Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách Đèo Cả hơn 60 km, người dân vẫn bị thu phí dù không qua hầm

Gần một năm nay người dân trên địa bàn huyện Tuy An, Phú Yên, vẫn phải đóng phí khi qua trạm Bàn Thạch dù không qua hầm Đèo Cả. Người dân cho rằng đây là điều bất công đối với họ.

Từ năm 2014, hàng trăm người dân sống trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên), bất bình, kiến nghị lên tỉnh Phú Yên về việc hầm đường bộ Đèo Cả cách địa bàn huyện này gần 60 km, nhưng họ vẫn phải đóng phí mỗi khi qua trạm thu phí Bàn Thạch, mặc dù không hề đi qua hầm.

“Hầm Đèo Cả cách gần 60 km, nhưng phía nhà đầu tư lại cho xây dựng trạm thu phí trên địa bàn xã An Dân (huyện Tuy An), rồi bắt chúng tôi đóng phí cầu đường mỗi khi qua trạm.

Từ cuối năm 2016, trạm thu phí Bàn Thạch đi vào hoạt động, mỗi lần qua trạm mất 50.000 đồng, cả đi và về mất 100.000 đồng. Như vậy rất bất công, chúng tôi không hề được hưởng lợi cũng không đi qua hầm Đèo Cả. Khi bắt đầu có quyết định cho xây dựng trạm này chúng tôi đã phản ứng rồi”, anh Hồ Văn Mỹ (trú xã An Dân) bức xúc.

ham duong bo Deo Ca anh 1
Hầm đường bộ Đèo Cả đang trong giai đoạn hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: An Bình.

Trước bức xúc của người dân, Bộ GTVT có văn bản giải thích, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (thuộc địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), đã được sự đồng ý của Chính phủ cho phép đầu tư bằng hình thức BOT và BT.

Trong đó, phần vốn BOT là 10.000 tỷ đồng và BT là 5.000 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lại phần vốn BOT là 7.200 tỷ đồng và BT là 4.100 tỷ đồng.

Để thuận lợi cho nhà đầu tư Chính phủ đã hỗ trợ nhà đầu tư bằng hình thức giao quyền thu phí tại 2 trạm Bàn Thạch (đóng tại xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên) từ ngày 1/9/2013 và trạm Ninh An (thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa) từ ngày 1/7/2012 cho nhà đầu tư.

Sau khi hầm đường bộ qua Đèo Cả hoàn thành, để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km giữa các trạm thu phí theo quy định của Bộ Tài chính, trạm thu phí Bàn Thạch phải chuyển về phía bắc. Sau khi khảo sát, trạm Bàn Thạch được chuyển về địa bàn xã An Dân (huyện Tuy An).

Trả lời ý kiến của cử tri tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khoá VII, khai mạc sáng 12/7, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết việc người dân có ý kiến về trạm thu phí trên địa bàn xã An Dân là có thật.

“Sau khi người dân có ý kiến, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT làm việc với Công ty CP Đầu tư Đèo Cả xem xét miễn thu phí đường bộ đối với ôtô của người dân trên địa bàn tỉnh khi qua trạm Bàn Thạch”, ông Thế nói.

Còn theo Sở GTVT tỉnh Phú Yên, đơn vị này đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xác định đối tượng, số lượng xe đề nghị hỗ trợ miễn, giảm phí khi qua trạm thu phí nêu trên.

Trong đó, các phương tiện của người dân trên địa bàn xã An Dân (huyện Tuy An) và phường Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) 2 địa phương ở hai đầu trạm thu phí Bàn Thạch, là đối tượng được ưu tiên số một nếu phương án được Bộ GTVT duyệt.

ham duong bo Deo Ca anh 2
Trạm thu phí Bàn Thạch (chấm đỏ) thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Google Maps.

Thông hầm đường bộ 12.000 tỷ đồng qua đèo Cả

Hầm đường bộ qua đèo Cả trên quốc lộ 1 đoạn giáp ranh 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa đã được khoan thông sau hơn 900 ngày thi công.

An Bình

Bạn có thể quan tâm