Khi trở thành bố mẹ, đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với vô số các tình huống như con cái nghịch ngợm, người lúc nào cũng nhem nhuốc, đồ chơi vương vãi đầy nhà...
Những tình huống như thế thêm với áp lực trong công việc, từ cuộc sống hàng ngày khiến bạn mất đi sự bình tĩnh, trở nên cáu gắt, thậm chí dùng đòn roi với trẻ để giải toả ức chế. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại nhiều bậc phụ huynh vẫn tồn tại suy nghĩ "yêu cho roi cho vọt".
Khi áp dụng phương pháp này họ đang ngộ nhận sự khôn lớn, dạn dày là kết quả của việc rèn giũa nghiêm khắc bằng đòn roi, quát mắng, bằng những lời hứa trong nước mắt.
Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng việc giáo dục trẻ bằng roi vọt không chỉ tổn hại đến thể chất mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, trí tuệ của các bé.
Với mong muốn giúp các bậc cha mẹ có thể tạo ra môi trường sống, định hình nhân cách trẻ phát triển một cách toàn diện thông qua phương pháp không đòn roi Tiến sĩ Y khoa Daniel và Tiến sĩ Triết học Tina Payne đã cho ra đời cuốn sách Phương pháp dạy con không đòn roi.
Cuốn sách Phương pháp dạy con không đòn roi của tác giả Daniel và Tina Payne. |
Trong cuốn sách, 2 tác giả đã chỉ ra 20 sai lầm của việc kỷ luật mà bất kỳ cha mẹ nào cũng dễ dàng phạm phải. Từ đó hướng họ cùng nghĩ lại về phương pháp kỷ luật, cách xử lý hành vi và sự ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Thông qua việc làm này, cha mẹ sẽ biết cách biến cơn thịnh nộ thành sự thanh thản.
Trong Phương pháp dạy con không đòn roi tác giả tập trung đi sâu vào công thức 3W (wait - what - why) đối với việc nuôi dạy con trẻ. Wait (đợi chờ) cha mẹ phải đặt mình ra khỏi bối cảnh câu chuyện, từ từ quan sát (what) để tìm ra nguyên nhân dẫn đến hành vi sai trái của trẻ.
Khi ta quan sát, hiểu rõ từng vấn đề và lấy lại sự bình tĩnh sẽ đưa ra 3 câu hỏi (why): Mong muốn của con sau hành vi đó là gì? Điều bạn muốn dạy con là gì? Dạy con theo cách nào là tốt nhất?
Những việc làm của trẻ đối với người lớn đó là hành vi vô lý. Nhưng với trẻ nhỏ những câu hỏi ngây ngô, sự tò mò về mọi thứ xung quanh luôn vô hạn. Khi ta chịu khó lắng nghe và suy nghĩ như những đứa trẻ bạn sẽ hiểu, thông cảm với hành vi phá phách của con cái. Mặt khác, hành động này chính là những bài học giúp trẻ khám phá thế giới rộng lớn.
Việc trẻ quấy khóc hay phá rối, mục đích của bé chính là thu hút sự chú ý của mọi người. Vì vậy, biện pháp duy nhất để giải quyết mọi vấn đề là dành tình yêu thương cho con trẻ nhiều nhất có thể.
Nhưng yêu thương không đồng nghĩa với việc nuông chiều vô hạn, ta cần biết đưa ra ranh giới. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh thay vì ra lệnh hay yêu cầu trẻ phải làm theo ý mình hãy kết nối với con và đặt mình vào vị trí để hiểu chúng đang nghĩ gì.
Mối quan hệ với con cái luôn là trung tâm cho mọi thứ chúng ta làm. Bất kể ta đang chơi với chúng, nói chuyện hay cười cùng với chúng, hoặc thậm chí kỷ luật chúng, ta cũng muốn bọn trẻ cảm nhận được mức độ sâu sắc của toàn bộ tình yêu thương và thiện ý của chúng ta, dù chúng ta đang công nhận một hành động tử tế hay chỉ ra hành vi sai trái.
Chỉ qua gần 400 trang sách, 2 tác giả cho ta thấy được tầm quan trọng của sự kết nối và thấu hiểu, sự kiên nhẫn và bền bỉ. Giúp những người làm cha, làm mẹ có thể tạo ra môi trường tốt nhất để trẻ được tự do phát triển nhưng vẫn nghe lời, ngoan ngoãn mà không cần dùng đến những phương pháp cực đoan.