Ông Fabian Wandt, Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam đã chia sẻ thẳng thắn về những vấn đề trên, cũng như cách Lazada - “người khổng lồ” trong thị trường TMĐT vượt qua những khó khăn ngành logistics.
- Ông có thể chia sẻ ngành hậu cần (logistics) ở Việt Nam đã phát triển như thế nào?
- Từ những ngày đầu tiên Lazada tiến vào thị trường Việt Nam năm 2012, không có khái niệm về ngành hậu cần từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C), mà chỉ có giữa doanh nghiệp với nhau (B2B). Điều đó không phù hợp với hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Khi đó Lazada đã hợp tác với Vietnampost vì họ có khả năng giao hàng trên toàn quốc, cũng như hoạt động B2C - đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng một đối tác giao nhận sẽ không đủ.
Vì vậy, chúng tôi đã thành lập dịch vụ giao hàng của riêng mình - Lazada Express (LEX). Từ 2 đơn vị giao nhận, giờ đây chúng tôi đang làm việc với 10-12 đơn vị giao nhận khác nhau. Mỗi đối tác sẽ giúp chúng tôi phục vụ những nhu cầu khác nhau: giao hàng nhanh, giao hàng cho các hàng hóa IKEA như đồ nội thất, cũng như lắp đặt sản phẩm.
- Đâu là thách thức lớn nhất mà Lazada đang phải đối mặt?
- Việt Nam có TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố lớn. Nhưng khoảng cách giữa 2 thành phố lại quá xa và hạ tầng giao thông kết nối chưa tốt. Hệ thống đường sắt không đủ để vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và Hà Nội hoặc ngược lại. Vì vậy, chúng tôi đã tận dụng đường hàng không để vận chuyển hàng hóa giữa 2 thành phố.
Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam hiện chưa có máy bay chuyên chở hàng hóa, nên chúng tôi phải sử dụng các máy bay dân dụng của Vietnam Airlines, Jetstar… Chúng tôi phải đưa những kiện hàng đến khoang chứa hàng hóa của máy bay. Với phương tiện này, các mặt hàng như pin sạc dự phòng, điện thoại di động… không được phép vận chuyển.
Ông Fabian Wandt, Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam. |
Bên cạnh đó, một thách thức lớn đối với ngành hậu cần hiện nay chính là giao thông. Hãy nhìn TP.HCM và Hà Nội vào giờ cao điểm, đường sá chật cứng với vô vàn xe tải và xe máy. Mỗi khi bị kẹt xe, các xe giao hàng của chúng tôi sẽ đến với khách hàng trễ, kéo theo hệ quả đối với những khách hàng tiếp theo, hoặc thậm chí là không đến được với họ vì đã quá trễ.
Ngoài ra, quy định thời gian cho các xe tải hoạt động cũng là một vấn đề lớn đối với chúng tôi. Trong nội thành, xe tải không được hoạt động từ 16h đến 20h mỗi ngày.
- Chương trình "Cách mạng mua sắm" vào 11/12 đến 14/12 dự kiến thu hút đông đảo người mua hàng. Vậy Lazada sẽ chuẩn bị hệ thống kho bãi như thế nào?
- Ngay sau chương trình Cách mạng mua sắm vào tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã tiến hành chuẩn bị và triển khai thêm nhiều kế hoạch. Trong vòng 4-5 tháng nay, chúng tôi đã mở thêm 4 trung tâm xử lý đơn hàng khắp Việt Nam. Tổng cộng, chúng tôi có hơn 100.000 m2 diện tích kho bãi.
Đầu năm sau, chúng tôi sẽ mở thêm trung tâm xử lý đơn hàng tại Đà Nẵng để phục vụ cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Lượng khách hàng tại miền Trung đang tăng cao nên chúng tôi sẽ mở thêm một nhà kho ở khu vực này.
Chúng tôi phải tìm kiếm những nhà cung cấp phù hợp với khả năng phù hợp để vận hành nhà kho. Chúng tôi cũng chuyển hàng trăm nghìn hàng hóa đến Hà Nội, từ cơ sở cũ có diện tích 5.000 m2 đến một cơ sở mới có diện tích gấp đôi. Chúng tôi vẫn phải hoàn thành những đơn hàng trong khi chuyển nhà kho. Vậy nên bạn có thể tưởng tượng khối lượng lớn công việc như thế nào, khi phải chuyển hàng hóa, bảo đảm an ninh và phân công đúng người cho đúng việc. Tất cả điều này yêu cầu nhiều thời gian, và thông thường mất hơn 1,5 tháng để hoàn thành.
Họp báo ra mắt chương trình Cách mạng mua sắm 2017 của Lazada. |
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của nền công nghiệp kho bãi (warehouse) tại Việt Nam?
- Công nghiệp kho bãi tại Việt Nam đang thay đổi. Trong vòng 2 năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chất lượng kho bãi. Tôi nhớ lại thời gian đầu, khi chúng tôi phải đi kiếm nhà kho, trong 25-30 nhà kho thì chỉ có một cái chất lượng tương đối. Nhà kho đầu tiêu của chúng tôi có nhiều lỗ hổng trên mái nhà, khiến kho bãi bị dột mưa. Đã vậy, kho bãi này còn ở Cát Lái, khá xa thành phố.
Chúng tôi có nhân viên xuyên suốt từ sáng đến chiều để vận hành kho bãi. Theo tôi, điều này làm nên sự khác biệt giữa ngành hậu cần B2B và B2C. Với các kho bãi B2B, chỉ cần một vài nhân viên điều khiển xe nâng hàng hóa. Nhưng tại các cơ sở của chúng tôi, có đến 300 nhân viên mỗi ca để vận hành, lựa chọn, đóng gói hàng hóa, bảo đảm nhiệt độ trong phòng phù hợp. Chúng tôi cũng cần phải lắp đặt thiết bị báo cháy, làm mát, vòi phun nước… để phục vụ cho các nhân viên kho bãi.