Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách Đà Nẵng triển khai app chống dịch nhanh chóng, đơn giản

Tốc độ triển khai nhanh của Đà Nẵng cho thấy yếu tố then chốt trong việc dùng công nghệ để phòng chống dịch Covid-19 là sự đơn giản và thống nhất.

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến thực tế các giải pháp công nghệ chưa được sử dụng triệt để và thống nhất, gây bất tiện cho người dân, gây tình trạng tập trung đông người. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khoa học công nghệ là một trong ba trụ cột chính hỗ trợ công tác chống dịch.

Từ những ngày đầu chống dịch, nhiều giải pháp công nghệ được triển khai, nhưng việc quá nhiều ứng dụng xuất hiện với chức năng trùng lặp, thiếu liên kết dữ liệu khiến người dân nhầm lẫn và việc quản lý bị chồng chéo.

Cong nghe chong dich anh 1
Người dân nhận chứng nhận tiêm chủng qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Ảnh: Xuân Sang.

Đến nay, ngoài các ứng dụng được Bộ Y tế khuyến khích sử dụng như: khai báo y tế điện tử bằng mã QR code, ứng dụng truy vết Bluezone, Sổ Sức khỏe điện tử đăng ký tiêm vaccine, Bản đồ An toàn Covid-19... mỗi địa phương, cơ sở y tế còn có những ứng dụng riêng do mình phát triển.

Đà Nẵng làm app đơn giản, nâng cấp liên tục thay vì phát sinh nhiều ứng dụng lẻ

TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Ban đầu, Đà Nẵng triển khai cấp giấy đi đường bằng mã QR. Từ nền tảng ban đầu, các tính năng chống dịch mới sẽ dần được thêm vào, thay vì tạo thêm nhiều ứng dụng riêng lẻ.

“Ngay sau khi có yêu cầu, giao nhiệm của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Sở TT&TT đã huy động nhân lực của Sở và doanh nghiệp IT có kinh nghiệm của thành phố cùng triển khai. Sau 5 ngày đã có sản phẩm cơ bản, báo cáo lãnh đạo thành phố để xem xét đưa vào sử dụng phục vụ phòng chống dịch”, ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng nói với Zing.

Cong nghe chong dich anh 2

Người dân xuất trình mã QR code. Ảnh: Y Kiện.

Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, việc triển khai nhanh chóng như trên trước tiên nhờ sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của một số doanh nghiệp như công ty Astraler (đóng vai trò chính), công ty SDT và các trung tâm thuộc Sở.

“Ngoài ra, tính hiệu quả và nhanh chóng còn phụ thuộc mức độ sẵn sàng về hạ tầng (máy chủ, thiết bị lưu trữ, đường truyền), dữ liệu (cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh; cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội...) của thành phố và sự hỗ trợ phối hợp của các cơ quan liên quan như Văn phòng UBND thành phố, Công an thành phố, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải…”, ông Thạch phân tích các yếu tố giúp thành phố Đà Nẵng triển khai ứng dụng chỉ trong vài ngày.

Theo ông Thạch, điều quan trọng nhất khi dùng công nghệ vào chống dịch chính là là giao diện và tính năng phải đơn giản, dễ sử dụng cho mọi người dân.

Dùng công nghệ nào không quan trọng bằng việc app đơn giản, thuận lợi và hiệu quả cho người dân. Hiện QR Code là công nghệ tối ưu và hợp lý nhất trong triển khai giấy đi đường

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng nói với Zing.

Sau khi đi vào hoạt động, ứng dụng đơn giản ban đầu của TP. Đà Nẵng tiếp tục được cập nhật hàng loạt tính năng mới, thay vì phát triển riêng rẽ nhiều ứng dụng gây mất thời gian và khó đồng bộ dữ liệu.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thêm tính năng cho app như: sử dụng tiếng Anh phục vụ người nước ngoài sống tại Đà Nẵng; hỗ trợ các cơ quan phê duyệt nhanh dựa trên dữ liệu bảo hiểm xã hội, vùng nguy cơ dịch bệnh (vùng đỏ, vàng, xanh); kiểm soát không tiếp xúc, trong giám sát, thanh/kiểm tra, xử lý vi phạm và các chức năng khác phục vụ người dân”, ông Thạch chia sẻ.

“Cái khó nằm ở việc thiết kế quy trình đảm bảo phục vụ thông suốt cho nhiều nhóm cùng sử dụng hiệu quả”, ông Thạch cho biết.

Vì sao các địa phương khác chưa áp dụng tốt công nghệ?

Trừ các app chống dịch được triển khai toàn quốc (khoảng 10 app), mỗi địa phương cũng tự phát triển các nền tảng riêng và cả những ứng dụng thử nghiệm, khiến tổng số app chống dịch trên iOS và Android có thể lên đến hàng chục. Tuy nhiên, số app thực sự phát huy tác dụng trên diện rộng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Dưới góc nhìn của người có nhiều năm phát triển các nền tảng quản lý, vận hành, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech đưa ra 6 lý do có thể khiến việc áp dụng công nghệ vào chống dịch gặp phải nhiều bất cập.

Cong nghe chong dich anh 3

Ứng dụng chứng nhận tiêm chủng. Ảnh: Xuân Sang.

Theo ông Bình, có hai nhóm vấn đề gồm phi công nghệ và công nghệ. “Ở nhóm phi công nghệ, có thể việc triển khai thủ công quy trình cấp giấy đi đường là một cách hạn chế người dân vi phạm giãn cách. Thứ hai, có thể đội ngũ tham mưu chưa đủ kinh nghiệm về công nghệ thông tin để đưa ra quy trình phù hợp. Cuối cùng là tâm lý ngại học hỏi, thiếu tính liên kết giữa các địa phương và ban ngành”, ông Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, các rào cản công nghệ được ông Bình đề cập gồm: thiếu thời gian, các nhà thầu quen thuộc của địa phương không đủ năng lực và sự chồng chéo không chịu cầu thị, tiếp nhận thành công của các địa phương.

“Tuy vậy, nguyên nhân thiếu thời gian là rất thấp. Với nhiều năm làm việc trong mảng công nghệ, tôi khẳng định với năng lực hiện nay, người Việt chỉ mất không quá một tuần để thiết kế ứng dụng hoàn chỉnh, phục vụ công tác chống dịch. Nếu có nhiều thời gian hơn, công nghệ đó sẽ hiệu quả hơn”, ông Bình chia sẻ.

Mỗi app đều cần được làm tốt, không tự gây tắc nghẽn

“Điều kiện lý tưởng nhất, chúng ta luôn muốn một siêu ứng dụng chống dịch”, ông Bình cho biết. Tuy nhiên, theo ông Bình, cần lưu ý nguồn lực triển khai ứng dụng này để tránh tắc nghẽn.

“Việc có nhiều app không gây tắc nghẽn. Điều quan trọng là bản thân mỗi app phải hoạt động tốt, không tự gây ra tắc nghẽn. Có thể sau dịch, hàng chục app ấy sẽ không còn được sử dụng. Nhưng ở hiện tại, chúng phải làm tốt yêu cầu của các cấp quản lý”, ông Bình nhận định.

Cong nghe chong dich anh 4

Người dân xuất trình chứng nhận tiêm chủng bằng mã QR. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào chống dịch đến từ cả hai phía: đơn vị gia công ứng dụng và chỉ đạo hiệu quả từ các cấp lãnh đạo.

“Cấp lãnh đạo cần đưa ra được yêu cầu mạch lạc, hiệu quả và lắng nghe góp ý của các chuyên gia có tâm và có tầm. Đó mới là việc quan trọng nhất. Vấn đề không phải ở việc nên lựa chọn công nghệ nào. Vì tất cả yêu cầu của chính phủ sẽ được đáp ứng bởi công nghệ trong thời gian ngắn”, ông Bình khẳng định.

Theo ông Bình, cách đánh giá các nhà thầu năng lực có thể dựa vào nhiều yếu tố. Trong đó các doanh nghiệp nổi danh, có sản phẩm phục vụ thị trường đại chúng lâu năm và uy tín là lựa chọn hàng đầu.

"Tôi cho rằng hệ thống cấp giấy cần 'trong suốt’ với người dùng, tức là họ không cần biết giấy của họ sẽ phải chuyển cho ai, những bước nào. Họ chỉ cần nhập đủ thông tin và lý do cần ra đường, hoặc với doanh nghiệp thì thêm giấy phép đăng ký kinh doanh. Thực ra việc này không khó về mặt công nghệ, mà làm sao thực hiện nhanh nhất có thể. Công nghệ sẽ giúp các tỉnh giảm rất nhiều chi phí in ấn, giảm tiếp xúc, bỏ quy trình chồng chéo", ông Lê Việt Thắng, người sáng lập 1Office, đơn vị đang xây dựng ứng dụng chống dịch cho tỉnh Thanh Hóa nói với Zing.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Nam Long, CEO Abivin cho rằng cần có tư duy hệ thống về ứng dụng công nghệ để giảm thời gian triển khai hạ tầng.

"Để giải quyết những vấn đề này, cần có một đơn vị, ở đây là chính quyền, đặt ra bài toán với mô hình hoạt động cụ thể, với các yêu cầu quản trị, quản lý nhà nước. Sau đó, cần một đơn vị có tư duy tư vấn giải pháp, không chỉ là tư duy viết phần mềm. Sau khi mọi yêu cầu đã được định rõ, nhóm lập trình mới viết và kiểm tra. Tất nhiên, khi thời gian ít thì có thể hiểu quy trình không đầy đủ như thế", ông Long nhận định.

Ra mắt cẩm nang điện tử phòng chống dịch Covid-19

Người dân có thể cập nhật toàn bộ thông tin về phòng, chống dịch thông qua website do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế xây dựng.

Nhiều người tải nhầm ứng dụng, chưa thể đăng ký nhận cứu trợ Covid-19

Tìm app "An Sinh" trên Google Play Store, nhiều người dùng tải nhầm ứng dụng có tên "An Sinh Xã Hội" dẫn đến đánh giá tiêu cực.

Các loại tin giả xuất hiện trong dịch Covid-19

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, tin giả được tạo ra và lan truyền ngày càng đa dạng, gây hoang mang cho người dân.

Xuân Tiến - Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm