Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị điện giật khi học online

Phụ huynh cần nhắc nhở con nhiều lần các lưu ý để đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị điện cho việc học online do trẻ còn nhỏ, không nhớ được lâu.

Chiều 10/9, chị Trần Huyền (Hà Nội) nhận tin nhắn giáo viên gửi con, nhắc nhở giữ an toàn khi con học online sau vụ học sinh tiểu học sống tại quận Thanh Xuân bị điện giật tử vong.

“Nhận tin, tôi sốc đến mức bật khóc luôn khi đọc những dòng đó. Tôi không muốn tin điều này”, nữ phụ huynh chia sẻ.

tre giu an toan khi su dung thiet bi dien de hoc online anh 1

Hiện trường vụ học sinh tiểu học ở Thanh Xuân, Hà Nội, bị điện giật tử vong. Ảnh: VTC.

Nhắc lại con lần nữa về sự nguy hiểm của điện

Dù buồn nhiều, chị Trần Huyền vẫn nói với con về vụ việc, một lần nữa nhắc con về sự nguy hiểm của điện dù trước đó, chị đã nhiều lần nhắc con phải cẩn thận khi dùng đồ điện.

Nữ phụ huynh cho hay chị thường nhắc con sạc máy trước và sau khi học online, trong giờ học, con rút sạc ra, đồng thời hướng dẫn con cách rút sạc.

Tuy nhiên, chị thừa nhận trẻ con nhiều khi không chú tâm. Do đó, ở nhà, chị theo sát con học, không thể “kè kè” bên cạnh nhưng thường xuyên chú ý tới con.

Máy cũ, pin chai, không sử dụng được lâu. Con phải vừa học vừa sạc. Thỉnh thoảng, con để chân ghế đè lên dây sạc, ngồi day đi day lại. Chị Huyền lại phải nhắc con. Nhưng một lúc sau, tình trạng tương tự tái diễn vì con còn nhỏ, không chịu ngồi yên.

“Tôi dắt con ra, cầm dây sạc điện thoại, chỉ cho con lý do mẹ luôn nhắc nhở con, nếu lớp vỏ dây bị chân ghế làm rách, dây hở, điện sẽ truyền ra, chân con tiếp xúc nền nhà hay con sờ tay, giẫm chân lên đó sẽ bị giật”, chị Huyền kể.

Những điều này chị đã nhắc nhở con nhiều lần. Nhưng khi vụ việc trên xảy ra, chị phải nhắc con thêm lần nữa.

Không chỉ chị Huyền, sau sự việc em H.H.D. tử vong do điện giật, giáo viên một trường tiểu học ở Ba Đình (Hà Nội) cũng nhắn tin, gửi phụ huynh một số lưu ý để các con biết những đồ vật nguy hiểm không được sờ vào hay nếu thấy bất thường phải tránh xa, báo cho người lớn.

Theo đó, trẻ không tự ý cắm hay rút điện khi không có người lớn (bố, mẹ cần sạc pin giúp con, kiểm tra nguồn điện trước khi ra khỏi nhà). Trẻ không tự ý dùng các dụng cụ như dao, kéo, tua vít, dụng cụ bằng sắt để chọc vào nơi có ổ cắm, phích cắm, nguồn điện.

Ngoài ra, trẻ không để nước gần máy tính, mang vác, di chuyển máy tính khỏi khu vực bàn học. Giáo viên lưu ý thêm học sinh không ấn vào các đường link, biểu tượng lạ xuất hiện trên màn hình.

Ngoài ra, giáo viên này cũng cho hay trên lớp, các cô sẽ lồng ghép vào trong các tiết dạy để giúp các con nhận diện những tình huống nguy hiểm và phòng tránh khi sử dụng các thiết bị điện.

tre giu an toan khi su dung thiet bi dien de hoc online anh 2

Phụ huynh cần lưu ý trẻ về việc đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị diện. Ảnh: Clipartstation.

Nhắc con nhiều lần về an toàn khi sử dụng điện

Bà Lê Thanh Huyền, Giám đốc Kỹ năng mềm Vinskills, cũng cho rằng khi con học trực tuyến, phụ huynh có rất nhiều điều phải lưu tâm, như dạy con ngồi đúng tư thế, giữ khoảng cách, bảo vệ mắt, đặc biệt đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị điện.

Bản thân bà cũng có con đang học online, trong đó, bé nhỏ nhất vừa vào lớp 1. Với con nhỏ, bà lưu ý không để con tự cắm, rút nguồn điện. Phụ huynh hỗ trợ con làm việc đó.

Tuy nhiên, trẻ thường hiếu động, tò mò tìm hiểu. Vì vậy, phụ huynh nên để mắt con thường xuyên. Ngoài nhắc nhở, họ còn phải trực tiếp kiểm tra vì trẻ thường càng cấm càng tò mò.

Chuyên gia này cũng cho rằng cha mẹ có thể bắt đầu dạy con về an toàn khi sử dụng thiết bị điện, cách cắm, rút phích cắm theo chiều thẳng, tránh lay phích gây mất an toàn.

“Các con tay còn yếu, lúc rút phích cắm thường lay lay, hoặc tay giữ ổ điện không chú ý, cho tay vào ổ điện, nguy hiểm. Do đó, phụ huynh có thể dạy con nhưng phải quan sát cẩn thận, thấy con thực hiện nhuần nhuyễn mới để con tự làm”, bà Huyền cho hay.

Ngoài ra, khi con học online, phụ huynh cần chuẩn bị ổ cắm điện chắc chắn. Nếu gia đình có nhiều con, dùng nhiều thiết bị, họ cần lưu ý không cắm quá nhiều thiết bị vào một dây kết nối, tránh gây quá tải, chập điện.

Bên cạnh đó, người lớn lưu ý cất những đồ vật có thể gây giật điện như dao, kéo, đồ dùng bằng sắt, dặn con không cho tay hay vật lạ vào ổ điện.

“Với những bé học lớp 3, lớp 4 trở lên, cha mẹ có thể hướng dẫn con tự lên mạng tra cứu các đồ vật không được tiếp xúc với nguồn điện để con tự học và có ý thức phòng, tránh”, bà Thanh Huyền nói thêm.

Bà cũng lưu ý việc chuẩn bị thiết bị cho con học. Theo bà, nếu có điều kiện, phụ huynh nên cho con học bằng máy tính. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ khả năng tài chính để mua thiết bị cho con học online.

Trong trường hợp con phải học bằng điện thoại, cha mẹ lưu ý giúp con sạc pin đầy trước buổi học, đồng thời dặn con nếu đang học, máy gần hết pin, con chủ động báo với cô giáo.

Theo bà Thanh Huyền, một số trẻ sợ cô nên nhiều khi không dám nói. Trong khi đó, việc vừa sạc vừa sử dụng điện thoại rất nguy hiểm, kể cả khi dùng máy mới, đắt tiền, chưa nói đến máy cũ, chai pin sẵn.

Bà lưu ý thêm việc phụ huynh cần nhắc đi nhắc lại cho con các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị điện trong quá trình học online.

“Trẻ con hồn nhiên, không nhớ được lâu. Khi học, các con dễ cuốn vào bài tập, quên mất, phụ huynh càng phải nhắc, không thể yên tâm con biết rồi nên phó mặc hoàn toàn”, bà giải thích.

Sở GD&ĐT thông tin vụ học sinh tiểu học bị điện giật tử vong

Sở GD&ĐT đã gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh bị tai nạn, đồng thời chỉ đạo ngành GD&ĐT Đống Đa, nhà trường thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ gia đình học sinh.

Bách Linh

Bạn có thể quan tâm