Nhiệt độ hôm qua lên đến 42,2 độ C (108 độ F) đủ sức làm tan chảy chai nhựa đặt trên sân, khiến cho các tay vợt phải thi đấu trong điều kiện rất khắc nghiệt. Frank Dancevic, tay vợt người Canada đã cáo buộc ban tổ chức “vô nhân đạo” khi anh bị chóng mặt, cần chăm sóc y tế vì quá nóng khi thất bại trước Benoit Paire của Pháp.
Frank Dancevic ngất xỉu khi thi đấu dưới trời nắng nóng. |
Tay vợt nữ Trung Quốc Peng Shuai cũng mệt mỏi và nôn mửa trong thời gian thi đấu trước Kurumi Nara, dẫn đến thất bại. Cô cho biết: “Tôi không có năng lượng, tôi không thể chạy, không thể giao bóng. Tôi không thể chơi quần vợt trong điều kiện như thế này”.
Bất chấp sự kêu ca của những tay vợt, các quan chức của giải Australia Open vẫn cho rằng độ ẩm vẫn ở mức thấp, các tay vợt có thể thi đấu trong điều kiện như thế này. Trong khi đó, Tim Wood - người đứng đầu bộ phận y tế của giải - cho rằng các tay vợt chưa gặp phải những vấn đề quan trọng. Ông lý giải, trong quần vợt, các tay vợt có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, điều đó sẽ giúp giảm áp lực do nhiệt độ tăng cao.
Tay vợt Daniel Traver giúp đỡ 1 cậu bé nhặt bóng bị ngất xỉu vì nắng nóng. |
Giải Australia Open diễn ra vào mùa hè, nổi tiếng vì nhiệt độ tăng cao khủng khiếp. Kỷ lục về nhiệt độ của tháng 1 là 45,6 độ C dẫn đến trận cháy rừng khét tiếng Black Friday diễn ra vào năm 1936 tại Melbourne. Dự kiến nhiệt độ trong tuần này tại Melbourne sẽ dao dộng từ 40 độ C trở lên. Vào năm 2009, cũng do nhiệt độ tăng cao, 173 người đã chết và bị thương do cháy rừng.
Để đối phó với nhiệt độ cao, các tay vợt thường quấn khăn chườm đá quanh cổ khi nhiệt độ ở mức 35 độ C lúc bắt đầu thi đấu và tăng dần đến buổi tối. “Tôi cảm thấy như đang thi đấu trong một cái chảo chiên hoặc một cái gì đó tương tự như thế”, ĐKVĐ đơn nữ Azarenka cho biết.
Cựu số 1 thế giới Caroline Wozniacki tiết lộ, khi cô đặt chai nước vừa uống xong xuống sân, nhựa phía dưới bắt đầu tan chảy. “Tôi thi đấu thể như đang ở trong phòng tắm hơi vậy”, Wozniacki cho biết.
Tay vợt Fabio Fognini lao đến ngay bồn nước để tắm sau khi chiến thắng tại vòng 1. |
Năm 2009, giải Australia Open diễn ra trong điều kiện nhiệt độ cao kỷ lục với mức trung bình 34,7 độ C. Novak Djokovic khi đó đã phải xin rút lui trong trận tứ kết với Andy Roddick do kiệt sức vì nóng.
Hiện tại các khán đài tại Melbourne Park trống khá nhiều do nhiệt độ quá cao. Nhưng các quan chức vẫn không muốn hoãn các trận đấu bởi họ cho rằng chưa có trường hợp nào chết vì mất nước trên sân đấu cả.