Sở hữu 2 quán bar ở phố Bùi Viện (quận 1, TP.HCM), bà H. cho biết hết tháng này sẽ trả một mặt bằng vì chưa biết khi nào mới được mở cửa lại. Mặt bằng này hiện được chủ nhà giảm giá thuê từ 150 triệu đồng xuống còn 30 triệu đồng/tháng.
"Tiền đầu tư ban đầu làm một quán đã gần 2 tỷ đồng, giờ bỏ cũng không được mà sang nhượng thì đang dịch, chẳng ai đâm đầu vào, tiến thoái lưỡng nan", bà giãi bày.
Mong muốn lớn nhất của bà hiện nay là sớm được mở lại cơ sở kinh doanh, với hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn.
Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 ngày 11/10 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí như quán bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim... đã kỳ vọng sẽ sớm được đón khách trở lại.
Các hệ thống rạp chiếu phim mong mở lại từ tháng 11. Ảnh: Việt Linh. |
Muốn mở ngay trong tháng 11
Thực tế đến nay, nhiều địa phương trên cả nước như Lâm Đồng, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu... đã cho phép mở lại những dịch vụ này ở các mức độ khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, TP.HCM vẫn chưa có động thái nào mới. Chiều 20/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 128.
Trao đổi với Zing, đại diện hệ thống rạp chiếu phim BHD bày tỏ mong muốn được sớm đón khách trở lại ngay trong tháng 11 để có thời gian chạy đà trước mùa cao điểm như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán...
Bởi lẽ, tâm lý và thói quen chi tiêu của khách hàng đã thay đổi, đến rạp xem phim có thể không còn là nhu cầu giải trí thường xuyên. Khách hàng cần có thời gian đủ dài để thích nghi, và các cụm rạp cũng cần thời gian để "hâm nóng" thị trường. Trong thời gian ấy, các rạp có thể đẩy mạnh cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện để bù đắp phần nào doanh thu.
Còn hiện tại, theo vị này, nếu việc đóng cửa kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ khó cầm cự tiếp. Thậm chí, nếu đến Tết Nguyên đán vẫn chưa được mở lại thì ngành "không còn gì".
Đại diện CGV cũng nhấn mạnh một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp điện ảnh thời điểm này là dòng tiền. Suốt nhiều tháng qua, doanh thu phòng vé ở Việt Nam nói chung ở mức gần như bằng 0, trong khi các rạp vẫn phải gồng gánh nhiều chi phí khi đang đóng cửa.
Chỉ tội cho nhân viên phải chịu cảnh thất nghiệp, không biết đi đâu về đâu, mình lại không lo được cho họ
Chủ 2 quán bar ở Bùi Viện (quận 1, TP.HCM)
"Nếu hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa trở lại vào tháng 11 sẽ mở ra nhiều cơ hội phục hồi cho ngành điện ảnh Việt Nam. Nhiều phim bom tấn của Hollywood đã sẵn sàng ra mắt. Nhiều dự án phim cuối năm, phim Tết đã hoàn tất và đang rất mong chờ rạp phim mở cửa để được trình chiếu trong mùa lễ hội cuối năm", đại diện CGV nói.
Còn với ngành karaoke, đại diện ICool cho rằng tình trạng đóng cửa kéo dài sẽ khiến chuỗi 20 chi nhánh này rơi vào tình trạng kiệt quệ, đành phải đóng cửa. Xét chung thị trường, ngành karaoke có thể bị xóa sổ.
Những ngành dịch vụ này đều tạo ra lượng lớn công ăn việc làm. Do đó, việc ngưng hoạt động trong thời gian dài ảnh hưởng đến nhiều người lao động.
"Chỉ tội cho nhân viên phải chịu cảnh thất nghiệp, không biết đi đâu về đâu, mình lại không lo được cho họ", bà H. nói.
Đại diện ICool cũng cho biết toàn hệ thống có 600 nhân viên và cộng tác viên không có việc làm trong thời gian dài từ năm 2020 đến nay, hầu hết đều là lao động chính trong gia đình.
"Họ chỉ được trợ cấp ít ỏi từ doanh nghiệp, không đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống và việc học hành của con cái, không có lương thực và tiền dự trữ để sinh hoạt, chi phí phát sinh hàng ngày. Họ đang mong mỏi, chờ đợi mỗi ngày để được quay trở lại làm việc", đại diện ICool chia sẻ.
Đã đến lúc mở cửa và hỗ trợ doanh nghiệp
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế tại Học viện Tài chính, cho rằng các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim thường là không gian kín, do đó việc mở lại cần có tính toán phù hợp để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, khi đã xác định sống chung với dịch, TP.HCM nên xem xét, tính đến việc mở lại các dịch vụ này để sớm khôi phục và phát triển toàn bộ nền kinh tế.
Ở góc độ dịch tễ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng khẳng định thành phố đã có thể mở lại tất cả hoạt động, bao gồm các dịch vụ giải trí trong không gian kín, miễn là kiểm soát được nhân viên và khách hàng ở những nơi này.
"Toàn bộ nhân viên và khách hàng đều có thẻ xanh và tuân thủ 5K, đặc biệt là khai báo y tế đầy đủ để dễ dàng truy vết là được. Thành phố có thể áp trách nhiệm lên các cơ sở kinh doanh, nếu có ca bệnh lây nhiễm tại đây thì yêu cầu họ chi trả toàn bộ chi phí điều trị, chăm sóc", bác sĩ Trương Hữu Khanh kiến nghị.
Các chuyên gia kinh tế và y tế đều ủng hộ đề xuất mở lại karaoke, rạp phim... ở TP.HCM. Ảnh: Hoàng Việt. |
Thực tế, đại diện BHD cho biết đã chuẩn bị sẵn phương án hoạt động an toàn trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh các biện pháp 5K, BHD còn yêu cầu toàn bộ nhân viên và khách hàng phải có thẻ xanh, đồng thời chỉ hoạt động khoảng 30-50% công suất ghế nhằm đảm bảo giãn cách.
Các biện pháp tương tự cũng được CGV lên kế hoạch triển khai. Bên cạnh đó, cụm rạp này còn thành lập tổ an toàn phòng chống Covid-19 tại tất cả rạp để tập huấn về an toàn phòng chống Covid-19 cho tất cả nhân viên, đồng thời phản ứng nhanh trước các sự cố khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm.
Đại diện ICool cũng dự định giới hạn số lượng nhân viên làm việc chỉ khoảng 30-50% so với bình thường, đồng thời đảm bảo tối thiểu 4 m2 trở lên có một khách hàng, mỗi phòng hát có 5 micro riêng biệt để khách hàng không dùng chung.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đều thừa nhận sẽ khó hoạt động hiệu quả trong giai đoạn đầu mở lại, bởi khách hàng chưa hẳn đã sẵn sàng, còn doanh nghiệp cũng tốn kém chi phí và hi sinh doanh thu để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Chia sẻ với những khó khăn này của các doanh nghiệp, PGS.TS Định Trọng Thịnh cho rằng Chính phủ cần có chính sách thiết thực để hỗ trợ họ.
"Hy vọng các doanh nghiệp sẽ được Chính phủ quan tâm hỗ trợ về vấn đề tài chính như nguồn vốn, tiền lương... để giúp họ giữ chân người lao động và hồi phục hoạt động kinh doanh. Đây là điều Chính phủ phải làm, song song với sự chủ động, linh hoạt thích ứng của mỗi doanh nghiệp", ông nói.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có hướng dẫn tạm thời cho các hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí và thể thao, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Theo đó, hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm văn hóa nghệ thuật giảm 50% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 2 và giảm 70% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 3. Riêng địa bàn dịch cấp độ 1 có thể hoạt động 100%.
Với hoạt động tập luyện trong nhà như phòng gym, người tham gia đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine đủ 14 ngày trở lên, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 theo quy định của sở y tế.
Trong đó, địa bàn có dịch cấp độ 2 phải giảm quy mô phòng tập đến tối đa 70% công suất và cơ sở phải thực hiện vệ sinh sát khuẩn. Địa bàn có dịch cấp độ 3 quy định hạn chế số lượng người tập, công suất sử dụng phòng tập tối đa là 30%.