Người ngồi vào vị trí Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg để lại tại Tòa án Tối cao Mỹ có thể định hình các đường nét của xã hội Mỹ trong 30 đến 40 năm tới, vì tòa tối cao có vai trò trung tâm trong việc ra phán quyết về một loạt các vấn đề văn hóa, xã hội và chính trị.
Việc phê chuẩn vị trí thẩm phán mới sắp tới sẽ xác định lại cán cân ảnh hưởng của tòa án trong hệ thống chính phủ Mỹ, cũng như tác động của nó đối với cuộc sống của những công dân bình thường, Guardian nhận định.
Ảnh hưởng rộng khắp của tòa tối cao
Trong nhiệm kỳ gần qua của mình, Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm được hai thẩm phán tòa án tối cao, nhưng đều là những người bảo thủ thay thế những người bảo thủ.
Lần này, nếu ông Trump bổ nhiệm được một thẩm phán bảo thủ thế chỗ bà Ginsburg - biểu tượng của chủ nghĩa tự do, chiến thắng này về cơ bản sẽ thay đổi định hướng của tòa tối cao.
Tòa án Tối cao Mỹ khi đó sẽ thuộc về phe bảo thủ với 6/9 thẩm phán do phe Cộng hòa bổ nhiệm. Vì thẩm phán tòa tối cao có thẩm quyền trọn đời, cán cân quyền lực mới có thể thay đổi cuộc sống của người Mỹ theo những cách chưa từng có, theo Guardian. Ước nguyện cuối cùng của Ginsburg là vị trí thay thế bà được dời đến khi nước Mỹ bước vào nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.
Theo quy trình, tổng thống sẽ đề cử thẩm phán mới và quyết định của ông cần được Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát, phê chuẩn.
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg tại tòa án tối cao vào tháng 11/2018. Ảnh: Getty. |
Ông Trump hôm 19/9 nhấn mạnh việc này phải được quyết định “ngay lập tức”, ám chỉ khả năng bổ nhiệm thẩm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Quyền lực của tòa tối cao trải dài từ quyền phá thai đến bầu cử, từ phân biệt chủng tộc đến các vấn đề liên quan cộng đồng LGBTQ, nói cách khác một cuộc bổ nhiệm thành công có thể sẽ là di sản quan trọng nhất của Tổng thống Trump đối với nước Mỹ, tạo ra sự ảnh hưởng vượt xa nhiệm kỳ của một tổng thống.
Trong thế kỷ qua, tòa án đã đóng vai trò căn bản trong việc định hình lại xã hội Mỹ. Năm 1954, tòa án ra phán quyết rằng việc phân biệt đối xử trong các trường học là vi hiến. Năm 1973, án lệ "Roe - Wade" hợp pháp hóa việc phá thai. Năm 2010, tòa án đã loại bỏ hầu hết hạn chế đối với việc chi tiêu chính trị của các tập đoàn. Năm 2015, hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa.
Đó là những cách mà tòa án điều chỉnh cuộc sống của người dân Mỹ, giải thích vì sao việc lấp chỗ trống Thẩm phán Ginsburg để lại là một cuộc chiến quan trọng cho tương lai của nước Mỹ.
Cuộc đua vào chiếc ghế trống
Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts năm 2018 từng phản biện khi bị Tổng thống Trump gọi là “Thẩm phán của Obama”: “Chúng tôi không có Thẩm phán của Obama, Thẩm phán của Trump, Thẩm phán của Bush hay của Clinton”. Nếu nguyên tắc này là sự thật thì nó cũng đã bị xói mòn qua nhiều năm.
Guardian nhận định cái chết của bà Ginsburg đã làm chao đảo cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, "như tia sét đánh vào cơn bão cấp 5 hội tụ" của tranh cãi đảng phái, toan tính chính trị và sự bất định sâu sắc.
“Tôi cho rằng không thể đoán trước tương lai. Bất kỳ ai nói với bạn rằng họ biết trước điều gì sẽ xảy ra đều sai”, Chris Hayes, người dẫn chương trình của MSNBC, nói. “Chúng ta đang trong một ẩn số hoàn toàn chưa được khám phá”.
Người dân Mỹ kéo đến trước Tòa án Tối cao Mỹ ở Washington đặt hoa tưởng niệm Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Ảnh: Shutterstock. |
Tòa án Mỹ đang bước vào nhiệm kỳ mới với 8 thẩm phán. Với việc vắng mặt bà Ginsburg, người được cựu Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm năm 1993, tòa sẽ trở nên thận trọng hơn.
Chánh án Roberts được cho là người có tư tưởng trung hòa nhất giữa 9 thẩm phán tòa tối cao, ông thường đứng về phe bảo thủ nhưng đôi khi ủng hộ những người theo chủ nghĩa tự do, tiêu biểu là việc duy trì quyền phá thai và bảo vệ những người di cư bất hợp pháp khỏi bị trục xuất. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông đến giờ có lẽ đã suy giảm.
Tóm lại, chiếc ghế trống của bà Ginsburg sẽ là cuộc đấu tranh vĩ đại mới ở đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc bởi đại dịch Covid-19 và phân biệt chủng tộc. Giống như lần bổ nhiệm Thẩm phán Brett Kavanaugh năm 2018, một người có quan điểm bảo thủ, chính trường Mỹ sẽ lại bị chia rẽ sâu sắc.
Tổng thống Trump từ chối đề xuất cho rằng ông nên đợi đến sau cuộc bầu cử để bổ nhiệm, như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện - từng tuyên bố cách đây 4 năm rằng không thể bổ nhiệm thẩm phán tòa tối cao trùng năm diễn ra bầu cử tổng thống.
Khi Thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia qua đời vào tháng 2/2016, ông McConnell đã từ chối phê chuẩn đề cử của Tổng thống Obama, và chiếc ghế thẩm phán đó trống đến khi ông Trump đắc cử.
Lần này, chính ông McConnell đã tuyên bố sẽ tổ chức bỏ phiếu phê chuẩn đề cử của Tổng thống Trump.
Phe Cộng hòa sẽ phải chạy đua với thời gian để thông qua đề cử trong bối cảnh cuộc bầu cử chỉ còn cách 45 ngày. Tất nhiên, ngay cả nếu Tổng thống Trump thất bại trong cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa vẫn có thể tổ chức một phiên họp phê chuẩn trong phần còn lại của nhiệm kỳ, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, nhưng một phiên họp như thế chắc chắn sẽ khiến dư luận tức giận.
Nếu ông McConnell thành công, tòa tối cao sẽ trải qua đợt dịch chuyển ý thức hệ lớn nhất trong nửa thế kỷ qua, và những người cấp tiến lo lắng rằng việc này sẽ làm đảo ngược những tiến bộ trong công bằng xã hội mà họ đã thúc đẩy những năm qua.