Dạo trên con đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM) những ngày này, rất khó để tìm thấy quán karaoke Nnice Premier. Nhiều tháng qua, địa điểm giải trí quen thuộc với nhiều người ở TP.HCM không còn đón khách, bảng hiệu cũng lọt thỏm giữa hàng cây già.
Trước khi Covid-19 xuất hiện, đây là một trong những chi nhánh trọng điểm của hệ thống karaoke Nnice. Còn hiện tại, những mảng gạch bị tróc ra cũng không buồn được thay lại, bởi chuỗi đã quyết định đóng hẳn chi nhánh.
Bỏ tiền túi, vay ngân hàng để trả lương, giữ mặt bằng
"Nếu TP cho hoạt động sớm thì chúng tôi vẫn giữ mặt bằng này, vì kinh doanh tương đối hiệu quả. Nhưng mới đóng hồi Tết, mở lại chưa được bao lâu lại phải đóng tiếp. Không chịu nổi chi phí mặt bằng, mà chủ nhà cũng không hỗ trợ được nhiều nên chúng tôi quyết định trả luôn", ông Lê Hoàng Việt - quản lý chuỗi karaoke Nnice giãi bày.
Ông cho biết trong những tháng đóng cửa vừa qua, ban lãnh đạo phải bỏ tiền túi và vay ngân hàng để trang trải tiền mặt bằng, đồng thời trợ cấp một ít cho các nhân viên nòng cốt lâu năm.
Mặc dù vậy, Nnice vẫn còn may mắn vì các chủ nhà còn lại có hỗ trợ tiền thuê, có nơi đến 80%, nên chưa phải đóng thêm chi nhánh nào. Còn hệ thống Kingdom, chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4 này, đã phải trả mặt bằng 4 cơ sở karaoke, pub và beer club.
Trước dịch hệ thống có gần 10 chi nhánh, từ năm ngoái đến nay cứ giảm dần, giờ chỉ còn 3 cơ sở
Ông Tạ Quang Hùng - Giám đốc Marketing của Kingdom
"Chúng tôi dần thu hẹp phạm vi hoạt động. Trước dịch hệ thống có gần 10 chi nhánh, từ năm ngoái đến nay cứ giảm dần, giờ chỉ còn 3 cơ sở gồm 1 quán karaoke và 2 nhà hàng", ông Tạ Quang Hùng - Giám đốc Marketing tại Kingdom - cho hay.
Trong khi đó, đại diện ICOOL cũng cho biết đang nỗ lực đàm phán với các chủ nhà để giữ được 20 chi nhánh hiện có. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải vay mượn để trợ cấp cho nhân viên và duy trì các cơ sở, máy móc.
Trong công văn mới đây gửi Chủ tịch UBND TP.HCM, ICOOL nhấn mạnh: "Khả năng thanh toán cho nhà cung cấp, chủ nhà, lãi vay ngân hàng đã không còn nữa. Chi phí hỗ trợ cho hơn 600 nhân viên và cộng tác viên cũng vượt ngoài khả năng. Nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, với chuỗi 20 chi nhánh rơi vào tình trạng kiệt quệ, ICOOL đành phải đóng cửa".
Theo chia sẻ của đại diện những doanh nghiệp này, việc karaoke luôn là ngành đóng cửa đầu tiên và mở cửa cuối cùng sau mỗi lần dịch khiến họ cảm thấy bị động và chán chường.
"Với ngành karaoke, năm ngoái chúng tôi còn nghĩ sau giãn cách xã hội thì thêm một thời gian nữa sẽ hồi phục, còn bây giờ không còn cái nhìn khả quan được nữa. Thôi thì tới đâu hay tới đó, chúng tôi không còn mong chờ ngày mở lại", ông Tạ Quang Hùng nói với Zing.
Xin mở lại từ 31/10
Hiện tại, Kingdom đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở 2 nhà hàng với hình thức bán mang về, đồng thời làm thêm mảng bất động sản và thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, ông Hùng nhìn nhận những lĩnh vực này không thể giúp nuôi cả hệ thống.
Như tại ICOOL, sau khi chuyển sang bán thức ăn mang về ở chi nhánh Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM), trung bình mỗi ngày quán chỉ thu được từ 2,5-3 triệu đồng. "Mức này còn không đủ để trả tiền điện nước, lương cho nhân viên chứ chưa nói đến những thứ lớn lao như thuê mặt bằng hay sinh lời", bà Thùy Dương, trưởng bộ phận kinh doanh của hệ thống chia sẻ.
Chính vì vậy, sau tổng cộng hơn 9 tháng tạm dừng hoạt động kể từ khi có Covid-19, ICOOL lại một lần nữa kiến nghị mở lại. Doanh nghiệp cho rằng karaoke không phải là môi trường nguy hiểm, bởi nhóm người đi hát đều quen biết nhau và hát trong các phòng riêng tách biệt. Đồng thời, không gian các chi nhánh đều rộng và có thể giới hạn số người theo quy định của Bộ Y tế.
Do đó, ICOOL đề xuất hoạt động trở lại từ ngày 31/10 với 10 biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên. Còn Nnice cũng đã soạn sẵn đơn kiến nghị, chỉ chờ thời điểm thích hợp gửi đi.
Với Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm được đón khách trở lại.
Họ cho biết dù nhiều nhân sự đã về quê, chưa thể quay lại TP.HCM, nhưng số còn lại vẫn đủ để phục vụ một lượng khách hàng nhất định nếu được mở lại.
"Chỉ cần có thời gian bảo trì, bảo dưỡng lại các thiết bị, máy móc, còn lại chúng tôi luôn sẵn sàng hoạt động ngay khi được chính quyền cho phép", ông Tạ Quang Hùng nói.
Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các cơ sở karaoke sẽ được hoạt động hoặc hoạt động hạn chế khi dịch ở cấp độ 1. Dịch vụ này sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế ở cấp độ 2, và không được hoạt động ở các cấp độ 3, 4.
'Chúng tôi rất buồn khi tiếp tục phải đóng bar, quán karaoke'
Một số quản lý quán bar, karaoke tại TP.HCM cho biết rất buồn khi phải đóng cửa thêm một lần nữa, nhưng chấp hành nghiêm túc vì lợi ích của cộng đồng.
Chủ quán bar: 'Mỗi tháng tôi lại bay mất 1-2 căn nhà'
Mặt bằng thuê đắt đỏ, chi phí đầu tư lớn, nên khi dịch Covid-19 liên tục tái diễn, các quán bar, karaoke chịu tổn thất lớn vì nằm trong diện phải đóng cửa sớm và mở lại trễ nhất.
Quán karaoke ở TP.HCM bán bún thịt nướng
Ngoài bún vào buổi sáng, quán còn bán các đồ ăn văn phòng như cơm, nui, mì và vài món nhậu lạ miệng. Đây là cách các nhân viên gắng gượng, chờ ngày được mở cửa trở lại.