Cách phân biệt khoai tây Trung Quốc 'đội lốt' Đà Lạt
Khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng dễ trầy xước, nếu rửa sẽ bị thối. Trong khi đó, hàng Trung Quốc củ thon dài, không tròn như khoai Đà Lạt.
Sau khi UBND TP.Đà Lạt tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc chứa chất độc hại vào ngày 15/6, việc nhập khoai tây Trung Quốc về chợ nông sản có chững lại. Tuy nhiên, một số vựa nông sản vẫn tiếp tục “tân trang” khoai tây Trung Quốc chuyển đi TP.HCM và các tỉnh.
Sáng nay (17/6), PV trở lại chợ nông sản Đà Lạt (khu Trại Mát, P.11, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) để tìm hiểu tình hình khoai tây Trung Quốc nhập về chợ. Văn phòng Ban quản lý chợ nông sản lúc 10 giờ sáng nay cửa mở toang nhưng không một bóng người. Trên lịch công tác tại Văn phòng Ban quản lý chợ ghi rõ: “Anh em kiểm tra nếu có khoai TQ nhập phải có hóa đơn”.
Khoai tây Trung Quốc tại vựa khoai T.L. |
Các vựa khoai tây tại đây vẫn nhộn nhịp hoạt động, vựa nào cũng để sẵn một số bao đựng đất đỏ. Một tiểu thương tiết lộ: “Khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng dễ trầy xước, nếu rửa sẽ bị thối ngay, chỉ có khoai Trung Quốc mới phải rửa”. Tiểu thương này cho biết giá khoai tây Đà Lạt mới thu hoạch hiện nay có giá 18.000 đ/ký, khoai dự trữ lâu ngày có giá trên 20.000 đ/ký.
Khoai tây Trung Quốc hình thù thon dài không tròn như khoai tây Đà Lạt. |
Khoai tây Đà Lạt củ tròn và dễ trầy xước. |
Tại vựa khoai T.L, PV ghi nhận có vài tấn khoai tây vàng Trung Quốc mới rửa xong, đang chất đống. Củ khoai hình thù thon dài, không tròn như khoai Đà Lạt, có thể phân biệt được bằng mắt thường. Thế nhưng, chủ vựa T.L vẫn nói đây là khoai tây mua từ H.Đức Trọng với giá 10.000 đ/ký. Khoai tây tại vựa đang được phân loại to, nhỏ đóng vào bao (mỗi bao 40 kg) để đưa về các tỉnh tiêu thụ.
Khác với năm trước, năm nay nhiều vựa khoai trang bị cả máy rửa khoai nhập từ Trung Quốc (với giá từ 60 - 70 triệu đồng/máy). Công suất rửa khoảng 150 - 200 kg khoai/mẻ. Sau khi rửa xong, khoai sẽ được trộn với bột đất đỏ để “khoác áo” mới tựa như khoai tây hồng Đà Lạt.
Theo Thanh Niên