Lây nhiễm chéo trong khu cách ly đang là một trong những vấn đề được Hà Nội và TP.HCM quan tâm, khi hai địa phương ghi nhận số ca F1 trở thành F0 tăng nhanh những ngày qua. Những người này đều ở trong các khu cách ly tập trung trước khi được phát hiện nhiễm nCoV.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly là hiện hữu. Bởi nhiều trường hợp F1 đã mang sẵn mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện, đồng thời nhiều người cách ly tập trung không tuân thủ quy định về giãn cách, đeo khẩu trang.
Nguy cơ lây nhiễm trong phòng kín
Theo ông Nga, mục đích của khu cách ly tập trung là để tránh lây nhiễm ra cộng đồng và cắt đứt chuỗi lây nhiễm bằng cách không cho người có nguy cơ mang bệnh giao tiếp với bên ngoài. Hệ thống quản lý ở khu cách ly sẽ đảm bảo các trường hợp F1 tuân thủ việc tránh tiếp xúc với người khác.
Nên cân nhắc để trường hợp F1 có nhu cầu được cách ly tại nhà hoặc khách sạn trả phí
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Tuy nhiên, khi vào khu cách ly, có những người đã mang mầm bệnh sẵn nhưng chưa thể xét nghiệm ra ngay kết quả. Vì vậy, nếu cách ly mà để nhiều người cùng một phòng thì không an toàn vì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
"Kể cả khi chỉ có 2 người trong phòng cách ly, hai người này tuân thủ mọi biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, nói chuyện cách xa 2 m thì vẫn có nguy cơ lây bệnh cho nhau", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định và cho biết ổ dịch điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại TP.HCM là bài học về lây nhiễm trong phòng kín.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng phương pháp tối ưu nhất vẫn là cách ly một người một phòng, không cho người đang cách ly di chuyển ra khỏi phòng, không cho người ở các phòng tiếp xúc với nhau. Việc này cần được đơn vị quản lý khu cách ly giám sát qua camera.
Nhiều địa phương đang lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo bên trong các khu cách ly tập trung. Ảnh: Chí Hùng. |
Tuy nhiên, số lượng F1 phải cách ly tập trung quá lớn, nếu mỗi người cách ly một phòng thì có thể gây quá tải. Vì vậy, chuyên gia cho biết căn cứ vào mức độ đáp ứng của cơ sở vật chất, địa phương vẫn có thể cách ly chung nhiều người một phòng.
Lúc này, mọi người trong phòng cần đảm bảo luôn đeo khẩu trang, tốt nhất là nên dùng mũ chống giọt bắn, không ăn uống chung, không dùng đồ đạc chung và luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Việc này phải do người quản lý khu cách ly giám sát qua hệ thống camera đã được lắp đặt. Tuy nhiên, ông Nga nhấn mạnh một lần nữa việc cách ly này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nói về đề xuất cho F1 cách ly tại nhà, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết biện pháp này sẽ hiệu quả nếu như thiết lập được hệ thống giám sát người cách ly ở nơi cư trú. Việc giám sát này có thể do người nhà thực hiện hoặc do chính cơ quan chức năng quản lý, đồng thời các trường hợp cách ly phải ký cam kết chịu phạt nếu vi phạm quy định về phòng dịch.
"Nếu không thể đảm bảo các biện pháp an toàn trong khu cách ly tập trung, các địa phương nên cân nhắc để trường hợp F1 có nhu cầu được cách ly tại nhà hoặc khách sạn trả phí. Việc này cũng giúp giảm tải cho khu cách ly", ông Nga cho biết.
Chuyên gia nhấn mạnh đợt dịch này phức tạp hơn nhiều so với các đợt trước và nguy cơ kéo dài do những người nhiễm bệnh đã đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, số lượng F0 tiếp tục tăng. Vì vậy, cách ly tập trung là biện pháp hữu hiệu để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, nhưng cũng có thể phản tác dụng nếu để lây nhiễm chéo.
Sẵn sàng "chung sống với dịch"
Nói thêm về tình hình dịch bệnh ở TP.HCM khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố và cách ly xã hội ở quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12), PGS.TS Nguyễn Huy Nga đánh giá các biện pháp đã phần nào đạt hiệu quả khi khoanh vùng được các ổ dịch và số ca nhiễm giảm.
Dần dần, các địa phương phải chuyển sang chống dịch ở trạng thái mới, sống chung với dịch
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Chuyên gia cho rằng bên cạnh việc đáp ứng đủ cơ sở cách ly tập trung, giám sát chặt chẽ người đang cách ly, TP.HCM cần triển khai thêm nhiều biện pháp để vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, vừa tiếp tục phòng, chống dịch bệnh hiệu quả khi địa phương chuẩn bị kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội.
Ông Nga cho rằng sau thời gian giãn cách, TP.HCM cần xác định tinh thần "chung sống với dịch" bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, sát khuẩn tay thường xuyên...
Đồng thời, TP cần tìm cách đẩy nhanh tiến độ mua vaccine, tiêm vaccine cho người dân.
"Ngoài lực lượng tuyến đầu, đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine là người già, người có bệnh nền vì những người này có nguy cơ tử vong nếu nhiễm virus cao hơn người trẻ, người không có bệnh nền", ông Nga nói.
Chuyên gia cho biết TP.HCM cần sẵn sàng cho tình huống chung sống với dịch. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Chuyên gia cũng khuyến cáo hết thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM cần tiếp tục tăng cường khám sàng lọc. Tất cả người đến khám ở bệnh viện nên được xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng mệt mỏi không rõ nguyên nhân, ho, sốt phải được sàng lọc.
Bên cạnh đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng TP.HCM có thể áp dụng mô hình quản lý công nhân như Bắc Giang, Bắc Ninh, bằng cách cho công nhân đi làm trở lại với đầy đủ điều kiện như xét nghiệm âm tính, không có triệu chứng, không thuộc đối tượng phải cách ly...
Nếu làm việc này, TP cần xem xét các tiêu chí đảm bảo an toàn trong các nhà máy. Đồng thời, các công nhân có thể được bố trí ăn ngủ tại công xưởng sau khi hết ca làm, để tránh tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài.
Môi trường làm việc tiêu chuẩn là thoáng khí, tốt nhất không dùng điều hòa. Các bề mặt phải được lau bằng nước sát trùng, công nhân đeo khẩu trang, có vách ngăn giữa các khu vực làm việc. Ở khu ăn uống, nghỉ ngơi, công nhân sinh hoạt riêng, không ăn chung, ngủ chung và tuyệt đối giữ khoảng cách.
"Dần dần, các địa phương đều phải chuyển sang chống dịch ở trạng thái mới, sống chung với dịch, lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng là có dịch bùng phát", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Bình luận