Trong tiết trời nắng nóng của những ngày giữa tháng 7, người dân thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) không quên chuẩn bị những mâm lễ phẩm để tưởng nhớ hàng nghìn người chết khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885.
Cách đây 135 năm, sự kiện này khiến cả kinh thành Huế chìm trong đau thương. Đó là rạng sáng 23/5/1885 (năm Ất Dậu), khi Tôn Thất Thuyết cùng Tôn Thất Lệ, Trần Xuân Soạn chia quân đánh úp Tòa sứ và đài Trấn Bình, nhằm tiêu diệt quân đội Pháp.
Sự việc thất bại, hàng nghìn quan binh triều đình Huế và những người dân trong Kinh thành bị thương vong trước súng đạn của quân đội Pháp, hoặc chết do chen lấn tìm đường chạy khỏi thành. Từ đó, ngày này trở thành “giỗ chung”.
Lễ tế ngày 13/7 (23 tháng 5 năm Canh Tý). Nguồn: Fanpage Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. |
Ngày “giỗ chung” bắt đầu từ triều vua Thành Thái. Sử liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết, năm Thành Thái thứ 6 (1894), Bộ Lễ tâu, xin xây đàn ở trong thành, hàng năm đến tế một lần. Sau đó, vua Thành Thái phê chuẩn, giao cho Bộ Công cùng Nha Hộ thành chọn khu đất để lập đàn U Hồn.
Trong đàn tế, bàn thượng án chính đặt “Thành hoàng thần vị”, bàn giữa đặt bài vị đề “Ất Dậu niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật đô thành hữu cảnh” (ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu đô thành có chuyện kinh hãi), phía dưới ghi các quan viên thương vong”.
Nhìn chung, các nghi thức trong ngày tế ở đàn được quy định rất rõ ràng. Đối với các lễ phẩm phải có đầy đủ bò, dê, lợn, xôi nếp, gạo thô, muối trắng, trầu, chè, rượu trắng, hương, nến, tiền vàng, quần áo giấy, các bộ thần vị hình giao long, thần bài giấy…
Đặc biệt, nội dung trong văn tế nêu rõ các lễ phẩm dâng cho “liệt vị quan viên thương vong ngày tháng 5 năm Ất Dậu, chư linh lại binh thương vong ngày tháng 5 năm Ất Dậu, chư linh nam phụ lão ấu thương vong ngày tháng 5 năm Ất Dậu”, đồng thời bày tỏ nỗi xót xa đối với người đã mất.
Bản tư di của Bộ Binh gửi cho Vệ Hộ thành tháng 5 năm Duy Tân thứ 3 (1909) về việc chuẩn bị lễ tế, tưởng niệm binh lính hy sinh. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Đàn được lập thời vua Thành Thái, ngày nay nằm ở vị trí số 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, thành phố Huế. Lễ tế hiện nay được tổ chức vào ngày kinh thành Huế thất thủ, 23 tháng 5 Âm lịch. Tuy nhiên, dưới triều Nguyễn, ngày tế chính ở đàn này diễn ra vào khắc đầu canh 5 ngày 24 tháng 5.
Châu bản triều Nguyễn nói rõ lý do: “Ngày đó (23 tháng 5) đúng ngày giỗ ở điện Phụng Tiên, ban tế sợ có phần chưa hợp lẽ. Nay xin lấy ngày 24 tháng đó (tháng 5) cho hợp lễ”.
Việc chọn 24 tháng 5 là ngày tế chính đã trở thành định lệ hàng năm. Vì vậy, các vua Nguyễn sau này đều tế vào ngày đó.
Mâm cỗ cúng trong lễ tế ngày 13/7. Nguồn: Fanpage Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. |
Có thể thấy, các vua Thành Thái, Duy Tân rất coi trọng tế lễ. Đến nay, lễ tế này đã trở thành nét văn hóa truyền thống, đề cao giá trị nhân văn sâu sắc.
Châu bản nhắc đến việc tổ chức tế vào triều vua Duy Tân như sau: “Nay nhận được tư trình của Bộ Lễ nói rằng ngày 24 tháng này (tháng 5) có lễ tế tại đàn U Hồn, xin phái 1 Suất đội và 15 lính mặc nhung phục, trước 1 ngày đến đàn sở, do ty bộ đó hướng dẫn bài trí và phụ làm lễ phẩm”.
Đặc biệt, việc vua Thành Thái cho dựng riêng một đàn tế tưởng niệm những quan binh hy sinh và nhân dân vong nạn trong sự biến thất thủ kinh thành Huế. Điều đó phần nào cho thấy thái độ trân trọng của vị vua yêu nước này.
Những quan binh tham gia trong sự biến hôm đó là những người xả thân vì nước. Vì vậy, đàn tế còn là ghi nhớ tinh thần yêu nước của những người con đất Việt.