Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cách mua sách ngoại văn qua các sàn thương mại điện tử quốc tế

Nhu cầu sử dụng sách ngoại văn ngày càng nhiều. Ngày nay, có nhiều cách để mua sách ngoại văn qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Abebook, Bookdepository...

Mua sach ngoai van anh 1

Trên các trang thương mại điện tử, lượng sách phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, ngoài giá sách, các khoản chi phí khá cao, cộng thêm thời gian chờ đợi lâu nên ít có giao dịch mua sách in trực tiếp. Người mua thường lựa chọn phương án mua qua ủy thác.

Dưới đây là một số cách mua, bán sách ngoại văn qua một số trang thương mại điện tử trực tuyến.

Mua trực tiếp trên trang thương mại điện tử

Trang phát hành sách trực tuyến lớn nhất hiện nay là Amazon. Người mua có thể tìm thấy nhiều đầu sách trên trang này.

Để mua trên Amazon, người mua cần đăng ký tài khoản (thành viên) của Amazon và phải có thẻ tín dụng Visa hoặc MasterCard để có thể thanh toán online. Sau đó, người mua chọn sách muốn mua; cho vào giỏ hàng; thanh toán (bằng thẻ thanh toán quốc tế Visa, Master…). Các bước tiếp theo phụ thuộc vào loại hình sách.

Nếu là sách điện tử, là loại sách do Amazon mua bản quyền và số hóa nên được Amazon hỗ trợ nhiều. Để sử dụng sách điện tử, trước hết người mua cần tải phần mềm Kindle của Amazon trên điện thoại hoặc mua thiết bị đọc do Amazon sản xuất (có 3 dòng là Fire, Paperwhite, Oasis).

Sau khi thanh toán, cuốn sách sẽ được tải về máy người mua. Phần mềm thông minh quản lý các cuốn sách tải về như một thư viện nhỏ, dễ tra cứu và tìm kiếm. Ngoài ra chi phí mua bản điện tử thấp và không phải chịu thuế.

Nếu là sách in, tùy từng nhà cung cấp (đơn vị bán hàng trên Amazon) có chấp nhận chuyển về Việt Nam hay không. Nếu là loại sách chuyển được, sau khi về đến Việt Nam người mua tiếp tục làm thủ tục hải quan nhập khẩu.

Theo quy định tại Điều 41 Luật Xuất bản, người mua sẽ thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu không kinh doanh tại Sở Thông tin và Truyền thông (nơi người đó cư trú hoặc nơi có cửa khẩu mà xuất bản phẩm nhập khẩu).

Hồ sơ phải kèm theo vận đơn báo hàng về Việt Nam và hóa đơn của bên bán. Thời gian cấp phép là 15 ngày. Sau khi có giấy phép người mua đến cơ quan Hải quan để làm thủ tục lấy sách.

Nếu là loại không chuyển được do nhà cung cấp không hỗ trợ vận chuyển, người mua thường phải mua gián tiếp qua đơn vị ủy thác.

Thực hiện mua sách in theo cách này, người mua phải trả các khoản: (1) Tiền mua sách; (2) Thuế VAT từng bang (dao động từ 7-10% giá trị hàng hóa). (3) Cước vận chuyển (Amazon sẽ thông báo giá cước sau khi đặt mua. Giá cước dao động 20 - 30 USD / sản phẩm tùy thuộc vào trọng lượng của sách và sách đang ở nước nào (Mỹ, Anh, Châu Âu, Australia...). (4) Phí hải quan (khoảng 5-7%) nếu quốc gia đó tính phí xuất khẩu sách. (5) Phí hồ sơ nhập khẩu (50.000 đồng / bộ hồ sơ).

Vì vậy, việc mua sách in trực tiếp chi phí khá cao, phải đi lại nhiều, ngoài tiền mua sách còn thanh toán thêm từ 30-40 USD. Thời gian mua cũng kéo dài vì các thủ tục nhập khẩu phức tạp. Do vậy, ít có giao dịch mua sách in trực tiếp trên Amazon, người mua thường lựa chọn phương án mua qua ủy thác.

Mua sach ngoai van anh 2

Bạn đọc có thể mua sách ngoại văn từ các trang thương mại điện tử quốc tế. Ảnh: Quỳnh Trang.

Mua gián tiếp qua đơn vị ủy thác

Người mua có thể ủy thác theo hai hình thức. Thứ nhất, người mua có thể ủy thác vận chuyển thông qua một số hạ tầng (ví dụ: Giao nhanh247, fado) người mua thực hiện thủ tục đăng ký và đề nghị chuyển hàng về Việt Nam. Sau khi hoàn tất thủ tục mua và ủy thác logictic, khoảng 15-30 ngày sách về đến Việt Nam.

Cách thứ hai, người mua có thể ủy thác mua và vận chuyển. Tương tự cách trên nhưng người mua sau khi tìm kiếm sản phẩm sách muốn mua sẽ copy link và sau đó thanh toán để đơn vị ủy thác tiến hành mua sách và vận chuyển giao nhận tận nhà (Ví dụ: Basso). Người mua không cần thực hiện thủ tục gì ngoài việc thanh toán như thanh toán mua sách trên các sàn thương mại điện tử trong nước.

Thời gian từ khi đặt mua đến khi nhận cũng khoảng 15-30 ngày tùy thuộc vào đặt mua sách ở nước nào. Trường hợp, đơn vị mua sau đó cho vận chuyển theo hình thức xách tay, thời gian sẽ rút ngắn hơn.

Thực hiện theo cách này, người mua ngoài trả tiền mua sách (theo giá thông báo trên Amazon) sẽ trả thêm phí chuyển về Việt Nam. Thông thường khoảng 12 USD cho 1 kg hàng vận chuyển từ Mỹ, 8 USD cho hàng vận chuyển từ châu Âu. So với mua trực tiếp vận chuyển từ Amazon, phí vận chuyển thường thấp hơn, không kèm theo thủ tục. Vì thế đây cũng là cách mà nhiều người chọn mua.

Ngoài ra, bạn đọc có thể mua qua các sàn thương mại điện tử của Việt Nam. Người mua sau khi tìm kiếm sách trên Amazon có thể tìm tên sách trên Tiki, Ladaza, Fahasa... rồi thực hiện mua bán như với các sách trong nước.

Chưa rõ lý do giảm giá nhưng nhiều đầu sách mua trên Tiki theo cách này giá còn thấp hơn giá sách trên Amazon (từ 15-40%). Phí vận chuyển tính theo phí vận chuyển mua sách trong nước.

Người mua không thực hiện bất kỳ thủ tục gì ngoài việc phải lựa chọn các hình thức thanh toán trước thay vì hình thức thanh toán COD. Tuy nhiên, số lượng đầu sách có thể mua theo hình thức này ít, chủ yếu là một số đầu sách best-seller, sách bán chạy trên thế giới.

Mua sach ngoai van anh 3
Không chỉ mua, cá nhân, tổ chức trong nước cũng có thể bán sách ra nước ngoài qua các sàn thương mại điện tử quốc tế. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Bán sách trên Amazon

Amazon phân hai loại bán hàng cá nhân và bán hàng chuyên nghiệp. Với bán hàng cá nhân: Việc đăng ký một gian hàng, đại lý trên Amazon để bán hàng nói chung, sách nói riêng trên Amazon tương đối đơn giản với thủ tục như sau: Đăng ký tài khoản là người bán, khai báo một số mẫu có sẵn cùa Amazon. Trả phí hàng tháng 0,99 USD (với thị trường Mỹ).

Ngoài ra Amazon sẽ thu tiền phần trăm trên trị giá hàng bán được (thông thường sách là 15%). Thực hiện vận đơn qua các công ty logictic hoặc có thể tự vận đơn. Sau khi hoàn thiện đơn hàng, người bán sẽ nhận tiền qua ngân hàng sau khi đã trả đầy đủ các chi phí.

Với bán hàng chuyên nghiệp cũng tương tự như cá nhân nhưng bán hàng chuyên nghiệp chịu phí cao hơn (39,99 USD) và được hưởng một số ưu đãi cho bán hàng chuyên nghiệp.

Với những thuận lợi, khó khăn như phân tích ở trên, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục) đã có những đề xuất nhằm việc mua bán sách ngoại văn qua mạng.

Cục Xuất bản cho rằng việc kiểm soát nhập khẩu sách in qua thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu như hiện nay là cần thiết.

Dẫu vậy, việc mua sách in trực tiếp từ Amazon và các trang thương mại điện tử còn gặp một số khó khăn do phải thực hiện các thủ tục xin giấy phép nhập khẩu ở các sở.

Tuy việc này đã được giải quyết bằng việc mua sách qua các công ty ủy thác nhưng về lâu dài, để tạo thuận lợi hơn nữa, việc liên thông thông tin giữa các sở thông tin và truyền thông trong việc cấp giấy phép nhập khẩu là cần thiết, vừa tạo sự thống nhất, vừa rút ngắn quá trình cấp.

Vì vậy, Cục kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có phương án chỉ đạo và các phương án kỹ thuật để các sở thực hiện việc liên thông thông tin (ví dụ cung cấp thông tin lên trang của Bộ hoặc Cục để các Sở có thể tra cứu).

Đối với việc xuất khẩu sách, hiện nay, Cục đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Chương trình sách Quốc gia trong đó có tích hợp nội dung liên quan đến thông tin đối ngoại. Ngoài ra, Cục Xuất bản, In và Phát hành vẫn tiếp tục liên hệ chặt chẽ với các đơn vị có hoạt động xuất khẩu sách ra nước ngoài như Fahasa, Alphabook để động viên, hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sách, văn hóa phẩm.

Sẽ khóa vĩnh viễn gian hàng bán sách lậu trên mạng

Để đối phó tình trạng sách lậu trà trộn, bán công khai trên mạng, các nhà xuất bản, công ty sách cùng sàn thương mại điện tử đi tìm giải pháp để chống vấn nạn này.

Y Nguyên

Ảnh: Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm