Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách trí óc nhận biết các trí óc khác

Suy đoán, suy luận là năng lực đáng chú ý nhất của loài người chúng ta.

Tri oc van hanh anh 1

Người phàm không thể đọc trực tiếp trí óc người khác. Nhưng ta có thể đoán khá tốt qua những lời họ nói, những điều ta suy luận được. Nguồn: smithsonianmag.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu cách trí óc nhận biết các trí óc khác. Tất cả chúng ta đều là nhà tâm lý học. Chúng ta phân tích trí óc không phải chỉ để theo dõi các âm mưu trong phim ảnh mà còn để hiểu những hoạt động đơn giản nhất của con người.

Nhà tâm lý học Simon Baron-Cohen đã làm rõ quan điểm này bằng một mẩu truyện. Mary vào phòng ngủ, đi một vòng rồi đi ra. Bạn giải thích việc đó như thế nào? Có lẽ bạn sẽ nói rằng Mary đang tìm gì đó và nghĩ nó ở trong phòng ngủ. Có lẽ bạn sẽ nói Mary nghe thấy gì đó trong phòng ngủ và muốn biết cái gì gây tiếng động. Hay bạn sẽ nói Mary quên mất mình đang đi đâu; có lẽ cô thực ra muốn đi xuống dưới tầng.

Nhưng chắc chắn bạn sẽ không nói rằng ngày nào Mary cũng làm thế vào đúng giờ đó: cô chỉ đi vào phòng ngủ, đi vòng quanh rồi đi ra. Sẽ là không tự nhiên khi lấy ngôn ngữ vật lý về thời gian, khoảng cách và khối lượng để giải thích hành vi con người, và việc đó cũng không đúng; ngày hôm sau quay lại kiểm tra, giả thuyết đó chắc hẳn sẽ sai.

Trí óc chúng ta giải thích hành vi của người khác dựa trên niềm tin và ham muốn của họ, vì hành vi đúng là được thúc đẩy bởi niềm tin và ham muốn. Các nhà hành vi học đã sai, và ai cũng biết thế bằng trực giác. Các trạng thái tinh thần là vô hình và không trọng lượng.

Các triết gia định nghĩa chúng là “mối liên hệ giữa con người và vấn đề”. Mối liên hệ là một quan điểm kiểu tin-rằng, mong muốn-rằng, hy vọng-rằng, giả vờ-rằng. Vấn đề là nội dung của niềm tin, thứ đại khái không kém gì ý nghĩa của một câu - ví dụ, Mary tìm thấy chùm chìa khóa hay Chùm chìa khóa ở trong phòng ngủ.

Nội dung của một niềm tin nằm trong một lãnh địa khác với những sự thật về thế giới. Có ngựa một sừng gặm cỏ ở công viên Cambridge Common là sai, nhưng John nghĩ rằng có ngựa một sừng gặm cỏ ở công viên Cambridge Common lại có thể đúng.

Để gán một niềm tin cho ai đó, ta không thể nghĩ về ý nghĩ đó theo cách thông thường, nếu không ta sẽ không thể biết được rằng John tin vào sự tồn tại của những con ngựa một sừng mà bản thân ta lại không tin như thế. Chúng ta phải lấy ý nghĩ đó, đặt nó trong dấu trích dẫn trí óc, và nghĩ “Đó là điều John nghĩ” (hay muốn, hy vọng, đoán). Hơn nữa, mọi điều ta nghĩ cũng là điều ta có thể nghĩ rằng người khác nghĩ tới (Mary biết rằng John nghĩ là có ngựa một sừng...).

Những ý nghĩ bên trong ý nghĩ này, giống như các lớp của một củ hành, cần một cấu trúc điện toán đặc biệt (xem Chương 2), và khi trao đổi chúng với người khác, ta cần sử dụng kiểu ngữ pháp đệ quy mà Chomsky đề xuất và được giải thích trong cuốn The Language Instinct.

Người phàm không thể đọc trực tiếp trí óc người khác. Nhưng ta có thể đoán khá tốt qua những lời họ nói, những điều ta suy luận được, những gì thể hiện trên mặt, trong mắt, và những điều giải thích thỏa đáng nhất cho hành vi của họ. Đó chính là năng lực đáng chú ý nhất của loài chúng ta. Sau khi đọc chương về thị giác, có lẽ bạn thấy kinh ngạc rằng chúng ta có thể nhận ra con chó khi nhìn thấy nó. Giờ hãy nghĩ về những khó khăn trong việc nhận ra con chó trong một màn kịch câm, cảnh dắt chó đi dạo.

Nhưng bằng cách nào đó trẻ em lại làm được. Các kỹ năng đằng sau việc đọc ý nghĩ được thực hành lần đầu tiên trong nôi. Trẻ hai tháng tuổi nhìn vào mắt người khác; trẻ sáu tháng biết đôi mắt đang nhìn lại mình; trẻ một tuổi nhìn thứ mà cha mẹ đang nhìn, và kiểm tra mắt cha mẹ khi chúng không chắc tại sao cha mẹ lại đang làm việc gì đó.

Giữa 18 và 24 tháng, trẻ bắt đầu phân biệt được nội dung trong đầu người khác với niềm tin của chính mình. Chúng thể hiện điều đó qua một khả năng trông có vẻ đơn giản: giả vờ. Khi trẻ chơi cùng mẹ, và người mẹ nói điện thoại đang đổ chuông rồi đưa cho trẻ một quả chuối, trẻ phân tách nội dung giả vờ của hai người (quả chuối là điện thoại) khỏi nội dung trong niềm tin của nó (quả chuối là quả chuối).

Trẻ hai tuổi dùng các động từ trí óc như nhìn thấy và muốn, và trẻ ba tuổi dùng các động từ như nghĩ, biết và nhớ. Chúng biết rằng người ta thường muốn thứ họ đang nhìn. Chúng cũng nắm được ý tưởng của “ý tưởng”. Ví dụ, chúng biết rằng ta không thể ăn ký ức về quả táo, và rằng chỉ cần nhìn vào là có thể nói được trong hộp có gì.

Đến bốn tuổi, trẻ em vượt qua bài kiểm tra kiến thức rất nghiêm ngặt về trí óc người khác: chúng có thể gán cho người khác những niềm tin mà chúng biết là sai. Trong một thí nghiệm điển hình, trẻ mở hộp kẹo Smarties và ngạc nhiên khi thấy bút chì bên trong. (Kẹo Smarties, như các nhà tâm lý học Anh giải thích với khán giả Mỹ, giống kẹo M&M’s nhưng ngon hơn). Sau đó, chúng được hỏi người khác sẽ hy vọng tìm thấy gì khi vào phòng. Mặc dù biết trong hộp có bút chì, trẻ vẫn để riêng hiểu biết đó ra, đặt bản thân mình vào vị trí của người mới đến đó, và đáp là “kẹo Smarties”.

Trẻ ba tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc tách riêng kiến thức của mình hơn; chúng khăng khăng rằng người mới đến sẽ hy vọng tìm thấy bút chì trong hộp kẹo.

Steven Pinker / ETS và NXB Thế giới

SÁCH HAY