Sau hơn hai năm cùng câu lạc bộ Đình Làng Việt phục dựng trang phục “áo ngũ thân nam” truyền thống, tác giả Đinh Hồng Cường có dịp nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về trang phục này.
Anh cũng có dịp gặp gỡ các nghệ nhân may cổ phục, áo dài, áo ngũ thân để tìm hiểu rõ hơn về cách cắt may, đường kim mũi chỉ và trí tuệ dân gian kết tinh trong chiếc áo ngũ thân nam.
Từ thực tiễn hoạt động này và trên hết là khát vọng tìm lại bộ “quốc phục” từng có một thời kỳ dài (gần 200 năm) được mặc phổ biến từ Nam ra Bắc, Đinh Hồng Cường đã viết cuốn Áo ngũ thân nam truyền thống đôi dòng khảo luận.
Cách nhìn phiến diện về áo ngũ thân nam
Cuốn sách ra mắt chỉ ít ngày sau sự kiện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thí điểm công chức nam của sở này mặc trang phục áo dài truyền thống trong lễ chào cờ vào sáng thứ hai đầu tháng.
Việc làm này dấy lên ý kiến đa chiều, nhưng cũng đặt một vấn đề khá nghiêm túc: Người Việt Nam có cần nối tiếp nguồn mạch để dựng lại bản sắc trang phục truyền thống hay không?
Dù không đề cập trực tiếp hoặc bình luận việc làm trên của Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên - Huế, Áo ngũ thân nam truyền thống đôi dòng khảo luận có thể giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn và nhận diện rõ hơn bộ trang phục truyền thống này.
Các thành viên câu lạc bộ Đình làng Việt tại Phủ thờ Ngọc Sơn công chúa ở Huế, tác giả Đinh Hồng Cường đứng ngoài cùng bên trái. Nguồn: FB Đình Làng Việt. |
Từ các tư liệu khả tín, tác giả Đinh Hồng Cường bước đầu phác họa bức tranh đa sắc về lịch sử ra đời trang phục áo ngũ thân nam, cũng như thăng trầm của bộ “quốc phục” này. Đồng thời, tác giả gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm của mình đối với trang phục truyền thống.
Không những vậy, tác giả còn mạnh dạn chỉ ra cách nhìn phiến diện, lệch chuẩn về áo dài ngũ thân hiện nay - nhân tố có thể làm cản trở việc bảo tồn và phát huy bộ trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị mai một này.
Tác giả cho biết thời gian gần đây, câu lạc bộ Đình làng Việt thường xuyên tổ chức mặc thể nghiệm áo ngũ thân, tham gia các hoạt động văn hóa như: Áo ngũ thân xuống phố, áo truyền thống về làng, vào đình, các ngôi nhà di sản, nhà 3 gian, 5 gian hai chái thuần Việt…
Những hoạt động này nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của mọi giới xã hội nhưng cũng phải đón nhận không ít ý kiến phê bình, thậm chí chê bai đến từ một số người còn định kiến.
Áo ngũ thân nam truyền thống bị quy chụp là “sản phẩm” của chế độ phong kiến xưa kia, là "cường hào ác bá", lạc hậu, cổ hủ, "rộng thùng thình", cần bị đào thải khỏi cuộc sống đương đại.
Theo tác giả, sự nhìn nhận phiến diện thiếu khách quan và vô tình này đã làm cho áo ngũ thân nam bị chìm vào quên lãng, khó có cơ hội quay lại đời sống đương đại, nếu không có các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, cổ phục dám đào sâu để đưa trang phục này “hồi sinh” trong cuộc sống hôm nay.
Sách Áo ngũ thân nam truyền thống đôi dòng khảo luận. Ảnh: M.C. |
Áo ngũ thân nam bị hiểu lệch chuẩn
Đề cập việc áo ngũ thân bị hiểu lệch chuẩn hiện nay, tác giả Đinh Hồng Cường cho biết các nhà thiết kế thời trang hiện đại, yêu trang phục cổ truyền, yêu di sản của tiền nhân, nhưng lại không cắm rễ vào lịch sử nên lầm tưởng trang phục sân khấu là trang phục dân tộc.
Từ nhầm lẫn này, họ phóng tác những bộ trang phục “mang danh truyền thống” nhưng lại giống trang phục của các nước xung quanh Việt Nam.
Tác giả cũng cho rằng sự giao thoa văn hóa trong toàn cầu hóa chẳng có gì đáng chê trách cả. Nhưng nếu muốn gìn giữ được bản sắc dân tộc, người mặc nó phải hiểu bộ đồ mình đang vận trên người có nguồn gốc ở đâu và không gian diễn xướng nào mặc là phù hợp.
Nói về bộ trang phục áo ngũ thân đúng kiểu, tác giả Đinh Hồng Cường viện dẫn sách Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh.
Sách viết: “Khoảng năm 1744, chúa Võ vương (Nguyễn Phúc Khoát) ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler, chúa bắt bỏ lối quần áo của người đường ngoài (con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy), mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu”.
Kế tiếp truyền thống ăn mặc này, nhà Nguyễn, đặc biệt là dưới thời vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thiện kiểu dáng bộ trang phụ áo ngũ thân, cổ đứng cài khuy, tay chẽn, đồng thời quy định việc mặc thống nhất bộ trang phục này (dùng chung cho cả nam và nữ, từ triều đình đến thứ dân) trong toàn cõi Đại Nam.
Mô tả về bộ trang phục áo ngũ thân, tác giả Đinh Hồng Cường cho biết hồi đó, do khổ vải chỉ rộng 35-55 cm, áo buộc phải gá, nối sống với nhau, bao gồm hai thân trước, hai thân sau và một thân con bên phía tay phải. Chính vì thế, áo được gọi là ngũ thân.
Còn cổ áo (lập lĩnh), vuông cạnh, cao chừng 4 cm, khi mặc ôm vừa vặn với cổ tạo thành nét kín đáo lịch sự, nghiêm cẩn. Chiếc áo có 5 khuy cài, gồm 1 khuy ở cổ, 1 khuy ở xương đòn bên phải, 3 khuy còn lại được cài dọc bên sườn phải cách đều nhau.
Khổ vải tuy hẹp, được phủ hết vai xuống đến khuỷu tay. Một đoạn nữa được nối khuỷu tay tới cổ tay, ống tay hẹp (bó chẽn). Hai thân trước (vạt cả) của áo được để dài quá đầu gối chừng 5 cm đến 10 cm, lượn hình cánh cung,
Tác giả Đinh Hồng Cường cũng cho biết khi mặc áo ngũ thân nam truyền thống, người đàn ông Việt bao giờ cũng mặc bộ quần áo lót màu trắng hoặc sáng màu để tạo điểm nhấn cho bộ trang phục bên ngoài.
Một điểm đáng chú ý nữa là khi mặc áo ngũ thân, người nho nhã, thư sinh, lịch thiệp bao giờ cũng phải dùng lối vấn khăn hoặc quấn rối khăn trên đầu.