Ốm nghén là thường xảy ra vào buổi sang nhưng nó cũng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Ảnh: Mazecordblood. |
Ốm nghén thường xuất hiện vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ và bắt đầu biến mất trong tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, nó có thể thay đổi đáng kể giữa phụ nữ, thậm chí khác nhau giữa mỗi lần mang thai của cùng một người.
Chuyên gia trên Wealth of Geeks đưa ra các nguyên nhân, từ đó giúp thai phụ tìm ra cách kiểm soát tình trạng ốm nghén, thậm chí loại bỏ cảm giác buồn nôn.
Nguyên nhân có thể gây ốm nghén
Giới khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ốm nghén. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng nó có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, chẳng hạn tăng mức progesterone và hCG - hormone được tiết ra từ các tế bào hình thành trong nhau thai sau khi trứng rụng được thụ tinh và làm tổ.
Theo nghiên cứu của 2 tiến sĩ y khoa Noel M. Lee và Sumona Saha (trường Y thuộc Đại học Wisconsin, Mỹ), các yếu tố sau có thể gây ốm nghén, bao gồm tình trạng buồn nôn và nôn.
Các yếu tố nội tiết tố: Khi mang thai, nồng độ một số hormone, chẳng hạn estrogen, hCG, tăng cao, có thể gây buồn nôn và nôn.
Các yếu tố tiêu hóa: Mang thai có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến tăng sản xuất axit, trì hoãn thời gian làm rỗng dạ dày và cho cơ vòng thực quản dưới nghỉ ngơi.
Yếu tố tâm lý: Các yếu tố tâm lý như lo lắng, căng thẳng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Yếu tố di truyền: Bằng chứng cho thấy di truyền có thể đóng vai trò trong sự phát triển của chứng ốm nghén.
Các yếu tố dinh dưỡng: Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cụ thể, chẳng hạn vitamin B6 và magie, liên quan đến tình trạng ốm nghén.
Các yếu tố khác: Các yếu tố khác góp phần gây buồn nôn và nôn khi mang thai bao gồm béo phì, đa thai, tiền sử say tàu xe.
Buồn nôn là triệu chứng phổ biến của ốm nghén. Ảnh: Shutterstock. |
Triệu chứng của ốm nghén
Ốm nghén thường xảy ra vào buổi sáng nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày (kể cả ban đêm). Các triệu chứng phổ biến của ốm nghén bao gồm:
- Buồn nôn: Dạ dày không khỏe hoặc buồn nôn.
- Nôn mửa: Tình trạng này có thể từ nhẹ đến nặng hoặc kèm theo đau bụng hay chuột rút, thường xảy ra nhất sau khi ăn uống.
- Khó chịu với đồ ăn: Ốm nghén tăng độ nhạy cảm với mùi hoặc vị của một số loại thực phẩm.
- Mệt mỏi: Thai phụ cảm thấy kiệt sức suốt cả ngày hoặc sau khi gắng sức.
- Chóng mặt: Phụ nữ mang thai cảm thấy choáng hoặc mất thăng bằng, đặc biệt khi đứng dậy nhanh chóng.
Cách kiểm soát ốm nghén
Ốm nghén có thể khiến thai phụ khó chịu, đau đớn. Chuyên gia gợi ý một số mẹo, thủ thuật có thể giúp họ kiểm soát cơn ốm nghén tốt hơn, đặc biệt khi họ vẫn làm việc toàn thời gian.
Uống Vitamin B
Một số phụ nữ giảm ốm nghén bằng cách bổ sung vitamin B6 hàng ngày. Vitamin B6 có thể giúp giảm buồn nôn và nôn, cũng như cảm giác mệt mỏi khi mang thai. Tuy nhiên, thai phụ cần nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất cứ thứ gì.
Ăn bữa ăn nhỏ, thường xuyên và đồ ăn nhẹ
Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn giúp tránh để dạ dày trống rỗng, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng buồn nôn và nôn. Thai phụ nên ăn gì đó nhẹ nhàng, chẳng hạn bánh quy, bánh mỳ nướng, trái cây, sau mỗi 2-3 giờ nhằm giảm buồn nôn.
Ăn những gì có thể
Thai phụ nên cố gắng ăn những món họ có thể ăn. Chúng giúp giảm cảm giác buồn nôn. Một số người cảm thấy thoải mái hơn khi ăn đồ ăn nhạt trong khi người khác hợp với đồ ngọt.
Ăn đồ nguội
Khi dạ dày cảm thấy khó chịu, ăn thức ăn nguội là lựa chọn không tồi. Bên cạnh đó, nó thường không có mùi, giảm bớt cảm giác buồn nôn. Thai phụ cũng có thể thêm một chút chanh hoặc tinh dầu bạc hà vào món ăn để hỗ trợ tiêu hóa, ngăn buồn nôn.
Ăn đồ nhẹ nhàng
Trong thời kỳ ốm nghén, phụ nữ mang thai nên ưu tiên những món nhẹ nhàng như súp, sinh tố. Ngoài ra, sinh tố còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, protein, giúp họ duy trì năng lượng suốt cả ngày. Súp dễ tiêu hóa, nhẹ nhàng cho dạ dày và có thể cung cấp nhiều dinh dưỡng.
Ăn các món ăn nhẹ có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn khi ốm nghén. Ảnh: Sitarambhartia. |
Chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ cạnh giường
Việc thức dậy với bụng rỗng, lượng đường trong máu thấp có thể làm tăng cảm giác buồn nôn. Để sẵn bữa ăn nhẹ trên tủ đầu giường giúp bạn dễ dàng lót dạ trước khi rời giường.
Mang theo đồ ăn nhẹ cả ngày
Ngoài buổi sáng, thai phụ có thể buồn nôn bất cứ lúc nào trong ngày. Vì thế, họ có thể mang theo đồ ăn vặt như bánh quy, thanh granola để giúp giảm buồn nôn.
Uống vitamin cho thai phụ vào ban đêm
Thay đổi thời gian uống vitamin có thể giảm ốm nghén. Thông thường, uống chúng vào buổi sáng làm tăng cảm giác buồn nôn. Phụ nữ mang thai có thể đổi sang uống trước khi đi ngủ xem có tác dụng gì không.
Uống nước
Uống đủ nước là rất quan trọng. Thai phụ nên nhâm nhi nước suốt cả ngày, nhấp vài ngụm trước khi rời giường để giảm buồn nôn. Tuy nhiên, họ không nên uống ngay trước hoặc trong bữa ăn, tránh ảnh hưởng đến axit dạ dày và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể pha nước với chanh hoặc gừng để tăng thêm tác dụng.
Uống hoặc ăn gừng
Gừng là phương thuốc tự nhiên được khuyên dùng cho chứng buồn nôn. Nó có thể được dùng dưới dạng trà gừng, rượu gừng hoặc gừng kết tinh. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên thêm gừng vào đồ ăn.
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi và thư giãn rất quan trọng cho việc kiểm soát ốm nghén. Trong ngày, thai phụ nên thư giãn, ví dụ chợp mắt vào buổi trưa, để cơ thể cảm thấy thoải mái.
Ngủ đủ giấc
Đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc có thể tác động tích cực tới chứng ốm nghén. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên bỏ thói quen thức khuya xem phim hay lướt mạng xã hội.
Yêu cầu giúp đỡ
Sự giúp đỡ từ chồng và các thành viên trong gia đình, bạn bè có thể giúp phụ nữ giảm cảm giác ốm nghén. Những việc này rất đơn giản như để người nhà nấu ăn (tránh tiếp xúc với mùi gây buồn nôn), đi mua hàng tạp hóa, làm việc nhà.
Đi lại nhẹ nhàng
Vận động cơ thể nhẹ nhàng có thể giảm các triệu chứng ốm nghén. Các bài tập nhẹ như bơi lội, đi bộ hoặc yoga cũng có ích. Tập thể dục góp phần tăng cường endorphin, giúp đẩy lùi các triệu chứng ốm nghén.
Sử dụng tinh dầu
Thai phụ có thể thử dùng một số loại tinh dầu từ chanh, gừng để giảm triệu chứng ốm nghén. Tinh dầu cam quýt cũng giảm buồn nôn. Vì vậy, họ nên để sẵn chai tinh dầu chanh, bưởi bên cạnh, đặc biệt khi môi trường xung quanh có mùi (như mùi đồ ăn hay mùi ở cửa hàng tạp hóa).
Những việc nên tránh
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về việc nên tránh để tình trạng ốm nghén không trở nên tồi tệ hơn. Các tác nhân này bao gồm:
- Thiếu ngủ
- Nằm xuống sau khi ăn
- Nếm và ngửi một số loại thực phẩm, đặc biệt khi nấu ăn
- Mất nước
- Hút thuốc, hút thuốc thụ động, sử dụng ma túy
- Căng thẳng về tinh thần và thể chất
Nếu nhận ra bất kỳ tác nhân nào trong số này trong thói quen hàng ngày của mình, phụ nữ mang thai hãy cố gắng loại bỏ chúng nhiều nhất có thể.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.