Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các tỉnh ứng phó với hàng nghìn người về quê từ vùng dịch như thế nào?

Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên đang lên kế hoạch mở rộng khu cách ly và điều trị để đón người dân trở về từ vùng dịch Covid-19.

Sáng 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trước tình trạng nhiều người từ vùng dịch của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nhu cầu về quê.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, khi mới thực hiện Chỉ thị 16, người dân từ các tỉnh và TP.HCM về quê giảm. Tuy nhiên, những ngày gần đây, người Bạc Liêu về quê tăng, gây áp lực rất lớn cho tỉnh.

Nguoi dan ve que tranh dich anh 1

Những người từ TP.HCM về các tỉnh được lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ tại chốt kiểm soát Covid-19. Ảnh: Minh Quý.

Tám người dương tính với nCoV khi test nhanh

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu, ngày 28/7, trong số 43 người trở về, 2 người dương tính với SARS-CoV-2. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu nhận định sẽ có nhiều lao động trở về quê trong thời gian tới.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Văn Thiều cho biết mặc dù tỉnh bị áp lực khi có nhiều người về quê trong mùa dịch, lãnh đạo địa phương sẵn sàng đón người Bạc Liêu trở về địa phương. Tỉnh này đang lên kế hoạch mở rộng khu cách ly và khu điều trị để đón F0, F1 trở về.

“Bà con về tới Bạc Liêu đều được test nhanh. Người dương tính được đưa đi cách ly, điều trị. Những người khác được đưa vào cơ sở cách ly tập trung theo quy định”, ông Thiều chia sẻ.

Không chỉ Bạc Liêu, 12 tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có công dân được xe đưa về sau một ngày đêm kẹt tại chốt cửa ngõ tỉnh Long An.

“Trong số 43 người về Cà Mau từ chốt Long An, không phải ai cũng có giấy xét nghiệm âm tính. Ngành y tế test nhanh ghi nhận 4 người dương tính SARS-CoV-2, tỷ lệ gần 10%. Người nào có kết quả dương tính được đưa đi cách ly điều trị; âm tính sẽ vào khu cách ly tập trung”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nói với Zing.

Theo ông Quân, nhiều người có kết quả âm tính nhưng mới là xét nghiệm lần đầu. Đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm cao vì tập trung số đông về quê và cùng kẹt tại chốt Long An, sinh hoạt chung khi được bố trí ở tạm trong trường học.

“Tỉnh sẵn sàng đón bà con về quê nhưng áp lực rất nhiều. Chúng tôi phải chuẩn bị khu cách ly nhiều hơn, tăng khả năng điều trị. Nỗi lo khác là có người tìm cách tách nhóm để trốn về bằng đường khác, cho thể làm lây nhiễm trong cộng đồng”, ông Quân nói.

Tỉnh Sóc Trăng cũng tiếp nhận 17 người được xe quân đội đưa về từ Long An. Kết quả xét nghiệm cho thấy 2 trường hợp dương tính với nCoV.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, địa phương này đã tiếp nhận 45 người từ chốt kiểm dịch Long An, được xe đưa về quê. Tất cả đã được cách ly tập trung theo quy định.

Nguoi dan ve que tranh dich anh 2

Người dân dùng xe máy về quê theo đoàn tập trung như thế này được cơ quan chức năng đánh giá làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Minh Hoàng.

Hàng nghìn người đổ về miền Trung, khu cách ly tập trung quá tải

Liên tục những ngày qua, nhiều người từ TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam về Quảng Ngãi tránh dịch Covid-19. Đám đông chờ làm thủ tục ở chốt kiểm soát đèo Bình Đê (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ), gây ra tình trạng ùn ứ.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi, đến sáng 28/7, khoảng 6.000 người điều khiển ôtô, xe máy từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về địa phương này. Số lượng người về quê tăng đột biến khiến các khu cách ly y tế tập trung quá tải.

Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ngãi trưng dụng trường học để làm khu cách ly tập trung cho hàng nghìn người trở về từ vùng dịch.

Đại tá Võ Văn Dương, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết người dân từ TP.HCM về quê tăng nhanh từng ngày. Trong khi đó, các khu cách ly tập trung phần lớn là trường học cấp xã, từ khâu quản lý đến hệ thống nước sinh hoạt, vệ sinh không đảm bảo, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.

Tỉnh sẵn sàng đón bà con về quê nhưng áp lực rất nhiều. Chúng tôi phải chuẩn bị khu cách ly nhiều hơn, tăng khả năng điều trị. Nỗi lo khác là có người tìm cách tách nhóm để trốn về bằng đường khác, cho thể làm lây nhiễm trong cộng đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân

Ở một số khu cách ly, người phục vụ vẫn về nhà sau khi hoàn thành công việc. Vì thế, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi, một trong những vấn đề "đau đầu" nhất là tình trạng ùn ứ rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung. Mỗi kg rác thải y tế tốn 24.000 đồng để thu gom, xử lý. Nhà máy ở Quảng Ngãi cũng chỉ có công suất xử lý 800 kg mỗi ngày.

Ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay dịch bệnh kéo dài khiến ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn. Tỉnh chỉ có thể đón khoảng 400 người lao động nghèo, người yếu thế từ vùng dịch trở về.

"Người về quê tránh dịch ngoài kế hoạch của tỉnh, phải cùng chung trách nhiệm, nộp chi phí, căn cứ mức chi của từng huyện, thị xã, thành phố tại các khu cách ly tập trung, chủ yếu nộp tiền ăn 14 ngày và xét nghiệm rRT-PCR tối thiểu 4 lần", ông Phiên nói.

Trước thực trạng người dân đổ về quê tránh dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường quản lý cư trú, kiểm soát người từ vùng có dịch Covid-19.

Tuần qua, trung bình mỗi ngày hơn 2.000 người đến Bình Định. Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu công an tỉnh chủ trì cùng các ngành, địa phương siết chặt công tác quản lý cư trú, tạm trú, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý kịp thời.

Tại Quảng Nam, thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thông tin đơn vị đang phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế để đưa người dân đi xe máy từ các tỉnh, thành phía Nam về khu cách ly tập trung.

“Lực lượng bố trí 2 chốt chính ở quốc lộ 1 và chốt ở Đèo Lò Xo, giáp ranh tỉnh Kon Tum, để kiểm soát người Quảng Nam đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về. Những người này sẽ được khai báo y tế, sau đó, Sở Giao thông Vận tải bố trí xe đưa người, xe máy về khu cách ly tập trung của các huyện quản lý”, ông Nhân nói.

Nguoi dan ve que tranh dich anh 3

Người dân các tỉnh đi xe máy qua địa bàn Quảng Nam được bố trí dừng nghỉ trước khi tiếp tục di chuyển. Ảnh: H.S.

Người có xét nghiệm âm tính được cách ly tại nhà

Tại khu vực Tây Nguyên, các địa phương có những quy định riêng đối với người dân trở về từ TP.HCM và tỉnh có dịch.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, người dân từ TP.HCM và những địa bàn đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 và đến trạm y tế gần nhất để khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày. Hết thời gian này, người về quê phải theo dõi sức khỏe thêm 2 tuần, xét nghiệm 3 lần trong thời gian cách ly tại nhà.

Những công dân thuộc diện được Đắk Lắk tổ chức đón về quê, phải cách ly tập trung 14 ngày trước khi về nhà theo dõi sức khỏe.

Tại Đắk Nông, người dân về từ vùng có dịch, khi qua chốt Cai Chanh (huyện Đắk R’lấp), được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và giấy xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2.

Người dân có hộ khẩu thường trú tại Đắk Nông về từ TP.HCM và các tỉnh có dịch, sẽ được CDC lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCT. Người có kết quả âm tính sẽ được về nhà cách ly 14 ngày.

Tại Gia Lai, UBND tỉnh yêu cầu những người trở về từ các vùng dịch đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải cách ly tập trung. Người về từ các vùng thực hiện theo Chỉ thị 15 thì cách ly tại nhà, dù có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Để đáp ứng số lượng người về đông, UBND Gia Lai kích hoạt 21 khu cách ly tập trung tại TP Pleiku, huyện Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và một số địa phương khác với sức chứa gần 3.000 người.

Bài liên quan

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm