Khi bạn bấm nút tắt, nhiều sản phẩm như TV, đầu đĩa sẽ chuyển sang chế độ chờ.
Theo CNET, ở chế độ chờ, các thiết bị không tắt hẳn. Chúng vẫn tự nâng cấp, lưu lại những chương trình yêu thích trên các model thông minh. Với các loại máy truyền thống, chế độ này giúp thiết bị khởi động lại nhanh hơn, do đó tiêu tốn năng lượng duy trì. Lượng điện đó đôi khi được gọi là "năng lượng ma cà rồng", hoặc "năng lượng rò rỉ".
Dù đã ấn tắt, nhiều thiết bị điện tử vẫn tiêu thụ lượng điện đáng kể. Ảnh: NOVA Inferior. |
Theo Cục Năng lượng Mỹ, lượng điện năng rò rỉ này chiếm đến 10% số tiền các hộ gia đình phải trả hàng tháng.
TV, đầu đĩa, đầu kỹ thuật số không phải thứ duy nhất dùng điện theo cách này. Nhiều người có thói quen cắm sạc 24/7 dù không kết nối với điện thoại. Các cục sạc vẫn tiêu tốn khoảng 0,26 watt năng lượng mỗi ngày khi được cắm vào nguồn. Sạc laptop tiêu phí khoảng 4,42 watt khi không cắm vào máy, và khoảng 29,48 watt khi cắm vào thiết bị đã sạc đầy.
Sạc cắm không sử dụng, hoặc cắm vào thiết bị đã đầy pin cũng tiêu phí nhiều năng lượng. |
Để kiểm tra lượng điện tiêu phí, người dùng có thể tắt hết các thiết bị đang chạy trong nhà như quạt, máy lạnh, máy nước nóng... nhưng vẫn cắm điện.
Sau đó, người dùng hãy đến hộp số điện và quan sát. Nếu số vẫn nhảy, nhiều khả năng các ổ sạc của bạn đang hao phí năng lượng.
Cách tốt nhất để giảm thiểu lượng điện tiêu phí này là rút hết sạc khi không dùng đến. Nhưng phương pháp này có nhiều điểm yếu, nhất là khi các ổ cắm TV, quạt... thường được đặt sau bàn ghế, tủ và khó rút ra.
Cách đơn giản hơn là dùng các ổ cắm có công tắc, khi không dùng đến, bạn chỉ cần ngắt điện để thiết bị không thể sử dụng chế độ chờ. Nhiều ổ cắm thông minh đã có thể điều khiển từ xa hoặc tự ngắt khi cảm nhận được dòng diện.
Trong nhiều trường hợp, bạn nên thay mới thiết bị hoặc đổi loại ít tốn điện hơn. Đôi khi, các máy móc cũ có thể rẻ, nhưng về lâu dài có hiệu suất dùng điện thấp, gây phí phạm hàng tháng.