Theo trang tin Bloomberg, giới đầu tư toàn cầu đang lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ và tìm mọi cách để vượt qua nó. Trong lúc này, một vài ý tưởng chung về những cổ phiếu phòng thủ và Warren Buffett đã cùng lóe lên.
Cụ thể, theo khảo sát mới nhất của Markets Live Pulse, các chuyên gia tài chính và nhiều quỹ đầu tư hiện cho rằng cổ phiếu của Berkshire Hathaway đáng lẽ phải có giá cao hơn, và họ đặt cược rằng tập đoàn này sẽ làm tốt kể cả khi thị trường rơi vào suy thoái.
Hơn một nửa trong số 352 người được hỏi tự tin rằng lợi nhuận của Berkshire trong vòng 5 năm tới sẽ đánh bại chỉ số S&P 500. Còn trong cuộc họp cổ đông tuần vừa qua với Warren Buffet, 80% cổ đông của tập đoàn đều bày tỏ sự tin tưởng với vị tỷ phú này.
Được biết, trong giới đầu tư, niềm tin vào năng lực của huyền thoại Buffett đang ngày càng tăng khi các nhà kinh tế học mới đây đã nhận định rằng có 65% nguy cơ suy thoái tại Mỹ. Theo họ, đây sẽ là thời điểm mà giá trị kỷ luật của vị tỷ phú được tỏa sáng.
Đối với những người tham gia khảo sát, đầu tư cho cổ phiếu phòng thủ trong thời gian tới là lựa chọn tối ưu hơn vì nó có khả năng tăng giá tốt hơn cổ phiếu công nghệ. Và đây chính xác là những gì Berkshire Hathaway đang làm do tỷ phú Buffet cảm thấy cổ phiếu ngành công nghệ đang được định giá quá cao.
Theo 80% nhà đầu tư, vị tỷ phú chắc chắn đang chờ đợi những cổ phiếu có giá trị thấp hơn giá trị thực của chúng - điều mà ông luôn nhắc đi nhắc lại trong những bức thư thường niên gửi cổ đông.
Ngoài ra, giới đầu tư còn cho rằng khi mua cổ phiếu của Berkshire, đã có 5-10% là phí đảm bảo lợi nhuận từ Warren Buffett. Điều này không hề sai khi cổ phiếu của tập đoàn này luôn mang lại mức lợi nhuận hàng năm thấp nhất là 9,5% trong suốt thập kỷ qua - lớn hơn nhiều so với mức tăng 6,5% của S&P 500.
Do đó, khi tỷ phú Buffett tỏ ra quan tâm đến tài chính Nhật Bản, giới đầu tư toàn cầu cũng đồng tình rằng thị trường chứng khoán tại đất nước mặt trời mọc hiện có giá trị hơn và dễ kiếm lợi nhuận hơn chứng khoán Mỹ. Được biết, tỷ suất lợi nhuận tiềm năng của chứng khoán Nhật Bản là 5,8% - cao hơn một chút so với con số tiềm năng 5,3% của S&P 500.
Ngoài ra, chứng khoán Mỹ chắc chắn phải đối mặt với một đợt tăng lãi suất nữa còn chứng khoán Nhật Bản thì không. Tại nền kinh tế châu Á này, nhà đầu tư thậm chí còn được hưởng mức chi phí đi vay thấp vì ngân hàng trung ương đã kiểm soát được đường cong lợi suất.
Do đó, một câu hỏi chắc chắn sẽ được đưa ra trong cuộc họp tới đây của tỷ phú Buffett là về khả năng đầu tư vào Nhật Bản và tương lai của khối tiền mặt khổng lồ tại Berkshire.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.