Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 1/4 Viettel đã nâng băng thông lên gấp 2 lần và không tăng giá cho toàn bộ khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cáp quang của Viettel trên toàn quốc.
Tốc độ Internet cáp quang được Viettel cam kết tăng gấp đôi với giá cước không đổi cho đến khi Việt Nam công bố hết dịch. |
Chương trình ưu đãi này sẽ được áp dụng cho tới khi Việt Nam công bố hết dịch. Sau đó băng thông sẽ trở lại về mức khách hàng đang sử dụng trước đây.
Viettel tăng gấp đôi, VNPT tăng tốc độ tối thiểu, FPT chưa làm gì
Trả lời Zing ngày 3/4, VNPT cho biết sẽ tăng tốc độ của tất cả gói Internet hoặc gói tích hợp Internet & Truyền hình có tốc độ dưới 50 Mbps.
Về phía FPT Telecom, nhà cung cấp dịch vụ Internet này chưa có thông tin gì về việc tăng tốc độ Internet.
Theo số liệu Cục Viễn thông, Bộ thông tin và Truyền thông công bố, lưu lượng truy cập Internet tại Việt Nam trong tháng 3 đã tăng mạnh so với tháng trước 40%.
Mặc dù tăng chi phí đầu tư nhưng Viettel vẫn quyết định mở rộng băng thông cho khách hàng và giữ nguyên giá. "Đây là lúc Viettel cùng chung tay đẩy lùi Covid-19 và là dịp để tri ân khách hàng trong giai đoạn khó khăn này", đại diện nhà mạng Viettel cho biết.
Tuy vậy, cả ba nhà mạng vẫn chưa có kế hoạch tăng dung lượng tốc độ cao cho các gói cước di động.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các nhà mạng đã và đang nâng cấp tốc độ Internet để phục vụ người dân làm việc và học tập tại nhà, tuyến cáp biển quốc tế AAG lại đang gặp sự cố.
Tuy vậy, truy cập Internet từ Việt Nam ra quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng bởi tuyến cáp AAG vừa gặp sự cố. |
Trả lời Zing, một nhà cung cấp mạng Internet cho biết sự cố này chỉ ảnh hưởng khi người dùng truy cập các trang web quốc tế. Tốc độ gói cước Internet cáp quang tăng gấp đôi sẽ vẫn giữ nguyên khi truy cập website nội địa.
Cách kiểm tra tốc độ Internet
Để kiểm tra tốc độ mạng đã được tăng chưa, người dùng truy cập trang www.speedtest.net, chọn "Go" để bắt đầu kiểm tra tốc độ mạng.
Công cụ đo này sẽ trả về ba thông số gồm độ trễ (ping), tốc độ tải lên và tốc độ tải xuống. Sau khi có được ba kết quả trên, người dùng đối chiếu với gói cước mà nhà mạng cam kết trong thỏa thuận dịch vụ.
Ví dụ, nếu gói cước mua từ nhà mạng được cam kết tốc độ 22 Mbps thì tốc độ sau khi tăng sẽ dao động từ 30-45 Mbps tùy vào từng khung giờ.
Ngoài ra, người dùng có thể tải file từ các trang trong nước cho phép sử dụng tối đa băng thông để theo dõi tốc độ tải thật của nhà mạng. Sau khi chọn tải, người dùng sử dụng tổ hợp phím Ctrl+J để mở thẻ tải về. Lúc này người dùng có thể theo dõi tốc độ tải của file.
Tuy vậy, cả hai cách kiểm tra trên đều sẽ có sai số nhưng không nhiều. Những sai số này đến từ các yếu tố như giờ cao điểm, chất lượng router, cáp mạng...
Hỗ trợ lực lượng chống dịch tuyến đầu
Bên cạnh việc tăng tốc độ Internet cáp quang cho người dùng toàn quốc, nhiều nhà mạng cũng phát hành gói ưu đãi cho những người đang trực tiếp chống dịch.
Từ ngày 27/3, Viettel tặng gói ưu đãi đặc biệt cho lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm cán bộ y tế, đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, tình nguyện viên tại khu cách ly... với 2 GB lưu lượng data tốc độ cao/ngày.
Các nhà mạng cũng hỗ trợ kết nối cho những người tham gia tuyến đầu chống dịch. |
Bên cạnh đó, Viettel cũng miễn phí tất cả các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút và tặng 50 phút gọi ngoại mạng/tháng. Gói ưu đãi này được áp dụng cho đến khi Việt Nam công bố hết dịch.
Đối với khách hàng tại các khu cách ly tập trung, Viettel tặng gói ưu đãi có thời hạn sử dụng trong 14 ngày gồm: 3 GB data tốc độ cao, miễn phí toàn bộ các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút.
"Chi nhánh Viettel tại các địa phương sẽ liên hệ ban chỉ đạo từng khu cách ly để tổng hợp danh sách và hỗ trợ tư vấn đăng ký dịch vụ", đại diện nhà mạng này chia sẻ về phương thức thực hiện.
Trong khi đó, nhà mạng VinaPhone cũng công bố áp dụng gói cước 0 đồng cho tất cả thuê bao thuộc 2 nhóm gồm: đội ngũ phòng chống dịch và người dân tại các khu cách ly.
Ưu đãi được áp dụng từ ngày 1/4 đến khi Việt Nam công bố hết dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các thuê bao sẽ có mỗi tháng 1.500 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng và 60 GB dữ liệu truy cập Internet tốc độ cao (2 GB/ngày).
Riêng khu vực làm việc của nhân viên y tế, VinaPhone cam kết cung cấp miễn phí thêm Internet tốc độ 50 Mbps và truyền hình MyTV Net.