UBND Hà Nội vừa quyết định thay thế hàng trăm cây phong lá đỏ trên dải phân cách tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. |
Những cây này được trồng thử nghiệm từ tháng 1/2018. Trong đó, có 119 cây ở đường Nguyễn Chí Thanh và tuyến Trần Duy Hưng có 143 cây. |
Được kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng Hà Nội, thế nhưng, sau 3 năm hàng cây phong luôn trong tình trạng khô héo, trơ trụi. |
Theo ghi nhận của Zing ngày 5/4, nhiều cây có biểu hiện chết khô. |
Các cây sinh trưởng tốt hơn thì ra lá màu nửa xanh, nửa vàng, thiếu sức sống. Theo thống kê, 45 cây đã chết, 217 cây còn lại sinh trưởng kém. |
Nhiều cành cây khô héo, chỉ cần tác động nhẹ cũng có thể gãy rụng. |
Trao đổi với Zing, ông Lê Huy Cường, chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, đánh giá đặc tính của cây phong lá đỏ không phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam và đặc biệt là khu vực đô thị như Hà Nội. |
Ở những quốc gia ôn đới, vào mùa thu, lá cây phong chuyển màu đỏ hoặc cam rồi rụng khi đông đến. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong 3 mùa thu đã qua, hàng phong này luôn trong tình trạng chưa kịp chuyển đỏ đã khô héo. |
Theo bà Lê Thị Tám, người dân tại số 91 đường Nguyễn Chí Thanh, cứ vài tháng các công nhân lại nhổ bỏ một số cây chết. “Mấy cây này chỉ ra vài lá xanh rồi cứ thế lụi đi, rất mất mỹ quan mà chẳng đem lại bóng mát”, bà nói. |
Trước đó, tại một hội thảo về cây xanh, hồ nước đầu năm 2018, Chủ tịch UBND Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Đức Chung cho rằng khoảng một năm sau khi trồng, thành phố hoàn toàn có thể “nhiệt đới hóa” được giống cây phong và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu. |
Về phương án thay thế, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất trồng cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây 10-15 cm, cao 6-8 m, hoặc trồng đan xen giữa bàng lá nhỏ và cọ dầu đường kính 40-60 cm, cao khoảng 2 m. Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến trồng cây mới trong tháng 4 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. |
Bình luận