Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết của khẩu súng đáng sợ nhất thế giới

Tháng 6 vừa qua, trang web của TrackingPoint đăng một thông báo nêu rõ: "Do khó khăn tài chính, TrackingPoint sẽ không nhận thêm đơn đặt hàng mới".

1
Súng TrackingPoint được đánh giá có thể giúp ngay cả những kẻ tay mơ cũng bắn chính xác, nhưng rốt cục đã không thành công về thương mại.

Tháng 6 vừa qua, trang web của TrackingPoint đăng một thông báo nêu rõ: "Do khó khăn tài chính, TrackingPoint sẽ không nhận thêm đơn đặt hàng mới". Đây chính là công ty từng khiến báo chí xôn xao hồi năm 2013 khi tuyên bố áp dụng các công nghệ của "máy bay chiến đấu" trên súng trường, nhằm tạo ra thứ vũ khí không bao giờ bắn trượt mục tiêu.

Khẩu súng bách phát bách trúng

Câu chuyện về sự ra đời của TrackingPoint hết sức đặc biệt. Trong một lần đi săn, John McHale - doanh nhân đứng sau công ty TrackingPoint - đã bắn trượt một con linh dương ở cự ly 300 m.

Bực bội vì điều đó, McHale quyết định tạo nên một khẩu súng công nghệ cao. Đã sẵn giàu có nhờ đầu tư sớm vào ngành viễn thông và Internet, McHale không thiếu tiền để đầu tư. Ông tập hợp các chuyên gia trên khắp thế giới để tạo ra khẩu súng không thể bắn trượt.

Tới đầu năm 2013, TrackingPoint đã là cái tên ăn khách, ít nhất ở trên mặt báo. Không ít tờ báo Mỹ gọi đây là khẩu súng đáng sợ nhất thế giới.

Quả thực, khẩu súng đầu tiên mà công ty tung ra giới thiệu rất ấn tượng. Nó có màu đen tuyền, kết nối được với Internet, truyền video trực tiếp, bắn chính xác. Sự thực là nó giống như vũ khí của tương lai được đưa về hiện tại. 

Hệ thống của TrackingPoint gồm một màn hình video (xạ thủ có thể không cần nhìn trực tiếp qua ống ngắm mà xem qua màn hình này). Nó có một thiết bị đo cự ly tới mục tiêu bằng laser, bên cạnh các thiết bị khác để thu thập thông số về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, độ loãng của không khí, tốc độ di chuyển của mục tiêu...

Máy tính của hệ thống sẽ tổng hợp tất cả dữ liệu, kết hợp với thông tin đạn đạo đã lưu trữ sẵn bên trong nó để tính toán một đường bắn chính xác.

Khi bắn, xạ thủ "đánh dấu" mục tiêu, bằng một nút đỏ nằm cạnh cò súng. Máy tính sẽ tính toán và hướng dẫn xạ thủ điều chỉnh súng (như sang trái, phải, hướng lên trên, xuống dưới), sao cho khớp với điểm đánh dấu. Một điểm thú vị là TrackingPoint đã kết hợp cò súng với hệ thống ngắm nên khi ai đó kéo cò, khẩu súng sẽ không khai hỏa cho tới khi tâm ngắm khớp với điểm đánh dấu.

8 vũ khí giúp Mỹ khẳng định vị thế siêu cường

Vũ khí laser trong không gian, máy bay không người lái có trí thông minh nhân tạo là 2 trong số những vũ khí tương lai giúp Mỹ củng cố vị thế cường quốc quân sự số một thế giới.

Ế hàng vì giá "cắt cổ" 

1
Với màu đen tuyền, hình dáng hiện đại, được trang bị nhiều công nghệ cao, súng của TrackingPoint như được đưa về từ tương lai.
Trong hoạt động bắn tỉa truyền thống, xạ thủ phải học cách thở bình thường và tạo áp lực vừa phải lên cò súng, để nó khai hỏa đúng thời điểm chính xác. Mọi rung động nhỏ nhất, kể cả nhịp tim đập, cũng có thể khiến khẩu súng rung lên và bắn chệch mục tiêu nằm ở khoảng cách lớn.

Nhưng với súng của TrackingPoint, về mặt lý thuyết, các vấn đề trên đã không còn gây ảnh hưởng nữa. Máy móc đã hạn chế tối đa sai sót. Vì thế một tay nghiệp dư cũng có thể dùng khẩu súng để bắn hạ một mục tiêu nằm cách đó tới 10 sân bóng mà không cần phải qua huấn luyện quá nhiều.

Bryce Towsley - một chuyên gia về súng và kính ngắm, thường viết bài cho tờ American Rifleman - đã bị sốc trước khả năng của súng TrackingPoint. Ông nói rằng đã đưa đứa cháu trai 15 tuổi tới thử khẩu súng và cậu bé bắn trúng đích quá dễ dàng, khiến ông kinh ngạc.

Bất chấp việc mẹ đẻ là người chống súng đạn, bản thân không có kinh nghiệm bắn tỉa, cậu bé chẳng gặp vấn đề gì khi hạ các mục tiêu ở cự ly 300 mét. "Chú Bryce à, chuyện thật dễ dàng, như chơi game vậy" - cậu nói sau cuộc thử nghiệm.

Song hành cùng những lời ca ngợi là nỗi sợ khẩu súng có thể rơi vào tay khủng bố, những kẻ giết người hàng loạt và gây họa. McHale đã chống lại những chỉ trích, nói rằng giá tiền cao là một rào cản hiệu quả.

Quả thực, súng của TrackingPoint có giá vô cùng đắt đỏ. Mỗi khẩu súng bắn tỉa được bán với giá từ 22.500 - 27.500 USD. Đây là số tiền cao quá mức, khi mà chỉ một lượng nhỏ người sở hữu súng ở Mỹ mê vũ khí với tầm bắn cực xa. Ngay cả khi những người này quyết định bỏ ra số tiền lớn, ngang với việc tậu một chiếc xe hơi mới cáu cạnh để mua hệ thống của TrackingPoint, con số khách hàng vẫn là rất bé. 

Đầu năm 2014, Tracking Point đã cố tìm cách mở rộng đối tượng khách hàng, khi giới thiệu những khẩu AR-15 gắn hệ thống hỗ trợ ngắm bắn điện tử. Các khẩu súng này được quảng cáo là có thể khóa, bắn trúng mục tiêu đang di chuyển từ cự ly xa tới 500 mét.

Nhưng một lần nữa, có rất ít khách hàng quan tâm mua sản phẩm, đơn giản bởi mức giá "cắt cổ", lên tới 9.950 USD mỗi khẩu.

Có tin nói công ty còn có kế hoạch bán súng cho những người thợ săn. Nhưng săn bắn thường được xem như một hoạt động thể thao cao quý, nên hệ thống hỗ trợ bắn chính xác này chẳng khác gì việc lừa đảo. Một cựu nhân viên công ty nói rằng các thợ săn thực thụ, những người yêu săn bắn và dành nhiều thời gian cho hoạt động này, đều rất căm ghét TrackingPoint.

Cái chết được dự báo trước

Không thành công trong việc mời chào người mua dân sự, TrackingPoint tìm cách ve vãn quân đội. Bản thân quân đội Mỹ cũng công khai cho biết họ đang thử nghiệm hệ thống của TrackingPoint. Nhưng điều đáng buồn là lâu nay, quân đội Mỹ đã có các chương trình hỗ trợ ngắm bắn tương tự và còn hiện đại hơn thế.

Ví dụ năm 2007, Cơ quan quản lý các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) đã cấp vốn cho Lockheed Martin phát triển thiết bị tự động tính toán tốc độ gió và các yếu tố khác cho người lính bắn tỉa, trong chương trình mang tên "One-Shot".

Năm 2008, Lockheed Martin đã mua lại công ty chuyên về laser là Aculight để sản xuất hệ thống này. Lockheed tuyên bố rằng ngày nào đó, một người lính bắn tỉa, sử dụng hệ thống của họ, sẽ chẳng cần quan tâm tới các yếu tố như khoảng cách của mục tiêu, tốc độ, hướng gió, độ ẩm không khí... bởi tất cả đều đã được máy tính lo liệu.

Lockheed Martin còn tối ưu hóa các công nghệ quang học, đã được nhiều công ty tư nhân phát triển cho máy ảnh và các ống kính thương mại khác, để giúp lính bắn tỉa tiêu diệt mục tiêu nằm ở khoảng cách rất xa. Công ty cũng dùng công nghệ họ tạo ra cùng chương trình One-Shot để tạo ra loại kính ngắm có tên "Dynamic Image Gun Sight Optic" (DInGO) nhằm giúp người lính bắn chuẩn xác hơn ở cự ly từ 3.000 - 6.000 m.

4 loại súng nổi tiếng vì khả năng hại chủ

Súng Glisenti M1910 từng khiến quân đội Italy thua nhiều trận quan trọng, còn khóa an toàn của một súng ngắn do Nhật chế tạo tệ đến nỗi người sử dụng có thể gặp họa khi nạp đạn.


Ngoài ra, DARPA nói rằng họ đã thử nghiệm thành công các loại đạn tự lái dùng cho súng bắn đạn 12,7 mm. Cụ thể, chương trình EXACTO của DARPA cho ra đời loại đạn có thể tự điều chỉnh đường bay trong khi lao tới mục tiêu và sẽ tiêu diệt chính xác mục tiêu này.

Những điều kể trên đã khiến TrackingPoint không còn lại lợi thế cạnh tranh nào cả. Có giai đoạn, công ty đạt được thỏa thuận với hãng Remington nhằm sản xuất súng thông minh trong dự án mang tên Remington 2020. Tuy nhiên vụ việc đã trở thành bê bối lớn, khi TrackingPoint gửi đi những ống kính hỗ trợ ngắm bắn bị lỗi và chưa hoàn thiện.

"Các ống kính đó có nhiều lỗi liên quan tới hoạt động sản xuất" - một nhân vật từng ngồi ghế phó chủ tịch công ty nói với trang tin Vice - "nhưng họ vẫn chuyển hàng đi". Ông này nói rằng, cứ mỗi 100 ống kính TrackingPoint chuyển qua Remington, có tới 40 chiếc bị xem là lỗi.

Cựu nhân viên TrackingPoint nói rằng, thiết bị hỗ trợ ngắm gây ra nhiều vấn đề hơn là giá trị mà nó mang lại. Các kỹ sư của công ty dành nhiều thời gian để lắp ráp, sửa chữa thiết bị này hơn mọi linh kiện khác trong khẩu súng. Điều tệ hại là nếu thiết bị không hoạt động, người ta chẳng thể nổ súng.

Tất cả những yếu tố đó khiến cái chết của công ty đến như một lẽ dĩ nhiên. Điều khiến người ta tiếc nuối là TrackingPoint đã có rất nhiều tiềm năng, nhưng rốt cục lại không thành công như kỳ vọng. 

13 vũ khí hiệu quả nhất của Mỹ

Súng máy đa năng M2 Browning của Mỹ có thời gian sử dụng gần 100 năm trong khi bom thông minh JDAM hay pháo tự hành Paladin đã chứng minh tính hiệu quả và chi phí nơi chiến trường.

Những số liệu đáng sợ về súng

Khoảng một tỷ khẩu súng đang được sử dụng trên thế giới trong khi súng lục là hung khí giết người nhiều nhất.

http://laodong.com.vn/vu-khi/cai-chet-cua-khau-sung-dang-so-nhat-the-gioi-349658.bld

Theo Hương Giang/Lao Động

Bạn có thể quan tâm