Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách Emma Watson 'vung đũa thần' chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ

Bài phát biểu của Emma Watson đánh dấu việc khởi động chiến dịch #HeForShe của Liên Hợp Quốc, kêu gọi nam giới trở thành đồng minh trong mục tiêu của hoạt động nữ quyền.

Emma Watson phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: VanityFair.

Trong suốt thời niên thiếu, Emma Watson đã đóng vai nữ chính Hermione Granger trong loạt phim Harry Potter lừng lẫy. Khi Ban Ki-moon giới thiệu cô phát biểu vào năm 2014, ông đã nói: “Bạn đã vẫy một chiếc đũa thần trong bộ phim của mình… Tôi hy vọng bạn sẽ dùng chiếc đũa thần của mình để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”. Không có đũa, Watson đã dùng lời nói của mình.

Bài phát biểu đánh dấu việc khởi động chiến dịch #HeForShe của Liên Hợp Quốc, kêu gọi nam giới trở thành đồng minh trong mục tiêu của hoạt động nữ quyền. Bài phát biểu đã có hơn 5 triệu lượt xem trên YouTube.

Ban đầu, sự nổi tiếng của Watson có thể đã thu hút nhiều người xem, đặc biệt là những người trẻ tuổi, nhưng bản thân bài phát biểu đã trở nên nổi tiếng vì thông điệp rõ ràng của nó: Bình đẳng giới cũng là vấn đề của bạn.

Cô đã phát biểu một cách thận trọng và nghiêm túc. Và bài phát biểu của cô không đưa ra giả định nào về quan điểm của người xem. Cô không hướng lời nói của mình vào những người có cùng quan điểm, cô hướng đến việc thuyết phục mọi người.

Sau này, Watson có nói rằng người ta đã khuyên cô không nên sử dụng từ “nữ quyền” trong bài phát biểu, nhưng cô nhận ra đó chính là vấn đề.

Cô đã cố gắng giải thích một cách kỹ càng tại sao cô tự gọi mình là một nhà nữ quyền và ý nghĩa của nó. Cô liệt kê một cách thận trọng những trải nghiệm cá nhân đã khiến cô thách thức những định kiến ​​về giới: năm 8 tuổi bị mô tả là hách dịch, năm 14 tuổi bị báo chí tình dục hóa.

Và bài diễn văn đã tạo được sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Phụ nữ trẻ trên khắp thế giới đã xem bài phát biểu và cảm thấy được trao quyền sử dụng từ “nữ quyền”, coi nó như một từ tích cực và mạnh mẽ.

Ngay cả Malala, người đã công khai vận động cho giáo dục trẻ em gái trong nhiều năm, sau này đã nói với Watson rằng cô thấy từ “nữ quyền” là một từ khó dùng trước khi xem bài phát biểu của Watson: “Em đã do dự trong khi nói rằng mình có phải nhà nữ quyền hay không? Sau khi nghe bài phát biểu của chị, em quyết định… tự gọi mình là một nhà nữ quyền không có gì sai cả”.

Các diễn viên trẻ hoặc người làm nghệ thuật trẻ, những người thực hiện bước nhảy từ sân khấu kịch sang sân khấu chính trị thường phải đối mặt với những phản ứng trái chiều. Sự nổi tiếng của họ có thể khiến đối phương khó làm họ im lặng hơn, nhưng quyết định lên tiếng vẫn là một quyết định khó khăn và địa vị của họ không thể bảo vệ họ khỏi sự đả kích mà sau đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Watson nói rằng bài phát biểu đã dẫn đến “một mức độ chỉ trích mà tôi chưa bao giờ trải qua trong đời và là khởi đầu của một loạt những đe dọa”.

Nhưng như cô nói trong bài phát biểu này, cô đã tự hỏi mình, giống như nhiều phụ nữ trong cuốn sách này đã làm từ bấy đến giờ: "Nếu không phải tôi thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì khi nào?".

Hôm nay chúng tôi đang phát động một chiến dịch có tên là “HeForShe”.

Tôi chuyển lời đến bạn vì tôi cần sự giúp đỡ của bạn. Chúng tôi muốn chấm dứt bất bình đẳng giới và để làm được điều đó, chúng tôi cần mọi người cùng tham gia.

Đây là chiến dịch đầu tiên thuộc loại hình này tại Liên Hợp Quốc: chúng tôi muốn khuyến khích càng nhiều nam giới trở thành những người ủng hộ bình đẳng giới càng tốt. Và chúng tôi sẽ không chỉ nói suông, mà sẽ đảm bảo rằng việc này không phải là giấc mơ hão huyền.

Tôi đã được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho Phụ nữ Liên Hợp Quốc cách đây sáu tháng và tôi càng nói nhiều về nữ quyền, tôi càng nhận ra rằng đấu tranh cho quyền của phụ nữ thường bị xem là đồng nghĩa với thù ghét nam giới. Nếu có điều gì mà tôi biết chắc chắn, thì tôi biết phải chấm dứt cách nhìn nhận này.

Sự thật, định nghĩa về chủ nghĩa nữ quyền là: “Đàn ông và phụ nữ phải có quyền và cơ hội bình đẳng. Đó là lý thuyết về bình đẳng giới trong chính trị, kinh tế, xã hội”.

Tôi bắt đầu thắc mắc về các giả định dựa trên giới tính từ khi lên tám tuổi, tôi cảm thấy hoang mang khi bị gọi là “hách dịch”, vì tôi muốn đạo diễn những vở kịch mà chúng tôi đóng cho cha mẹ xem - nhưng con trai thì không bị gọi thế.

Khi tôi mười bốn tuổi, một số báo bắt đầu tình dục hóa tôi.

Ở tuổi mười lăm, các bạn gái của tôi bắt đầu bỏ đội thể thao vì họ không muốn ngoại hình của mình trở nên “cơ bắp”.

Khi tôi lên 18 tuổi, các bạn nam của tôi không thể bày tỏ cảm xúc của họ nữa.

Tôi quyết định rằng mình là một nhà nữ quyền và với tôi điều này dường như không có gì phức tạp. Nhưng nghiên cứu gần đây đã cho tôi thấy rằng “nữ quyền” đã trở thành một từ không được ưa chuộng. Hóa ra tôi nằm trong số những phụ nữ có biểu hiện bị coi là quá mạnh mẽ, quá hung hăng, cô lập, thù ghét đàn ông và không quyến rũ.

Sao từ này lại tạo cảm giác khó chịu như vậy?

Tôi đến từ Anh và tôi nghĩ theo đúng lẽ tôi phải được trả lương giống như các đồng nghiệp nam. Tôi nghĩ việc tôi được quyết định các vấn đề về cơ thể tôi là một điều hợp lẽ. Tôi nghĩ phụ nữ thay mặt tôi tham dự vào các chính sách và có vai trò quyết định các vấn đề ở nước tôi là hợp lẽ. Nhưng buồn thay, sẽ chẳng có một quốc gia nào trên thế giới mà tất cả phụ nữ có thể kỳ vọng nhận được những quyền này.

Chưa có quốc gia nào trên thế giới có thể nói rằng họ đã đạt được bình đẳng giới.

Những quyền này là quyền con người, nhưng tôi là một trong số những người may mắn. Cuộc đời tôi là một đặc ân tuyệt đối bởi cha mẹ không bớt yêu tôi vì tôi là con gái. Trường học không giới hạn tôi vì tôi là con gái. Những người cố vấn nghề nghiệp của tôi không cho rằng tôi sẽ không thể tiến xa hơn vì một ngày nào đó tôi có thể sẽ sinh con. Những người có ảnh hưởng với tôi này là đại sứ bình đẳng giới đã tạo nên tôi ngày hôm nay. Có thể họ không biết nhưng họ chính là những nhà nữ quyền vô tình đang làm thay đổi thế giới ngày nay. Chúng ta cần nhiều hơn những người như họ.

Và nếu bạn vẫn ghét hai từ đó - ngôn từ không phải thứ quan trọng mà là ý tưởng và tham vọng đằng sau nó. Bởi vì không phải tất cả phụ nữ đều có được những quyền như tôi. Theo thống kê thực tế thì rất ít người được như vậy.

Năm 1995, Hillary Clinton đã có một bài phát biểu nổi tiếng ở Bắc Kinh về quyền của phụ nữ. Đáng buồn thay, nhiều điều bà muốn thay đổi vẫn là hiện thực ngày nay.

Nhưng điều tôi chú ý nhất là chỉ có 30% khán giả của bà là nam giới. Làm sao chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi trên toàn thế giới khi chỉ có một nửa được mời hoặc cảm thấy được chào đón tham gia cuộc trò chuyện?

Đàn ông - Tôi muốn nhân cơ hội này để mở rộng lời mời chính thức dành cho các bạn. Bình đẳng giới cũng là vấn đề của các bạn.

Bởi vì đến ngày nay, tôi thấy vai trò của cha tôi như một người phụ huynh không được xã hội coi trọng nhiều, mặc dù khi còn nhỏ tôi cũng cần cha hiện diện nhiều như mẹ.

Tôi đã thấy rất nhiều nam thanh niên bị bệnh tâm lý và không thể cầu cứu vì sợ rằng điều đó sẽ khiến họ trông kém “đàn ông” - trên thực tế ở Anh, tự tử là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở nam giới từ 20-49 tuổi; nhiều hơn cả tai nạn giao thông đường bộ, ung thư và bệnh tim mạch vành. Tôi từng chứng kiến ​​những người đàn ông trở nên mong manh và bất an bởi ý thức méo mó về những yếu tố tạo nên thành công của nam giới. Nam giới cũng không được hưởng lợi ích về bình đẳng.

Chúng ta thường không nói về việc đàn ông bị giam cầm trong những định kiến ​​giới nhưng tôi có thể thấy rằng họ đang bị giam cầm và khi họ được tự do, mọi thứ sẽ thay đổi với phụ nữ vì đó là kết quả tất yếu. Nếu đàn ông không cần phải tỏ ra hung hăng để được chấp nhận, thì phụ nữ sẽ không cảm thấy bị bắt buộc phải phục tùng. Nếu đàn ông không kiểm soát, thì phụ nữ sẽ không phải bị kiểm soát.

Cả nam giới và phụ nữ nên được cảm thấy tự do thể hiện sự nhạy cảm. Cả đàn ông và phụ nữ đều nên được tự do tỏ ra mạnh mẽ… Đã đến lúc tất cả chúng ta nhìn nhận giới tính trên một phạm vi, chứ không phải là hai nhóm lý tưởng đối lập nhau.

Nếu chúng ta ngừng định nghĩa nhau bằng những gì chúng ta không có và bắt đầu định nghĩa bản thân bằng những gì chúng ta đang sở hữu - tất cả chúng ta đều có thể tự do hơn và đây là những gì “HeForShe” hướng đến. Mục tiêu của nó là tự do.

Tôi muốn đàn ông hãy khoác lên lớp áo này để con gái, chị em gái và mẹ của họ có thể không phải chịu những thành kiến nữa, ​​nhưng đồng thời cũng là để con trai được phép bộc lộ bản thân và được có cảm xúc của con người - đòi lại những phần mà họ đã cố loại bỏ khỏi bản thân mình, làm như vậy họ sẽ trở nên một phiên bản chân thật hơn và trọn vẹn hơn.

Có thể bạn đang nghĩ, con nhỏ đóng trong phim Harry Potter này là ai chứ? Cô ta đang làm gì trên sân khấu tại Liên Hợp Quốc vậy? Đó là một câu hỏi hay và hãy tin tôi, tôi cũng đã tự hỏi điều tương tự. Tôi không biết liệu mình có đủ điều kiện để ở đây hay không. Tất cả những gì tôi biết là tôi quan tâm đến vấn đề này. Và tôi muốn nó trở nên tốt đẹp hơn.

Và sau khi đã chứng kiến nhiều trường hợp, tôi cảm thấy nhiệm vụ của tôi là phải nói điều gì đó khi có cơ hội. Chính khách người Anh, Edmund Burke nói: “Chỉ cần có đủ số lượng đàn ông và phụ nữ tốt không hành động gì thì thế lực tà ác sẽ chiến thắng”.

Trong lúc lo lắng vì bài phát biểu này và trong những giây phút nghi ngờ, tôi đã tự nhủ rằng - nếu không phải là tôi, thì sẽ là ai; nếu không phải bây giờ, thì tới khi nào. Nếu bạn có những nghi ngờ tương tự khi cơ hội đến với bạn, tôi hy vọng những lời đó có thể hữu ích.

Bởi vì thực tế là nếu chúng ta không làm gì thì sẽ mất tới 75 năm, hoặc khi tôi sắp một trăm tuổi, phụ nữ mới có thể được trả lương công bằng. Trong vòng 16 năm tới, 15,5 triệu trẻ em gái sẽ tảo hôn. Và với tốc độ hiện tại, phải đến năm 2086, tất cả trẻ em gái nông thôn châu Phi mới có thể được học trung học.

Nếu bạn tin vào bình đẳng, bạn có thể đã vô tình trở thành một trong những nhà nữ quyền mà tôi đã nói đến trước đó.

Và tôi hoan nghênh bạn vì điều này.

Chúng tôi đang suy nghĩ vất vả để tìm một từ thống nhất nhưng tin tốt là chúng ta đã có một phong trào đoàn kết. Nó được gọi là “HeForShe”. Tôi mời bạn bước lên, để được nhìn thấy, để lên tiếng, để trở thành “anh ấy” thay vì “cô ấy”. Và để tự hỏi bản thân: nếu không phải tôi, thì ai? Nếu không phải bây giờ, thì khi nào?

Yvette Cooper/NXB Dân trí & Tân Việt Books

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.