iPhone trở thành thiết bị phải có với Gen Z ở Mỹ, nếu không muốn bị bỏ lại. Ảnh: Phương Lâm. |
Apple đã nắm bắt nhóm khách hàng trẻ, thế hệ Gen Z ở Mỹ một cách triệt để. Điều này còn khiến những người dùng khác lo sợ bị tẩy chay vì không sở hữu iPhone. Chính xu hướng này sẽ giúp gã khổng lồ công nghệ tiếp tục giành được thị phần lớn trên nhiều danh mục thiết bị.
Theo dữ liệu từ nền tảng Attain, những khách hàng sinh sau năm 1996 hiện chiếm đến 34% trên tổng số người dùng iPhone ở Mỹ. Trong khi đó, chỉ 10% khách hàng của Samsung là Gen Z. Sự phổ biến của thiết bị tạo ra áp lực lên khách hàng trẻ, buộc họ phải sở hữu một chiếc iPhone nếu không muốn bị bỏ lại.
Apple nắm lấy khách hàng trẻ
Đây là một thay đổi đáng chú ý ở Mỹ khi thị phần của Apple tăng mạnh những năm qua. Từ 35% của 2019, con số hiện ở mức 50%, theo báo cáo Counterpoint năm 2022. Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại Việt Nam với doanh số tăng gấp đôi của Táo khuyết ở hạng mục điện thoại chính hãng.
Lượng người dùng trẻ có iPhone cao gấp 3 lần số sử dụng Android. Ảnh: Phương Lâm. |
Các nghiên cứu trước đó cho thấy tỷ lệ người dùng Android và iOS ở độ tuổi trung niên trở lên khá cân bằng. Riêng nhóm khách hàng trẻ, người dùng Gen Z đang dành sự ưu tiên lớn hơn cho điện thoại Táo khuyết.
Bà Shanon Cross, chuyên viên phân tích của Credit Suisse cho rằng trào lưu này sẽ không dừng lại ở điện thoại thông minh. Lý do là đa số người dùng iPhone sẽ mua thêm MacBook, Apple Watch hay AirPods.
Theo báo cáo của Canalys, cứ 100 người dùng iPhone sẽ giúp Apple bán thêm được 26 chiếc iPad, 17 Apple Watch và 35 cặp AirPods. Trong khi tỷ lệ chuyển đổi của điện thoại Samsung là 11 máy tính bảng, 6 smartwatch và 6 tai nghe không dây.
“Sức mạnh của hệ sinh thái Apple tạo ra khoảng cách mà các đối thủ cạnh tranh khó xuyên thủng. Nó khiến cho việc cố thay đổi quỹ đạo trở nên khó khăn. Apple sẽ cứ tiếp tục có thêm thị phần theo thời gian”, bà Cross nói với FT.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy người dùng trẻ hiện rất trung thành với các mẫu điện thoại Táo khuyết. 85% khách hàng dưới 25 tuổi tham gia khảo sát cho biết họ có dự định tiếp tục sử dụng iPhone. Con số này với người dùng Android chỉ bằng một nửa iOS.
Báo cáo từ Counterpoint Research cho thấy lượng khách hàng Gen Z mua (hoặc thuyết phục bố mẹ của họ mua) một chiếc iPhone cao hơn gấp 3 lần Android. Đáng nói, giá trung bình của smartphone Apple là 1.000 USD, cao hơn các dòng máy khác.
iPhone thành điện thoại tiêu chuẩn của Gen Z
Theo các nhà nghiên cứu, iPhone là thiết bị trung tâm, định hình vòng kết nối xã hội của người Mỹ trẻ tuổi. Đây là thế hệ trực tuyến nhiều nhất, dành khoảng 6 giờ mỗi ngày trên Internet.
Financial Times cho rằng iMessage, tính năng nhắn tin độc quyền là cách điện thoại Apple tạo ra sự chia rẽ. Smartphone từ thương hiệu khác không thể sử dụng chung hệ thống này của Táo khuyết. Do đó, khi một người dùng Android tham gia vào nhóm nhắn tin của các chủ sở hữu iPhone, toàn bộ tin nhắn gửi đi đều sẽ bị chuyển thành màu xanh lục.
Những tin nhắn màu xanh lam của iMessage khiến nhiều người trẻ chịu áp lực phải mua iPhone. Ảnh: Apple. |
Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc trò chuyện sử dụng giao thức SMS mặc định thay vì mạng iMessage. Đồng thời, các hình ảnh, video gửi đi thường có chất lượng kém hơn.
“Một tin nhắn màu xanh lá cây, từ người dùng Android sẽ dễ dàng bị loại khỏi cuộc trò chuyện. Vì vậy, có một áp lực xã hội vô hình buộc khách hàng trẻ phải có iPhone”, ông Annelise Hillman, Giám đốc Điều hành 24 tuổi của Frontman, một doanh nghiệp chăm sóc tóc nam giới chia sẻ quan điểm.
Kahlil Greene, nhà tư vấn độc lập 22 tuổi, được mệnh danh là “chuyên gia sử học Gen Z” cho biết vấn đề này rất khó chịu và cực kỳ phổ biến. Theo đó, nó có thể khiến người dùng Android dễ dàng bị tẩy chay online và loại bỏ khỏi các cuộc trò chuyện nhóm.
Một trào lưu video ngắn có tên ”Anh ấy 10 điểm nhưng…”, phổ biến trên các mạng xã hội gần đây. Nhiều cô gái chỉ chấm ở mức điểm dưới 5 khi được hỏi về một anh chàng dùng điện thoại Android. “Nếu tin nhắn bật lên là màu xanh lục, tôi sẽ không bao giờ trả lời”, một người trong video nói.
Apple cố tình tạo sự độc quyền cho iMessage để khuyến khích người dùng gắn bó với công ty. Ông Craig Federighi, Phó chủ tịch phụ trách về kỹ thuật phần mềm của Apple kịch liệt phản đối việc mang iMessage lên điện thoại Android từ hơn 10 năm trước.
Trong email trả lời đồng nghiệp, ông cho rằng việc mở hệ thống tin nhắn độc quyền là cách khuyến khích các gia đình dùng iPhone mua điện thoại Android cho con cái của họ.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.