. Còn Wayomi Rathnayake nói với phóng viên rằng chị gái cô ngã khỏi giường, còn bảo vệ phòng giam cười cợt khi thấy sữa trào ra từ lỗ mũi của Wishma.

"Trong video, bảo vệ phòng giam nói Wishma tự đứng dậy. Chị ấy liên tục xin giúp đỡ nhưng không ai trả lời, họ chỉ tới khi yêu cầu chị ấy quay lại giường. Chị ấy đã cố gắng kêu cứu, nhưng bị phớt lờ", Wayomi Rathnayake nói.

Một số phần trong đoạn video đã bị can thiệp, cho thấy nhà chức trách đang che giấu sự thật. Tới tận tháng 10, hai chị em mới được xem đoạn video gốc có thời lượng dài hơn.

Trong đoạn video, nhân viên đang cố gắng cho Rathnayake ăn, mặc dù cô bị nôn ói. Một ngày trước khi cô chết, họ không hề gọi cấp cứu.

Báo cáo của Cơ quan Dịch vụ Di trú cho thấy Rathnayake có phản ánh về chứng đau dạ dày và các triệu chứng khác trước khi qua đời. Trước đó, cô đã được khám bệnh tổng quát.

Vào tháng 1 và tháng 2, Matsui đã liên tục yêu cầu các nhà chức trách đưa Rathnayake đến bệnh viện hoặc trả tự do tạm thời để cô ấy được đến bệnh viện. Nhưng tất cả đều bị từ chối mà không có lý do.

Những bước tiến nhỏ

Tháng trước, chị em nhà Rathnayake đã đệ đơn tố cáo các lãnh đạo cấp cao tại Cục Di trú Nagoya cố ý sơ suất gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Oie, luật sư của gia đình, cuộc điều tra trước đó đã phát hiện ra những khiếm khuyết trong hệ thống, nhưng không xác định được nguyên nhân cái chết và người chịu trách nhiệm.

Cho đến nay, hành trình đòi công lý của gia đình đã có những chiến thắng nhỏ.

Yoichi Kinoshita, cựu cán bộ nhập cư cho biết: “Đây là lần đầu tiên cơ quan di trú cho phép một gia đình xem video và người đứng đầu cơ quan di trú công khai xin lỗi".

Ông cũng cho rằng cần phải có sự giám sát mạnh mẽ từ phía tòa án khi Cơ quan di trú đang toàn quyền kiểm soát mọi thứ, từ visa, việc giam giữ, trục xuất và việc trả tự do tạm thời cho họ.

Cơ quan Dịch vụ Di trú đã đề xuất một số thay đổi sau cái chết của Rathnayake. Trong báo cáo tháng 8, họ sẽ tăng cường dịch vụ chăm sóc y tế tại các cơ sở giam giữ người nhập cư, cho phép người bị bệnh được tạm thời trả tự do và trình bày kế hoạch đánh giá hành vi của các nhân viên.

Đối với nhà Rathnayake, sự việc này đã tạo áp lực tinh thần quá lớn.

Wayomi Rathnayake đã trở về Sri Lanka vào cuối tháng 10 do căng thẳng tâm lý sau khi xem đoạn video. Nhưng Poornima Rathnayake vẫn ở lại Nhật Bản, tiếp tục chiến đấu giành công lý.

"Chúng tôi muốn người phải chịu trách nhiệm với cái chết của Wishma phải bước ra và hy vọng điều này không bao giờ xảy ra thêm với ai nữa", cô nói.

Dòng người nhập cư thay máu Nhật Bản giữa 'cỗ máy tận thế kinh tế'

Đối mặt khoảng trống lớn trong lực lượng lao động do dân số già hóa, Nhật Bản đang thực hiện những bước đi lịch sử để hạ thấp rào cản với người nước ngoài ở nơi vốn chống nhập cư.

Bảo Châu

Bạn có thể quan tâm