Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các vụ cướp tàu dầu đình đám trên Biển Đông

Trong vài tháng qua, hàng loạt vụ cướp tàu dầu xảy ra tại các vùng biển Đông Nam Á trở thành nỗi lo ngại sâu sắc với các hãng tàu biển.

Những tên cướp biển bị cảnh sát Malaysia bắt giữ.
Những tên cướp biển bị cảnh sát Malaysia bắt giữ.

Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm nay, cướp biển đã tiến hành 23 vụ tấn công và đa số vụ xảy ra ngoài khơi Indonesia. Mục tiêu tấn công thường là các tàu chở hàng, nhằm chiếm đoạt hàng hoá.

Giám đốc Trung tâm Thông tin về cướp biển thuộc Cục Hàng hải Quốc tế có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia), ông Noel Choong, cho hay kể từ tháng 4 đến nay, 12 vụ cướp tàu dầu xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, trong đó các tàu chở dầu đều mất tích và sau đó được thả ra sau khi hàng hóa đã bị đánh cắp.

Tháng 4, một nhóm cướp biển được vũ trang hạng nặng đã tấn công một tàu chở dầu của Thái Lan ở khu vực bờ biển phía đông Malaysia, khiến thuyền trưởng bị thương và cướp toàn bộ số dầu diesel trên tàu.

Tiếp đó, một tàu chở dầu khác của Thái Lan là MT Orapin 4 mất liên lạc sau khi rời Singapore hôm 27/5, khi nó đang thực hiện hải trình tới cảng Pontianak ở thành phố Kalimantan của Indonesia. 10 tên cướp mang theo súng và dao đi tàu cao tốc, bám đuôi và trèo lên tàu Orapin 4, nhốt các thủy thủ vào hầm bên dưới, sau đó tắt hệ thống liên lạc trên tàu và bơm dầu ra tàu của chúng trong vòng 10 giờ. Con tàu bị cướp cạo sửa tên thành “Rapi” cùng 14 thủy thủ được trả về nước an toàn 4 ngày sau đó, trong khi số dầu trị giá 1,9 triệu USD “bốc hơi”.

a
Nạn cướp tàu dầu ở các vùng biển Đông Nam Á đang hoành hành tại khu vực.

Ngày 16/7, giới chức Malaysia cho biết hải tặc đã tấn công một tàu chở dầu của nước này tối 15/7, cướp số nhiên liệu trên tàu, đồng thời phá động cơ và thiết bị thông tin trước khi thả tàu.

Trong một tuyên bố, Hải quân Malaysia xác nhận tàu MT Oriental Glory đã bị cướp tại khu vực ngoài khơi vùng biển phía đông nam nước này trên Biển Đông khi đang thực hiện hải trình từ Singapore tới Sandakan thuộc đảo Borneo của Malaysia. Không thủy thủ nào bị thương trong vụ tấn công này.

Trước đó, đầu tháng 7, cướp biển cũng tấn công một tàu chở dầu của Singapore ở Biển Đông, cướp một số hàng hóa và phá hỏng thiết bị thông tin trên tàu.

Trong tháng 8, một vụ cướp tàu khác được công bố ở nam Biển Đông xảy ra ngày 28/8, gần đảo du lịch Tioman, phía đông Malaysia, khi các tên cướp có vũ trang tấn công một tàu chở dầu của Thái Lan trên đường từ Singapore về nước.

Và mới đây nhất, tàu chở dầu Sunrise 689 của Việt Nam mất tích hôm 2/10 trên hải trình từ Singapore về cảng biển ở tỉnh Quảng Trị đã may mắn thoát khỏi tay cướp biển và đang trên đường trở về với đầy đủ 18 thuyền viên. Tuy nhiên, hơn 5.000 tấn dầu đã biến mất.

Trong 12 vụ cướp tàu dầu xảy ra gần đây, 4 vụ là tàu của hãng Thai International Tankers (TIT) có trụ sở tại Bangkok. Trong đó, con tàu Orapin của hãng này bị cướp trong vòng 8 tháng, từ 8/2013 đến 5/2014.

http://laodong.com.vn/the-gioi/diem-lai-cac-vu-cuop-tau-dau-dinh-dam-tren-bien-dong-254883.bld

Theo Thảo Nguyên/Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm