Không ít người tin rằng “khi mua được cái này, sở hữu món đồ kia thì mình hạnh phúc”. Nhiều người tìm niềm vui hoặc giải tỏa stress thông qua việc mua sắm mà không cần biết mình sẽ sử dụng món đồ ấy vào việc gì. Một số sách nêu phương pháp cắt cơn “nghiện shopping”.
Những câu chuyện bi hài về mua sắm không kiểm soát. Ảnh: Irina. |
Thoát chứng nghiện mua sắm
Hơn 30 người thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau đã cùng chia sẻ câu chuyện mua sắm của mình trong cuốn Bi hài nghiệp shopping. Họ có thể là học sinh, sinh viên, bà nội trợ, người nông dân, những cô nàng sành điệu, người nghiện mua sắm, người nổi tiếng… Khác biệt về lối sống, thế hệ, nghề nghiệp, song họ đều từng ít nhất một lần là nạn nhân của mua sắm mất kiểm soát.
Cuốn sách chia làm ba phần chính, sử dụng văn phong hài hước, đưa người đọc đi qua hành trình nhận thức về mua sắm. Phần đầu là những tình huống chân thực, những “tai nạn” từ mua sắm.
Phần thứ hai “Còn lại gì sau cơn cuồng mua sắm” là những chiêm nghiệm, phân tích về những điểm khiến ta mua sắm mất kiểm soát như: Hàng sale, khuyến mãi, các chiến dịch quảng cáo rầm rộ…
Phần cuối “Hãy làm một shopper thông thái” gửi thông điệp về việc khắc phục, chế ngự cơn cuồng mua sắm. Một số giải pháp để thay đổi thói quen mua sắm và mua sắm thông minh hơn cũng được nêu ở phần cuối sách.
Trong cuốn sách, thói quen mua sắm vô tội vạ được gọi bằng cụm từ hài hước “nghiệp shopping”. Thông qua những bài học kinh nghiệm, chia sẻ cá nhân, sách là lời cảnh tỉnh chứng nghiện mua sắm đang “hoành hành”, nhất là trong thời đại thương mại điện tử nở rộ và các hình thức mua sắm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Sách giúp người đọc có quyết định sáng suốt trước khi chi tiền. Ảnh: Sách Thái Hà. |
Nhìn thấu các chiêu trò tiếp thị để mua sắm
Bạn tình cờ đi qua một trung tâm thương mại, không có ý định mua sắm bất cứ thứ gì, chỉ mang ví, thẻ đi phòng trường hợp bất khả kháng; nhưng khi rời khỏi đó, bạn vẫn xách về nào quần, áo, giày dép… Điều gì khiến bạn mua sắm không chủ đích như vậy? Cuốn Mua sắm thông minh của Martin Lindstrom đưa ra lời giải đáp.
Trong sách, Martin, nhà tương lai học từng gắn bó với nghề tiếp thị, đã chỉ ra cách giới quảng cáo và doanh nghiệp sử dụng để "dụ" người mua. Những "chiêu" quảng cáo đó có thể khiến chúng ta cảm thấy mình sẽ bị mất mát, lạc lõng khỏi xã hội nếu không mua chiếc điện thoại thông minh mới ra; khiến ta hào hứng rút ví trước một món đồ thời trang hay vật dụng mà chưa chắc ta đã sử dụng đến…
Thông tin trong sách được tác giả chắt lọc từ những phòng hội thảo, cuộc nói chuyện của các nhóm điều hành quảng cáo. Từ đó, ông phơi bày cách mà giới tiếp thị sử dụng để người tiêu dùng phải chi tiền.
Bằng cách chỉ ra những “mánh” tiếp thị, cuốn sách giúp người đọc có cái nhìn sáng suốt hơn về lựa chọn của mình. Martin Lindstrom viết cuốn sách không phải để người đọc ngừng mua sắm. Thông tin, kiến thức của ông giúp người đọc có thể đưa ra quyết định thông minh, lành mạnh và am hiểu về những thứ mà họ đang muốn mua.
Mua sắm bền vững là giải pháp cho tiêu dùng thông minh. Ảnh: Y Nguyên. |
Mua sắm bền vững
Tara Button, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực quảng cáo tại Anh lâu năm, từng là thành viên hội “thích gì mua nấy”. Cô đã quen ném tiền qua cửa sổ, một khi muốn có thứ gì đó thì “cần phải” có ngay.
Không đặt tiêu chí bền lên đầu, Tara sở hữu những món đồ có thời hạn sử dụng ngắn. Cô mua sắm quần áo, đồ dùng trong tích tắc, rồi sớm hối tiếc vì đã mua. Căn nhà của cô là chốn bừa bộn, không sạch sẽ, gọn gàng. Quần áo bình dân chất đống nhưng cô luôn cảm thấy mình chẳng có gì để mặc.
Trong nhà Tara bừa bộn những thứ mà cô gọi là “suýt đủ chứ không đủ”. Toàn bộ nhà cửa, cuộc sống của cô bị nhồi đầy bởi những thứ khiến chủ nhân thất vọng, trong khi ví thì cạn. Thói quen mua sắm tùy hứng khiến Tara rơi vào tình trạng nợ thẻ tín dụng vượt hạn quá mức. Cô cảm thấy mình mất quyền kiểm soát, trở nên tự giận bản thân.
Trong ngày sinh nhật 30 tuổi, Tara được tặng một chiếc nồi của thương hiệu nổi tiếng. Món đồ đẹp, bền bỉ khiến cô nghĩ có một chiếc nồi như thế này thì chẳng đời nào phải mua thêm cái khác. Cô mong muốn có thêm nhiều món đồ như vậy trong cuộc sống và lên kế hoạch tìm kiếm. Đó là những vật dụng dùng được lâu dài, đơn giản, chỉ cũ đi theo thời gian.
Sở hữu những món đồ bền bỉ giúp chúng ta không phải chịu cảnh đồ đạc chất chồng, thoát cảnh tiêu thụ quá đà, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường bởi thói quen “dùng nhanh vứt lẹ”. Điều đó cũng giúp chúng ta tiết kiệm được tiền bạc, đỡ tốn tiền vào đồ đạc, có cuộc sống bình dị, phong phú, bền vững hơn.
Tara đưa ra khái niệm “chọn lọc chuyên tâm” trong cuốn Tiêu dùng tối giản. Trong đó, cô nêu 10 bước để người mua sắm không màng đến những món đồ vụn vặt, dành thời gian, tiền bạc, tâm sức để làm tròn phần việc của mình, quan tâm tới người thân yêu, theo đuổi đam mê và tăng chất lượng cuộc sống.