Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết của game show Việt trên mạng

Nhiều game show có nội dung phản cảm buộc phải dừng sản xuất sau khi nhận phản ứng từ truyền thông và khán giả.

Cặp vợ chồng chênh lệch 20 tuổi thản nhiên kể chuyện giường chiếu và hành trình từ bố con nuôi trở thành vợ chồng trong Vợ chồng son hay cuộc cãi vã ở Giải mã kỳ tài, bên nói đối phương “ngu”, bên ám chỉ người kia “hạ đẳng”… là những ồn ào mới nhất của game show Việt, nhận phản ứng từ truyền thông và dư luận.

Song, có một thực tế là những scandal này đều đến từ những bản đăng trên mạng của game show.

Những hình ảnh, nội dung bị chỉ trích mới đây tiếp tục nối dài những sạn bẩn của game show đăng trên mạng. Nhưng liệu những game show tràn ngập sạn bẩn, dù đạt lượt xem cao trước mắt nhưng liệu có thể chinh phục công chúng lâu dài?

san ban game show se chet anh 1

Chương trình Vợ chồng son tập 351 bản trên mạng bị phản ứng.

Những cái chết của game show “bẩn”

Date & Kiss được thực hiện dựa theo nội dung của MBC Holding Japan, ra mắt Việt Nam vào năm 2018, trong bối cảnh game show hẹn hò bùng nổ ở cả truyền hình lẫn trên mạng.

Date & Kiss vốn được giới thiệu như một góc nhìn mới trong cách bày tỏ tình cảm của người trẻ. Mỗi tập có sự tham gia của nhân vật chính và hai ứng viên (một nam hai nữ, hoặc một nữ hai nam). Người chơi lựa chọn đối tượng hẹn hò sau khi hôn và đụng chạm thân thể các ứng viên.

Nhưng ngay sau 2 tập đầu lên sóng, chương trình nhận phản ứng lớn từ giới truyền thông lẫn khán giả.

Cả hai vòng trong mỗi tập của chương trình này đều có những cảnh hôn. Cùng với hôn, thậm chí có cả những động chạm cơ thể nhạy cảm. Trong một tập, người chơi được dùng rượu để tăng sự kích thích trong thử thách phòng tối.

Sau khi tiếp nhận những phản ánh tiêu cực từ khán giả về chương trình Date and Kiss, phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó đã phối hợp với nhiều ban ngành để tiến hành điều tra, xác minh đơn vị sản xuất game show Date & Kiss.

Ông Ngô Văn Toàn, trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng nhận định: "Chương trình này đi ngược với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam. Việc phát tán các video này trên mạng ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, tư tưởng của giới trẻ hiện nay".

Song, không đợi đến quyết định của cơ quản quản lý, đơn vị sản xuất Date & kiss chủ động thông báo trên YouTube về việc ngừng sản xuất chương trình.

"Chúng tôi lấy làm tiếc vì những phiền phức đã gây ra cho quý vị khán giả và người tham gia do những khác biệt về văn hóa. Chúng tôi tuyên bố ngưng sản xuất và rút hết các video từng đăng trên kênh Date and Kiss và cam kết không phát lại trên bất cứ kênh YouTube hoặc phương tiện truyền thông nào khác. Chúng tôi yêu cầu tất cả kênh YouTube và Facebook hay các platform khác ngưng việc đăng tải lại, phát tán chương trình này. Phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu vẫn cố ý đăng tải lại các video này", nhà sản xuất game show Date & kiss thông báo.

san ban game show se chet anh 2

Thông báo dừng sản xuất của Date & kiss.

Cách làm của Date & kiss được giới truyền thống đánh giá là cầu thị do chương trình dừng sản xuất chỉ sau 2 tập lên sóng.

Trong khi, Dare Pong – một chương trình khác cũng lên sóng năm 2018 cũng bị phản ứng gay gắt với những hình ảnh như nhân vật nam dùng răng cởi đồ nhân vật nữ, ăn thức ăn trên cơ thể…

Tuy nhiên, Dare Pong vẫn thực hiện hết mùa với nhiều số liên tiếp. Và sau đó vẫn làm tiếp mùa hai.

Dare Pong chỉ dừng lại sau phản ứng mạnh mẽ của báo giới và lượt xem cũng giảm dần. Theo một số nguồn tin, nhà sản xuất chương trình này chưa có kế hoạch làm mùa mới.

"Tiền tươi thóc thật" nhưng dễ bị khán giả quay lưng

Thực trạng game show vừa phát truyền hình vừa đăng trên mạng, được giới trong nghề nhận định là một hình thức kiếm tiền.

Chuyên viên quảng cáo Kim Cang cho Zing biết tập 351 của Vợ chồng son, gây nhiều tranh cãi khi đăng lên mạng, với 1,4 triệu lượt xem có thể thu về ít nhất 40 triệu đồng. Mức thu này sẽ tăng lên với cùng với lượt xem qua thời gian.

“Tiền tươi thóc thật” này cũng được cho là lý do khiến một số game show hiện nay thậm chí chỉ đăng trên mạng thay vì kết hợp phát sóng với đài truyền hình.

Song, cách kiếm tiền cũng dẫn đến những lỗ hổng trong khâu quản lý nội dung. Nhiều game show, trong cuộc chiến về lượt xem đã đăng tải nhiều nội dung phản cảm, gây tranh cãi, nhằm câu kéo khéo giả.

san ban game show se chet anh 3

Phim hài Tết bị quay lưng sau thời gian ngập tràn cảnh nóng dung tục, phản cảm.

Trước game show, cuộc đua của thị trường giải trí trên mạng cũng từng ồn ào với nhiều loại hình khác, như web drama hay phim hài Tết.

Không chỉ những game show như Date & kiss hay Dare Pong, những cảnh dung tục, phản cảm, khoe thân cũng từng tràn ngập ở phim hài Tết suốt nhiều năm. Đơn cử như trường hợp phim Bản nhiều vợ.

Bản nhiều vợ là bộ phim từng nhận nhiều phản ứng trái chiều vì nhiều cảnh nóng trong dịp Tết 2019. Phim có 4 cô gái mặc trang phục hở hang từ đầu tới cuối phim. Quang Tèo, Chiến Thắng – hai nam chính trong phim này cũng có nhiều cảnh bị nhận xét là dung tục.

Dự án từng được cho là có thể phát triển thành series như Làng ế vợ. Song, sau những nhận xét của báo chí và dư luận, đồng thời cũng không thu hút được khán giả, phim đã dừng sản xuất.

Tương tự Bản nhiều vợ, Làng ế vợ từng gây tranh cãi suốt nhiều năm vì cảnh nóng. Nhưng dịp Tết 2020 vừa qua, Trần Bình Trọng cũng quyết định dừng sản xuất sau 10 năm liên tiếp thực hiện.

Những bộ phim khác như Tỷ phú đè đại gia vốn bị đánh giá như “phim khiêu dâm”, trở thành nỗi ngao ngán của không chỉ khán giả yêu mến phim hài Tết mà còn với chính giới trong nghề, cũng đã dừng sản xuất.

Sau thời gian lạm dụng nội dung câu khách, nhận phản ứng của dư luận và lượt xem giảm dần, theo quan sát của Zing, dịp Tết 2020, phim hài Tết hoàn toàn vắng bóng cảnh nóng khoe thân, dung tục và những lời thoại nhạy cảm.

Cái chết của nhiều phim hài Tết dung tục khiến thị trường phim hài Tết chiếu mạng năm nay được nhận xét là sạch sẽ hơn. Song, như chính nhiều đạo diễn khẳng định, phim hài Tết năm nay có lượt xem không cao do phải trả giá cho hậu quả một thời gian dài đánh mất khán giả bằng cảnh nóng.

Web drama giang hồ, bạo lực thoái trào

Đầu năm 2019, Zing phản ánh về sự bùng nổ của web drama (phim trực tuyến) về chủ đề giang hồ, bạo lực. Theo đó, hàng loạt nghệ sĩ đăng những sản phẩm khai thác chủ đề xã hội đen, "dân chơi", thế giới ngầm trên kênh riêng.

Những sản phẩm có thể kể đến như Thập tam muội, Vi cá tiền truyện, Thập tứ cô nương, Giang hồ chợ mới tiền truyện... Ngoài web drama, hình ảnh giang hồ cũng từng phủ ngập nhiều phim ca nhạc như Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ (Ưng Hoàng Phúc), Người trong giang hồ (Lâm Chấn Khang), Thiếu niên ra giang hồ (Hồ Quang Hiếu),...

Sự bùng nổ này nhận không ít phản ứng của giới chuyên môn, báo chí và một bộ phận khán giả. Đến cuối năm 2019, theo quan sát của Zing, web drama giang hồ bắt đầu chững lại và gần như "chết" hẳn khi bước sang năm 2020.

Dù hướng khai thác nội dung này thoái trào nhưng cũng đặt ra thách thức trong kiểm duyệt phim trên mạng. Trong hội thảo "Lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh" năm 2019, bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Điện ảnh - có tham luận nhận vài năm qua việc quản lý các web drama còn lỏng lẻo. Hầu hết web drama hiện chỉ tuân theo quy định của Youtube về nội dung chứ không chịu kiểm duyệt từ Cục Điện ảnh. Cơ quan chức năng quản lý nội dung trên Youtube chủ yếu theo cách kiểm tra sau khi video đã đăng. Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ nêu:

"Việc phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan".

Thực tế cũng rất ít trường hợp bị phạt vì nội dung phản cảm trên mạng. Năm 2014, ê-kíp phim Căn hộ 69 bị phạt 10 triệu đồng do "chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng". Sau đó, đạo diễn Nam Cito quyết định ngừng chiếu tác phẩm trên YouTube.

Nhiều ý kiến cho rằng dù vấn đề quản lý nội dung trên mạng vẫn là thách thức lớn. Song, thực tế, sự phản ứng, quay lưng của dư luận với những nội dung bẩn vẫn là sức mạnh lớn nhất.

Nói như diễn viên, nhà sản xuất Minh Tít với Zing: “Những nội dung như cảnh nóng, giang hồ, khai thác đề tài nhạy cảm vốn tưởng có thể thu hút được khán giả nhưng thực tế lại không bền, thậm chí bị quay lưng”.

Về quản lý nội dung trên mạng, tiến sĩ ngành truyền thông Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao Việt Nam) cho biết hiện tại, mặc dù đã có một số nghị định quy định về những nội dụng được sản xuất và quảng bá trên Internet như nghị định số 158/2013/NĐ-CP, tuy nhiên, việc quản lý này vẫn chưa được thấu đáo.

Theo tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, YouTube chỉ quản lý được những vấn đề có bản quyền chứ chưa thực sự quản lý được nhiều nội dung khác. Có thể nói một phần nội dung trên các mạng xã hội chưa thực sự "sạch".

“Để giải quyết được vấn đề này thì cần phải có sự chung tay của các cơ quan nhà nước, phải có những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để quản lý những vấn đề này và phải được thực hiện nghiêm túc từ các cấp ngành. Thêm vào đó, cần phải có cách thức giáo dục trẻ em bằng những biện pháp cụ thể để chúng nhận thức được những vấn đề tác hại của thông tin ‘bẩn’ trong môi trường số ngày nay”, tiến sĩ truyền thông nhấn mạnh.

Trong khi, thạc sĩ giáo dục Chế Dạ Thảo (Đại học Hutech) nhấn mạnh: “Các đơn vị quản lý truyền thông, văn hóa phải có tiếng nói mạnh mẽ trong khâu kiểm duyệt. Nhưng quan trọng không phải là tạo ra những khắt khe kiểm duyệt mà phải là rõ ràng trong định hướng từ ban đầu. Không phải để đến khi có sự cố mới phạt hay cấm sóng. Muốn xử lý phải có quy định rõ ràng ngay từ ban đầu, từ gốc”.

Chi Dan co 'giam chan tai cho'? hinh anh

Chi Dân có 'giậm chân tại chỗ'?

0

Không đổi mới âm nhạc, không đầu tư hình ảnh, “Chỉ cần anh giả vờ” là một sản phẩm vừa vặn với Chi Dân. Song, với cách làm MV kiểu này, nam ca sĩ cũng đang “giậm chân tại chỗ”.

Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm