Ngoài biểu tượng cảm xúc và các dán nhãn, ảnh GIF được xem là một trong những cách thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của những người giao tiếp với nhau thông qua mạng xã hội.
Kho tàng ảnh GIF trên Internet nhiều vô kể, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy một tấm ảnh phù hợp với tâm trạng và cảm xúc của mình để gửi đi. Tuy nhiên, không nhiều người biết rõ về nguồn gốc và những điều thú vị về ảnh GIF.
Tấm ảnh GIF "blinking guy". |
Nguồn gốc của ảnh GIF
Công ty đứng đằng sau những tấm ảnh GIF là CompuServe, một trong những nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lớn nhất nước Mỹ từ những năm 90 trở về trước. Công ty này hiện là một phần của Verizon - một trong những nhà mạng lớn của Mỹ.
Bức ảnh GIF đầu tiên được xuất bản vào ngày 15/6/1987 để đưa một số màu sắc vào phần tải xuống tệp trắng đen trên giao diện CompuServe.
Người được công nhận là "cha đẻ" của ảnh GIF là ông Steve Wilhite, một kỹ sư máy tính người Mỹ. Ông rất tâm đắc những bức ảnh GIF như "blinking guy", "Think man" hay Kayode Ewumi.
Ảnh GIF "Think man" thường được dùng khi ai đó có những suy nghĩ hay ho. |
Trên thực tế, tên gốc của tệp định dạng GIF là 87a (có khả năng dựa trên năm ra đời của tấm ảnh GIF đầu tiên). Nhưng sau đó, tên được đổi thành 89a.
GIF là từ viết tắt của Graphics Interchange Format (Định dạng trao đổi đồ họa). Cái tên này ra đời khi các kỹ sư quyết định lấy 6 byte đầu tiên của file ảnh và diễn giải nó bằng cách sử dụng bảng mã ASCII.
Phát âm như thế nào mới đúng?
Theo Phonearena, nhiều cư dân mạng đã tranh cãi về cách phát âm từ "GIF". Đa số mọi người phát âm với âm "g" nặng, như từ "give" /ɡɪv/ trong tiếng Anh.
Tuy nhiên, theo Daily Dot, "cha đẻ" của ảnh GIF chia sẻ cách phát âm với âm "g" nhẹ, như "jif" /ʤɪf/. Ngoài ra, phần FAQ của tài liệu trong chương trình hiển thị đồ họa CompuShow ghi rằng "GIF (Graphics Interchange Format), phát âm là "JIF", được thiết kế bởi CompuServe và thông số kỹ thuật chính phát hành vào tháng 6/1987".
Ngôn ngữ GIF
Ảnh GIF bắt đầu phổ biến hơn với người dùng từ 2007-2008 đến nay. Trước đó, việc nhắn tin chỉ giúp 2 người (nhóm người) truyền tải thông điệp và nội dung, khó thể hiện biểu cảm và cảm xúc.
Theo Statista & GSMA, có hơn 5 tỷ dân trên toàn thế giới giao tiếp thông qua tin nhắn, dù tin nhắn thoại trên các ứng dụng như iMessage hay Messenger góp phần thay đổi thói quen người dùng. Con số này chiếm hơn một nửa dân số thế giới (65%).
Theo Phonearena, ngôn ngữ cơ thể chiếm phần lớn sự thành công trong giao tiếp hàng ngày.
Theo Tiến sĩ Albert Mahrabian và 2 bài nghiên cứu cùng một chủ đề của ông, ngôn ngữ cơ thể chiếm 90% thành công trong giao tiếp. Dù điều này không đại diện cho toàn bộ các cuộc trò chuyện, nó chứng minh giao tiếp phi ngôn ngữ (âm điệu và ngôn ngữ cơ thể) đóng vai trò quan trọng để ngươi tiếp nhận hiểu đúng ý nghĩa câu nói.
Theo đó, ảnh GIF được xem là một phương thức giao tiếp trong các cuộc gọi video hoặc tin nhắn, thậm chí sự tương tác trực tiếp và cuộc gọi điện thoại, giúp cho cuộc trò chuyện trở nên hiệu quả hơn.