Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cái bẫy của trí thông minh' và mặt trái của sự thành công

David Robson khẳng định trí thông minh là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công, nhưng đôi khi chính nó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những thất bại không ngờ.

Theo tác giả David Robson, trí thông minh được xem là một trong những tài sản quý giá nhất của con người. Nó không chỉ mở ra cánh cửa của kiến thức mà còn là chìa khóa dẫn tới thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, trí thông minh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại khi con người đứng giữa con đường sự nghiệp và cuộc sống.

Cuốn sách Cái bẫy của trí thông minh của David Robson không chỉ phân tích sâu về cách thức trí thông minh có thể dẫn đến thất bại, mà còn cung cấp những chiến lược hữu ích để độc giả có thể tránh mắc phải những sai lầm tương tự.

Thong minh anh 1

Sáchđược chia làm 4 phần: Phần 1 có nhiệm vụ xác định vấn đề. Phần 2 trình bày giải pháp cho các vấn đề bằng cách giới thiệu ngành khoa học “trí tuệ thực chứng" mới. Phần 3 mang đến cho độc giả phương pháp học tập và ghi nhớ một cách khoa học. Cuối cùng, phần 4 khám phá nguyên nhân các nhóm gồm những nhân tài đôi khi lại gặp thất bại.

Đầu tiên, David Robson phân tích hiệu ứng Dunning-Kruger là một hiện tượng tâm lý, nơi mà những người có trình độ hiểu biết hoặc kỹ năng kém cỏi thường đánh giá quá cao năng lực của bản thân. Điều này không chỉ giới hạn ở người có trí thông minh trung bình mà còn ảnh hưởng đến những người thông minh, khi họ bắt đầu tin rằng mình không thể mắc sai lầm. Sự tự tin thái quá này có thể dẫn đến việc đưa ra quyết định không chuẩn xác, từ chối lắng nghe ý kiến của người khác và không nhận thức được hạn chế của bản thân.

Một trong những “cái bẫy" của trí thông minh là tin rằng mình luôn đúng - điều này thể hiện sự cố chấp. Nhiều người thông minh thường khó chấp nhận ý kiến trái chiều hoặc phản biện vì họ tin rằng mình biết tất cả. Điều này tạo ra một bức tường không nhìn thấy được, ngăn cản sự phát triển cá nhân và khả năng thích ứng với các thay đổi hoặc thách thức mới.

Thong minh anh 2

Tác giả David Robson.

Tiếp theo, sự phức tạp không cần thiết trong suy nghĩ và hành động cũng có thể dẫn đến thất bại. Trí thông minh cao đôi khi làm cho việc suy nghĩ quá phức tạp. Những người thông minh có thể tìm kiếm giải pháp phức tạp cho vấn đề đơn giản, hoặc không thể nhìn nhận giải pháp rõ ràng vì họ luôn tìm kiếm một cách giải quyết sâu sắc hơn. Điều này không chỉ làm mất thời gian mà còn có thể tạo ra rắc rối không cần thiết.

Theo Cái bẫy của trí thông minh, một yếu tố quan trọng khác gây thất bại cho những người thông minh là thiếu kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc. Đôi khi, một số người tập trung quá nhiều vào phát triển trí tuệ học thuật có thể bỏ qua việc phát triển kỹ năng giao tiếp và hiểu biết về cảm xúc của bản thân cũng như người khác. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ, cũng như làm việc nhóm hoặc lãnh đạo.

Tác giả nhận định trí thông minh là một nguồn lực quý giá, nhưng chỉ khi nó được kết hợp với sự hiểu biết về bản thân và khiêm tốn. Việc nhận thức được hạn chế, cởi mở với ý kiến khác biệt và phát triển kỹ năng xã hội là những yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn bẫy của trí thông minh.

https://vietnamnet.vn/cuon-sach-cai-bay-cua-tri-thong-minh-va-mat-trai-cua-su-thanh-cong-2245831.html

Phước Sáng/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm