Các nhân viên trong bộ đồ bảo hộ trắng từ đầu đến chân tại Thượng Hải đã dựng hàng rào lưới thép hoặc các tấm kim loại để chặn đường phố, cộng đồng dân cư và cả lối ra vào của một số tòa nhà chung cư.
Hầu hết 25 triệu cư dân của thành phố không được phép ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa đã kéo dài hơn một tháng. Các rào chắn được triển khai để đảm bảo kiểm soát việc di chuyển và thường chỉ chừa lại một lối vào nhỏ, theo AP.
Trung Quốc từng sử dụng biện pháp này khi nào?
Các hàng rào kiểu này khá mới ở Thượng Hải nhưng đã được lắp trên khắp các thành phố khác nếu có các đợt bùng dịch.
Vào đầu năm 2020, một số ủy ban khu phố - cấp thấp nhất trong chính quyền thành phố - đã dựng các tấm tôn kim loại và hàng rào chắn ở Bắc Kinh để kiểm soát các điểm ra vào nhà dân.
Vũ Hán - nơi ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 12/2019 - cũng từng dựng rào trên khắp thành phố.
Tuy nhiên, cách thức triển khai là khác nhau. Đôi khi các quan chức dựng hàng rào xung quanh toàn bộ các khu phố, chỉ để lại một hoặc hai lối vào. Một số khác chỉ dựng rào tại các khu dân cư.
Phương án hàng rào cũng đã được triển khai rộng rãi ở khu vực biên giới, bao gồm cả ở Suifenhe, một thành phố ở phía đông bắc giáp với Nga. Rào chắn tôn chặn toàn bộ đường phố.
Tại sao người dân Thượng Hải không đồng tình phương án này?
Thượng Hải không dựng rào trên diện rộng trong suốt hai năm qua. Thành phố này từng tự hào về các phương án chống dịch có mục tiêu mà không cần dựa vào việc phong tỏa. Điều đó đã thay đổi trong đợt bùng phát dịch gần đây do biến chủng Omicron dễ lây lan gây ra.
Giới chức đã thực thi phong tỏa toàn thành phố, yêu cầu người dân không bước “dù chỉ một chân ra khỏi cửa”, AP dẫn khẩu hiệu được tuyên truyền rộng rãi ở Thượng Hải.
Nhiều người dân Thượng Hải tỏ ra khó chịu về các hàng rào ngăn lối vào các tòa nhà chung cư. Một số người đã hành động để biểu thị sự tức giận của họ.
Trong một video, nhiều người đã phá bỏ rào chắn bằng lưới ở lối ra vào của một tòa nhà tại quận Xuhui và đi tìm nhân viên bảo vệ - đối tượng mà họ cho là có trách nhiệm dựng rào lên.
Thượng Hải đang sử dụng hệ thống chống dịch phân cấp, trong đó phân loại các khu vực thành ba cấp độ dựa trên nguy cơ lây truyền. Những người trong cấp đầu tiên phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt nhất và sẽ bị dựng rào.
Tuy nhiên, một số quan chức ở Thượng Hải đã dựng hàng rào ở cả những khu vực nguy cơ thấp. Một người giấu tên nói với AP rằng ông đã gọi điện cho cảnh sát để phản đối việc phong tỏa các con đường gần tòa nhà chung cư của ông dù khu vực này không thuộc cấp độ một.
Ông và hai cư dân khác trong khu nhà cố gắng ngăn các nhân viên dựng rào chắn tôn, nhưng họ bị một người khác chặn lại. Theo thông tin mà ông đăng trên Wechat, một cảnh sát nói với cư dân rằng họ không có quyền rời khỏi nhà.
Một số trường hợp phản đối dựng rào thành công
Trong một số trường hợp, các cư dân đã thành công trong việc phản đối dựng rào.
Tại một khu chung cư ở quận Phổ Đà của Thượng Hải, cư dân phản đối dữ dội sau khi ủy ban dân cư đặt khóa chữ U tại cửa vào tòa nhà hôm 16/4.
“Điều này quá đột ngột, không có bất kỳ thông báo nào. Và họ không chỉ chặn tại tòa nhà, mà mọi nơi bên dưới cũng bị chặn. Họ chặn mọi lối thoát”, một người dân họ Zhang cho biết. "Nếu có tai nạn hoặc hỏa hoạn, mọi người chắc chắn sẽ chết".
Cư dân trong tòa nhà đã gọi cảnh sát cũng như đường dây nóng của thành phố. Ủy ban khu dân cư sau đó đã dán băng keo trước cửa. Nhưng họ cảnh báo cư dân rằng việc tiêu hủy băng keo này sẽ mang lại "hậu quả về mặt pháp lý", theo thông báo mà cô Zhang cho AP xem.
Tại Bắc Kinh, nhiều hàng rào đã được dỡ bỏ sau khi thành phố không có đợt bùng phát dịch lớn trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, giờ đây, cảnh tượng này lại một lần nữa xuất hiện tại các khu dân cư ghi nhận những trường hợp dương tính.