Đa số phụ huynh lo lắng vấn đề an toàn, mong muốn học sinh được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước khi trở lại trường. Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng thêm nỗi lo cơ sở vật chất, tình hình đi lại của giáo viên, học sinh trước phương án mở cửa trường học trở lại do Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất.
Học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) trở lại trường vào tháng 5/2020. Ảnh: Y Kiện. |
Nên thí điểm ở quy mô nhỏ
Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM), cho rằng phương án mở cửa cho học sinh đi học trực tiếp trong thời gian tới cần xem xét kỹ. Việc áp dụng phải linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
“Tôi cho rằng chỉ nên thí điểm tổ chức cho học sinh đi học với một vài trường ở khu vực dịch bệnh được kiểm soát tốt, không nên áp dụng đồng bộ. Trước mắt, chúng ta cần tiêm đủ 2 liều vaccine cho đội ngũ giáo viên, công nhân viên các trường, tiến tới tiêm mũi 1 cho toàn bộ học sinh trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn thành phố”, thầy Đảo nêu quan điểm.
Ông cho rằng việc tổ chức dạy học trực tuyến trong những ngày đầu năm học 2021-2022, dù khó khăn bước đầu, đã dần đi vào ổn định. Thầy, trò tìm mọi cách tương tác và làm việc được với nhau.
Hiện nay, số học sinh F0 vừa khỏi bệnh, đang điều trị và học sinh kẹt lại ở các tỉnh, thành ngoài TP.HCM còn nhiều. Ngay cả khi dịch được kiểm soát sớm, thành phố cần tính đến sự an toàn tuyệt đối cho học sinh. Cho nên, việc dạy học trực tuyến đến giữa học kỳ I cũng không có vấn đề gì quá khó khăn.
Cô Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8, TP.HCM), thông tin gần như toàn bộ giáo viên, nhân viên của trường đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, còn 10 người vì sức khỏe chưa thể tiêm. Tuy nhiên, như nhiều trường khác, cơ sở của trường đang được dùng làm khu cách ly tập trung gần 2 tháng nay, chưa biết khi nào được trao trả.
“Dù ở vùng xanh hay vùng đỏ, cơ sở của nhiều trường đang được dùng làm địa điểm cách ly tập trung, tiêm vaccine cộng đồng. Tôi nghĩ đây là phương án sở giáo dục đề xuất để các trường có thể căn cứ vào đó chuẩn bị chứ chưa thể áp dụng ngay sau ngày 15/9", cô Quỳnh Giao nhận định.
Sau một tuần chính thức áp dụng dạy học trực tuyến, cô Giao cho hay tình hình tương tác, học tập của học sinh tốt hơn. Các em tham gia học tập đầy đủ, chưa ghi nhận tình trạng bỏ tiết hay chỉ điểm danh rồi thoát ra ngoài. Phần mềm học trực tuyến của trường không gặp tình trạng nghẽn, chập chờn như các trường khác. Do đó, nếu phải tiếp tục duy trì việc học trực tuyến đến hết học kỳ I, nhà trường vẫn sẵn sàng.
Học sinh học trực tuyến ở TP.HCM. Ảnh: Nhật Sinh. |
Trường vùng xanh nhưng giáo viên, học sinh ở vùng khác
Thầy Đặng Hồng Hạnh, Hiệu trưởng trường THPT Bách Việt (thành phố Thủ Đức), cho hay hiện tại, trường được đánh giá nằm trong vùng an toàn. Đầu năm 2021, sau khi rà soát, trường cũng đảm bảo quy định theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Tuy nhiên, thầy Hạnh đánh giá cần có thêm thời gian mới có thể quay trở lại hình thức dạy học trực tiếp. Hiện tại, trường tiêm vaccine theo kế hoạch của thành phố. Giáo viên đã tiêm mũi 1, đang chờ mũi 2.
Bên cạnh đó, trường có một số học sinh ở tỉnh khác cũng như một số giáo viên sống ở Bình Dương (do trường nằm ở khu vực giáp ranh tỉnh này). Trong trường hợp trường được mở cửa trở lại, ông Hạnh băn khoăn về quy định cho phép giáo viên, học sinh đi lại như thế nào.
Trường nội trú nên có đủ cơ sở vật chất để giáo viên thực hiện “3 tại chỗ” nếu chuyển sang dạy trực tiếp trong thời gian tới. Ngoài ra, trường có đủ lực lượng giáo viên để bố trí dạy trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể, giáo viên chưa thể di chuyển do dịch sẽ đảm nhận việc dạy online. Tương tự, học sinh không thể đến lớp sẽ học bằng hình thức này.
Dù việc dạy trực tuyến đang được tiến hành ổn định, ở góc độ giáo viên, thầy Hạnh mong muốn học sinh có thể học trực tiếp để khắc phục nhược điểm tương tác kém giữa học sinh và giáo viên khi học trực tuyến.
Cô V.A., Hiệu trưởng, chủ hệ thống một trường mầm non tư thục tại quận 7, quận 3 và TP Thủ Đức, cho biết sau hơn 4 tháng đóng cửa, nhà trường rất mong ngày hoạt động trở lại.
Phụ huynh, trẻ cũng mong sớm được đi học, giải tỏa căng thẳng do ở nhà lâu. Cô cho hay đầu tháng 9, khi các giáo viên, bảo mẫu liên hệ, thăm hỏi tình hình các bé, hơn 80% phụ huynh muốn nhanh chóng cho con đến trường.
Hiện, tất cả giáo viên, bảo mẫu của 3 cơ sở tiêm vaccine 2 mũi. Đây là yếu tố quan trọng để có thể mở cửa trường trở lại.
“Trẻ mầm non không được khuyến nghị tiêm vaccine. Nếu sắp tới, thành phố dần mở cửa, phụ huynh đi làm, ai sẽ trông con nếu các trường mầm non không mở cửa hoặc phụ huynh không an tâm cho con đến lớp? Bậc mầm non không thể dạy online, trì hoãn việc đến trường quá lâu là thiệt thòi cho trẻ nhỏ", cô V.A. nói.
Một vấn đề khiến giáo viên này băn khoăn là việc phân biệt vùng xanh, đỏ để cho phép các trường hoạt động. Cô đặt câu hỏi nếu trường ở vùng xanh, còn giáo viên, trẻ nhỏ ở vùng khác, trường sẽ hoạt động như thế nào?
Trường mầm non tư thục, nếu được mở lại, dễ dàng tuân thủ các quy định an toàn vì số trẻ ít (dưới 20 em/lớp). Cô giáo, bảo mẫu, bảo vệ đã tiêm đủ vaccine và có thể thực hiện "3 tại chỗ".
Nữ hiệu trưởng nói thêm dù quyết định mở cửa trường vào thời điểm nào, thành phố cũng cần thông báo sớm. Nếu không, các trường đối diện nguy cơ thiếu giáo viên mầm non. Bởi thời gian tạm nghỉ việc quá dài (hơn 4 tháng), nhiều giáo viên mầm non nắm chắc tình hình khó có thể trở lại trường sớm nên đã chủ động về quê từ lâu. Nếu thông báo đột ngột, họ không thể quay lại thành phố ngay.
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất các yếu tố để xác định việc mở cửa trường học, trong đó địa phương (bao gồm thành phố Thủ Đức và các quận, huyện) phải được xác định là an toàn theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Các trường chỉ tổ chức dạy cho học sinh trong địa phương trên tinh thần tự nguyện.
Các trường vẫn duy trì dạy học trên Internet, qua truyền hình... để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp, cũng như hỗ trợ cho việc học trực tiếp.
Đề xuất của sở giáo dục ưu tiên cho các lớp nhỏ 1, 2, đầu cấp và cuối cấp được đi học trực tiếp. Từng trường xây dựng phương án đi học lại căn cứ điều kiện thực tế; thời gian đầu sẽ chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học một buổi, ưu tiên lớp 1, 2, 9, 12 học trước, sau đó đến các lớp 5, 6, 10. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh theo phương án "3 tại chỗ" để dạy học trực tiếp.