Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cách hai đảng Dân chủ, Cộng hòa thao túng cử tri

Dù gửi đi những thông điệp rất khác nhau, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tận dụng các công cụ bị coi là mang tính "thao túng", thu về hàng trăm triệu USD cho chiến dịch tranh cử.

bau cu my anh 1

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Đây là thời điểm hai đảng Dân chủ, Cộng hòa chạy đua vận động tài chính từ cử tri để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử đắt đỏ. Một trong các công cụ giúp hai đảng kiếm hàng trăm triệu USD là gửi lượng lớn tin nhắn tới số điện thoại, thư điện tử của các cử tri, theo Guardian.

Đảng Cộng hòa

Với đảng Cộng hòa, mọi chiến dịch dường như đang xoay quanh sự trung thành với đảng, với cựu Tổng thống Donald Trump. Dù ông Trump không ra tranh cử năm nay, cựu tổng thống vẫn là gương mặt để đảng thu hút sự ủng hộ của cử tri bảo thủ.

Thư điện tử từ Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa hứa hẹn một số đặc quyền khi quyên góp, như trở thành thành viên trong Câu lạc bộ vàng của ông Trump, Hội đồng cố vấn Trump hay Câu lạc bộ Nước Mỹ trên hết...

Nội dung thư không nói rõ lợi ích thực sự khi là thành viên các nhóm nói trên. Phía dưới thư điện tử thường có ảnh của cựu Tổng thống Trump để thêm phần thuyết phục.

Nếu không quyên góp, có khả năng cử tri nhận được những tin nhắn mang tính chất nhắc nhở kiểu như "Hồ sơ của chúng tôi cho thấy tư cách thành viên Hội đồng cố vấn Trump của bạn vẫn đang chờ kích hoạt".

bau cu my anh 2

Lòng trung thành với đảng và ông Trump được phe Cộng hòa sử dụng làm công cụ quyên góp. Ảnh: Reuters.

Một tin nhắn mang tính cảnh báo dọa sẽ "đình chỉ" tư cách thành viên một hội, nhóm nào đó của cử tri với thông điệp "Người yêu nước! Bạn không bao giờ trả lời!".

Nếu tiếp tục không quyên góp, cử tri có thể nhận được những tin nhắn hung hăng hơn như "Chúng ta có cần nói chuyện không ông bạn?".

Tuy vậy, đảng Cộng hòa cũng sử dụng những thông điệp tán dương như "người yêu nước vĩ đại nhất", "người ủng hộ mạnh mẽ", thậm chí kết nạp vào các hội nhóm thương hiệu Trump khi chưa quyên góp để khuyến khích cử tri mở hầu bao.

Nhóm marketing của đảng Cộng hòa có vẻ tin rằng cử tri, khi bị cáo buộc thiếu trung thành với đảng, sẽ sẵn sàng quyên góp.

Trong các tin nhắn và thư điện tử kêu gọi tài trợ, đảng Cộng hòa cũng "bôi đen" đảng Dân chủ, miêu tả đối phương là những người thiếu trung thành với đất nước, thậm chí là kẻ thù của nhân dân Mỹ.

Trong một email gửi đi hồi tháng 3 sau khi chiến sự bùng phát tại Ukraine, đảng Cộng hòa nói về thăm dò cử tri cho thấy các thành viên phe Dân chủ sẽ rời khỏi đất nước nếu Mỹ bị tấn công.

"Các bạn sẽ chiến đấu vì tổ quốc nếu đất nước bị tấn công chứ? Chúng tôi cần phản hồi từ các bạn trước nửa đêm. Nếu không, chúng tôi sẽ coi bạn về phe Dân chủ, những người không sẵn sàng xả thân vì nước Mỹ", tin nhắn nói.

George Lakoff, giáo sư Đại học Berkeley, nhận xét thông điệp từ đảng Cộng hòa giống như bậc bề trên nghiêm khắc nói với con cháu.

"Đảng Cộng hòa là một hệ thống dựa trên thứ bậc quyền lực. Thông điệp của họ giống như nêu ra điều chắc chắn đúng và cử tri cần làm theo", ông Lakoff nói.

Đảng Dân chủ

Đối thủ của phe Cộng hòa là đảng Dân chủ cũng có xu hướng cường điệu hóa trong các thông điệp vận động tài trợ, nhưng sử dụng thông điệp rất khác, tỏ ra dễ bị tổn thương, bi quan, tự hạ thấp đảng mình.

"Chúng tôi xuống nước cầu xin bạn. Bầu cử chỉ còn 64 ngày nữa, chúng tôi rất quan ngại", một tin nhắn vận động đảng Dân chủ gửi đi hồi tháng 9.

Phe Dân chủ cố ý tạo cho cử tri cảm giác vận động quyên góp là điều đảng này rất ngần ngại, với những tin nhắn như "Chúng tôi rất ghét phải hỏi bạn" hay "Xin hãy dành một phút đọc tin nhắn này và bạn có thể không cần quyên góp".

Phe Cộng hòa tạo cho cử tri cảm giác bất an về tương lai như "Nếu thiếu dù chỉ 1 USD, chúng ta có thể mãi mãi mất Hạ viện vào tay Pelosi". Đảng Dân chủ cũng có chiến thuật tương tự, dù dùng giọng điệu ít trịch thượng hơn như "Chúng tôi cầu xin các bạn, chúng ta có thể không hoàn thành mục tiêu".

bau cu my anh 3

Tin nhắn vận động quyền góp của đảng Dân chủ. Ảnh: Guardian.

Khi không "cầu xin", đảng Dân chủ dường như gặp khó khăn để truyền tải thông điệp. Trong khi phe Cộng hòa dùng các thông điệp ngắn gọn, đơn giản, đảng Dân chủ có xu hướng gửi đi những tin nhắn dài, phức tạp, khiến cử tri khó tiếp thu.

Mặc dù vậy, tin nhắn của đảng Dân chủ mang lại cảm giác ấm áp hơn, khi sử dụng thường xuyên những từ như "người bạn", "làm ơn", hay những thông điệp như "Đây là thời khắc đấu tranh cho đất nước với tất cả những gì chúng ta có", "Các bạn truyền sức mạnh cho đảng Dân chủ".

Giáo sư Lakoff cho rằng thông điệp của đảng Dân chủ giống như đến từ bậc cha mẹ hiền hòa, "không nghiêm khắc áp đặt" lên cử tri.

Việc sử dụng những từ như "cầu xin" dường như dựa trên giả định rằng người nhận được thông điệp muốn làm điều tốt, sử dụng sự yếu thế để lôi cuốn đồng cảm từ cử tri.

Chiến thuật chung

Dù sử dụng những giọng điệu rất khác, có những điểm chung trong cách hai đảng dẫn dắt cử tri. Bên cạnh việc tạo cho cử tri mặc cảm tội lỗi nếu không quyên góp, hai đảng sử dụng những cách thức có thể coi là "thủ đoạn".

Nghiên cứu của Đại học Princeton cho thấy thư điện tử từ cả hai đảng sử dụng kỹ thuật "thao túng", tạo cho cử tri cảm giác như đang thực sự trò chuyện với chiến dịch tranh cử.

bau cu my anh 4

Ông Trump vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa ở California. Ảnh: Getty.

Nhiều thư điện tử từ đảng Dân chủ, dù lần đầu gửi tới cử tri, có tiêu đề "phản hồi" tạo cảm giác đó là thư liên quan tới một cuộc trò chuyện trước đó của người nhận.

Trong khi đó, thư điện tử của đảng Cộng hòa thậm chí sử dụng những tiêu đề như "Chuyến bay của bạn đã bị hủy", chỉ khi mở ra, người nhận mới biết nội dung thực sự.

Justin Gross, chuyên gia khoa học chính trị Đại học Massachusetts, cho rằng cả hai đảng đều tìm kiếm sự ủng hộ tài chính bằng cách khơi gợi trong cử tri "sự căm ghét với những gì đảng đối lập đang làm".

Theo ông Gross, sự sợ hãi là "động lực to lớn" và tích tụ mỗi ngày từ nhiều luồng thông tin, vận động khác nhau.

"Chúng ta cảm thấy không biết phải làm gì. Và khi các đảng chính trị đề nghị quyên góp, chúng ta sẽ coi đó là cách san sẻ sự lo lắng, bởi đó là điều tối thiểu chúng ta có thể làm", ông Gross nói.

Bang chiến lược để ông Trump khẳng định uy quyền

Tại Pennsylvania, một trong những bang then chốt của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022, sức ảnh hưởng của ông Trump có thể là yếu tố đem lại thắng lợi quan trọng cho đảng Cộng hòa.

Chiến thắng phút chót của ông Biden

Trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc thi hành sắc lệnh nhằm ngăn chặn cuộc đình công ảnh hưởng tới hệ thống tàu hỏa quốc gia.

Duy Anh (Theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm